HLV Phạm Công Lộc: “Biết đâu tôi sẽ rời Đồng Tháp”

15/07/2011 18:52 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Nhắc tới bóng đá Đồng Tháp người ta liên tưởng đến cậu học trò con nhà nghèo vượt khó để rồi luôn được tôn trọng. Trong sự trỗi dậy của đội bóng này ba mùa gần đây, HLV Phạm Công Lộc xứng đáng là thủ lĩnh...

Mùa giải này phức tạp lắm

* TĐCS.Đồng Tháp sẽ hướng tới mục tiêu bảo vệ tấm HCĐ đoạt được ở mùa giải 2010 chứ, thưa ông?

- Nếu các mùa trước, CLB nào có 30 điểm trở lên đã an tâm kê cao gối mà ngủ. Còn mùa này, các bạn nhìn kỹ cũng thấy khoảng cách giữa đội Top 5 như chúng tôi với đội bóng áp chót chỉ tầm 10 điểm. Chỉ cần chúng tôi sơ sẩy vài trận là có nguy cơ tụt lại nhóm nguy hiểm rồi. Bóng đá lại càng không thể nói trước, nhất là thời điểm nhạy cảm và phức tạp như ở 5 vòng cuối. Tôi chỉ nghĩ TĐCS.Đồng Tháp trụ hạng đã là may trong một mùa giải phức tạp như năm nay.

* Ông có thể nói rõ cái sự phức tạp...

- Năm trước, tôi vẫn luôn tự tin khẳng định TĐCS.Đồng Tháp dễ làm nên chuyện. Năm nay thì khác, quân tôi mất nhiều cầu thủ tốt, việc lặp lại thành tích do đó là cực khó. Đó là cái nhìn thực tế chứ không thể mơ mộng. V-League giờ đua tiền và khốc liệt lắm. Chúng tôi vốn tiềm lực kinh tế kém hơn đối thủ, thật khó để lúc nào cũng kêu gọi cầu thủ “đá vì quê hương”. Như trận vừa rồi SHB.Đà Nẵng được treo thưởng hơn 1,5 tỷ nếu thắng Sông Lam Nghệ An, họ không thắng mới lạ. Không phải CLB nào cũng có được mạnh thường quân chịu chơi như bầu Hiển để dựa lưng cả. Nếu Đồng Tháp có tiền, chúng tôi cũng có thể làm được như Hà Nội.T&T và SHB.Đà Nẵng.

Năm nào cũng cảnh “ăn đong”

* Nghe tin hành lang, TĐCS.Đồng Tháp có ý định bán Tấn Trường, lấy 15 tỷ đồng để thêm kinh phí giữ chân các cầu thủ khác?

- Bóng đá bây giờ thị trường hóa và điều gì cũng có thể xảy ra. Trường là một thủ môn giỏi, có tên tuổi. Chưa kể, Bửu Ngọc cũng có thể đáp ứng được chuyên môn, năng lực bằng 70% đàn anh. Nếu CLB nào có ý muốn mua Tấn Trường và trực tiếp thương thảo, tôi nghĩ chuyện này cũng được thông qua, dù Tấn Trường vẫn còn hợp đồng với CLB. CLB không chỉ có thêm nguồn kinh phí để giữ chân các vị trí khác, mà có thể vẹn toàn mọi chuyện. Tôi cho rằng ý tưởng trên không tồi chút nào.


Huấn luyện viên Phạm Công Lộc. Ảnh: VSI

* Ông có lo học trò của mình vì chuyện tương lai mà chơi thiếu tập trung ở những trận còn lại?

- Thật khó đòi hỏi cầu thủ tập trung hết 100 % khi chuyện hợp đồng đáo hạn. Nhưng tôi nghiệm với học trò rằng họ cần đá tốt không chỉ vì thương hiệu CLB mà còn vì bản thân. CLB có thể chưa lo cho họ hết mọi thứ, nhưng tạo môi trường tốt để anh em phấn đấu và tiến lên. Ngay bản thân tôi cũng cay đắng nhìn các học trò giỏi ra đi. Nhưng không có tiền thì sao nói chuyện giữ chân trụ cột được. Cuối mùa giải này, Samson sẽ rời đất Cao Lãnh. Tôi thực sự đau lòng khi nhìn những tài năng mình ươm mầm lần lượt rời Đồng Tháp.

* Mới 3 năm nếm trải môi trường bóng đá đỉnh cao, quả thật những gì ông làm được đáng khâm phục. Ông thật giỏi liệu cơm, gắp mắm?

- Số tôi kể cũng may mắn và mát tay trong việc nuôi quân. Tôi cũng bất ngờ vì những cầu thủ được bổ sung như Hoàng Hà, Hải Dương lại hòa nhập nhanh như thế. Số cầu thủ trẻ như Văn Hào, Thanh Tân, Văn Hậu... cũng chơi chững chạc dù chỉ mới tầm 20 tuổi. Đồng Tháp may mắn có yếu tố địa phương đậm đặc và các cầu thủ đá vì danh dự của quê nhà. Đó là cái vốn giúp chúng tôi tự hào vượt khó và là niềm vui trong cuộc đua tranh kim tiền ở V-League. Còn mỗi mùa giải kết thúc, tôi lại lo tới mất ăn mất ngủ để bổ sung, giữ chân cầu thủ. Mình ít vốn, nên toàn sống cảnh chạy ăn từng bữa. Mệt mỏi lắm. Để nhào nặn nên một đội bóng đá trên mức trung bình rất khó với Đồng Tháp, nếu HLV không hiểu tâm tư học trò.

Nếu có Kavin, SLNA đã sớm vô địch

* V-League đang là cuộc đua tay ba. Ông nghĩ đội bóng nào sẽ đoạt ngôi vô địch?

- Đầu mùa, dàn đèn sân Cao Lãnh chưa được lắp, chúng tôi di chuyển xuống An Giang mượn sân thi đấu. Lúc ấy, SLNA mới bắt đầu cuộc đua nhưng chơi máu lửa và có khí chất rõ ràng. Tan trận tôi nói với HLV Hữu Thắng rằng SLNA đang có cái nền tốt và xứng đáng vô địch mùa này. Thắng cười bảo thời điểm này Sông Lam vẫn còn non.

Thời gian qua họ chơi rất tốt và duy trì ngôi đầu nhiền tuần liền. Có lẽ sự vắng mặt của Kavin Bryan ảnh hưởng nhiều tới lối chơi, kết quả của CLB. Nếu tiền đạo này không chấn thương, SLNA đã vô địch rồi. Bây giờ, đội bóng xứ Nghệ vẫn nắm lợi thế nhưng sức bật vọt mạnh mẽ của SHB.Đà Nẵng và Hà Nội.T&T phía sau cũng thật khó nói trước. Có lẽ chỉ tới vòng cuối cùng, V-League mới xác định vị vua.

* Thời điểm này, nhiều cầu thủ trẻ như Văn Quyết, Hoàng Thiên, Tuấn Mạnh hay Thanh Tân, Văn Hào thể hiện được tài năng ở V-League. Theo ông, liệu HLV Falko Goetz có tiếp tục thành công trong việc phát hiện tài năng trẻ như HLV Calisto từng làm được?

- Môi trường ở V-League khác hẳn ĐTQG. Không chỉ vì sự khắc nghiệt trong đào thải, mà còn khẳng định sự vươn lên trong đẳng cấp và giá trị chuyên môn thuần túy. Có lẽ tiền vệ trẻ Văn Quyết là trường hợp hiếm khi phát tiết ngay trận đầu tiên được đá ở đội tuyển. Còn Hoàng Thiên, Văn Hào, Tuấn Mạnh, Thanh Tân... có chuyên môn khá. Nhưng kinh nghiệm và kỹ năng xử lý chưa đạt độ hoàn hảo. Việc gọi bổ sung lên đội tuyển nhằm làm quen với môi trường là rất tốt. Nhưng BHL lẫn HLV Goetz phải tránh để những tân binh trẻ lầm tưởng về tài năng của mình. Nó đơn thuần chỉ là một bước nhảy trong sự nghiệp để tạo được bước đường thành công sau này mà thôi.

* Còn mục tiêu ở SEA Games 26, ông nghĩ vị trí thứ mấy thì vừa sức?

- Nói trước dễ bước không qua. Ở ta, bóng đá hay bất cứ chuyện gì cũng bị biến thành “bệnh thành tích”. Làm bóng đá nóng vội và thiếu tính toán dài lâu sớm muộn gì cũng thất bại. Tôi nghĩ hãy tạm gác chuyện SEA Games ở lại. Giờ HLV Goetz cứ tập trung làm tốt nhiệm vụ xây dựng bộ khung và lối chơi của hai đội tuyển. Sau đó là kế hoạch bổ sung cầu thủ, biến những cầu thủ trẻ tiềm năng thành trụ cột ĐTQG trong 1-2 năm tới. Nếu làm tốt khâu phát hiện và bồi dưỡng, BĐVN lúc ấy mới nói tới chuyện giành giải cao ở khu vực được.

Tôi vẫn thèm đi học

* Đã tạo được danh tiếng ở V-League, ông đã tính tới chuyện du học để nâng cấp trình độ HLV của mình?

- Nhìn thấy nhiều anh em đồng nghiệp đi tu nghiệp ở nước ngoài tôi cũng ham lắm. Nhưng bận công việc lu bu, rồi vốn ngoại ngữ mới tàm tạm, nên đành gác lại. Chưa kể tôi chưa được tạo cơ hội để đi học thêm kinh nghiệm và tăng cường chuyên môn của mình. Có lẽ thời gian nghỉ cuối giải, tôi không quá bận kế hoạch nhân sự cho đội nhà, thì mới tính chuyện đi học được.

* Bóng đá là công việc áp lực, ông thường làm gì xả “stress” sau mỗi trận đấu kết thúc?

- Tôi ham công việc lắm nên bận tối mắt tối mũi từ sáng sớm tới tối mịt. Chỉ rảnh thời gian buổi sáng chạy bộ tập thể dục. Sau đó, cầm tờ báo bên bàn cà phê đàm đạo với anh em về cuộc sống, về... bóng đá. Đó là vòng quay mà tôi không thấy chán. Vì mỗi ngày lại một câu chuyện, một vấn đề đáng bàn. Tôi thấy hạnh phúc với những gì mình có.

* Kỷ niệm nào vui - buồn nhất trong những năm ông theo nghiệp bóng đá cho tới tận bây giờ?

- Năm 2009, tôi mới chân ướt, chân ráo nằm quyền ở TĐCS.Đồng Tháp. Đội bóng lúc ấy bị điểm mặt rớt hạng. Chúng tôi lại đụng độ HA.GL từ ngày khai mạc. Năm ấy, đội bóng phố núi mới tuyển mộ Lee Nguyễn, còn bầu Đức tuyên bố “98% vô địch” từ trước khi giải đấu diễn ra. Vậy mà, chúng tôi quật ngã họ 3 bàn trắng ngay tại Cao Lãnh. Đó có lẽ là cột mốc ấn tượng nhất trong nhiều năm tôi làm bóng đá. Còn điều tôi trăn trở nhất vẫn là Đồng Tháp chỉ chạy ăn qua từng năm, thiếu vốn liếng để cất mình lên cao hẳn. Nhiều lúc tôi thực sự rất mệt mỏi. Chỉ mong mùa giải kết thúc thật nhanh để có thêm thời gian nghỉ ngơi đôi chút.

* Nhiều người nhắc tới viễn cảnh Tấn Trường, Samson... rời Đồng Tháp. Trong khi ông cũng được nhiều đội bóng đại gia quan tâm, săn đón?

- Lòng tôi nặng nợ với bóng đá quê nhà lắm. Sự thực đã có nhiều CLB mời tôi 3 năm qua, nhưng tôi từ chối cả để phục vụ hết mình cho CLB. Còn cuối mùa giải năm nay, tôi cũng chưa quyết định mình đi hay ở. Tiền không quan trọng, mà tôi muốn có một môi trường mới và có tham vọng để thỏa sức vùng vẫy.

Có lẽ cuối mùa tôi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Nhìn những đóng góp đã qua, tôi nghĩ mọi người cũng thông cảm với tôi. Hơn 25 năm qua, tôi đóng góp hết mình cho phong trào thể thao của tỉnh.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mộc Miên (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm