07/03/2012 13:32 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Saving Face, bộ phim đoạt giải Oscar Phim tài liệu hay nhất năm nay, sẽ ra mắt công chúng vào ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) trên kênh HBO. Với bộ phim này, Sharmeen Obaid-Chinoy đã trở thành nhà làm phim Pakistan đầu tiên đoạt giải Oscar. Bà nhìn nhận vinh quang này như là niềm hy vọng cho những người phụ nữ đang là nạn nhân của những vụ tạt a-xít ở Pakistan.
>> Chuyên đề: Oscar lần thứ 84
“Tất cả phụ nữ ở Pakistan đang nỗ lực làm việc để thay đổi” - Obaid-Chinoy xúc động nói khi lên nhận giải Oscar. “Đừng từ bỏ những ước mơ của mình, giải thưởng này dành cho các bạn”.
Chống lại một tội ác kinh hoàng
Đây còn là thời khắc lịch sử trong cuộc chiến đã kéo dài hàng chục năm nhằm ngăn chặn nạn bạo lực phụ nữ ở Pakistan. Saving Face là câu chuyện của 2 phụ nữ can đảm: Zakia (39 tuổi), người bị chồng tạt a-xít sau khi cô đâm đơn ly dị, và Rukhsana (25 tuổi), người bị chồng và nhà chồng tạt a-xít, đổ dầu lên người rồi đốt. Họ đã cố gắng sống với những vết thương luôn đau nhức. May mắn khi họ có được sự hỗ trợ của Tổ chức Những người sống sót sau khi bị tạt a-xít ở Islamabad cùng các bác sĩ giỏi nghề.
Saving Face còn có sự tham gia của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Anh gốc Pakistan Mohammad Jawad. Ông đã từ bỏ nơi làm việc đang hái ra tiền của mình ở London để trở về quê hương, tình nguyện giúp đỡ Zakia, Rukhsana và những nạn nhân khác mà ông gọi là “căn bệnh” của xã hội Pakistan.
Cảnh trong phim Saving Face
Sau khi tấn công vợ, chồng của Zakia phải chịu mức án tù chung thân và anh ta đã trở thành người đầu tiên bị phạt tù theo luật mới của Pakistan. Bác sĩ Jawad đã giúp tái tạo lại gương mặt bị méo mó của cô và cuối cùng cô đã cảm thấy thoải mái khi bước đi trên các đường phố ở Pakistan mà không cần mặc burka (áo của phụ nữ Hồi giáo che cả người và mặt).
Còn Rukhsana vẫn sống cùng chồng và gia đình chồng, những người đã tấn công cô. Việc phẫu thuật gương mặt của cô phải hoãn lại do Rukhsana biết mình có thai. Trước khi sinh nở, cô mong muốn mình sẽ có con trai vì “con gái sẽ gặp nhiều rủi ro sau khi kết hôn”. Và đúng như Rukhsana mong ước, cô đã sinh con trai và đứa trẻ này đã mang lại cho cô hạnh phúc và mục đích sống.
Obaid-Chinoy nói: “Saving Face phản ánh về nạn bạo lực a-xít và những gì mà những người phụ nữ này đang trải qua hằng ngày. Nhưng đây không chỉ là một bộ phim về nỗi tuyệt vọng, mà còn phản ánh những gì mà mọi người đang cố gắng làm để thay đổi tình trạng đó”.
Ý tưởng làm phim nảy sinh khi bác sĩ Jawad xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau khi ông giúp đỡ người dẫn chương trình truyền hình Anh Katie Piper phục hồi sau khi bị bạn của người yêu cũ tấn công a-xít. Daniel Junge, đồng tác giả phim với Obaid-Chinoy, đã hỏi bác sĩ Jawad liệu ông có thể làm việc tương tự với những phụ nữ bị tạt a-xít ở Pakistan hay không? “Tuần sau tôi sẽ trở về Pakistan. Ông có đi cùng tôi không?” – bác sĩ Jawad nói với nhà làm phim.
Các nhân vật khác trong phim còn có luật sư Sarkar Abbas, người đại diện miễn phí cho các nạn nhân bị tạt a-xít; Valerie Khan, nhà hoạt động giúp đỡ phụ nữ tìm việc làm và cung cấp cho họ chỗ nương tựa; và một nhóm các đại biểu quốc hội nữ, những người thúc đẩy việc thông qua dự thảo luật trừng trị những kẻ tấn công a-xít.
Marvi Memon, cựu đại biểu quốc hội đã tham gia soạn dự thảo luật sau khi bà chứng kiến một phụ nữ đã chết do bị tạt a-xít, kể lại: “Vào phút lâm chung của người phụ nữ đó, tôi đã hứa với cô ấy rằng tôi sẽ nỗ lực để dự thảo luật được thông qua”.
2 nhà làm phim Saving Face và bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mohammad Jawad, một nhân vật trong phim. |
Các vụ tấn công a-xít chủ yếu xảy ra ở khu vực Punjab, miền Nam Pakistan và nhiều vùng của tỉnh Sindh. Ở những nơi này a-xít rất sẵn và khi mua chẳng cần phải có giấy phép. Đây còn là những nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao, trình độ dân trí thấp.
Theo thống kê, mỗi năm Pakistan xảy ra 150 vụ tạt a-xít, nhưng con số thực tế còn cao hơn nhiều. Phần lớn phụ nữ quá sợ hãi và không dám tố cáo những kẻ tấn công mình. Hầu hết những kẻ tấn công a-xít là những người bị phụ tình hoặc là những ông chồng bị bỏ rơi. Trong nhiều trường hợp, khi người đàn ông bị từ chối thì phản ứng của họ là: “Nếu tôi không thể có cô ấy thì không ai có được”. Những người đàn ông này cho rằng, tạt a-xít vào mặt người yêu hoặc vợ thì họ sẽ mất đi niềm tự hào của mình và không còn cơ hội kết hôn nữa” - Obaid-Chinoy giải thích.
Áp lực gia đình thường làm cho tình trạng này tồi tệ thêm. Ở Punjab và tỉnh Sindh, phụ nữ phải theo truyền thống, kết hôn với người trong thị tộc. Khi họ bị tạt a-xít, gia đình không can thiệp. Nhiều phụ nữ từ chối cơ hội được giúp đỡ hoặc tiếp cận với một tổ chức phi chính phủ, mà chỉ dám phàn nàn với cảnh sát. Nhiều người phải sống tách biệt bởi những vết sẹo của họ bị coi là vết nhơ. Nhiều gia đình còn không thừa nhận những người phụ nữ này và bỏ mặc họ sống mà không hề hỗ trợ gì.
Tận dụng vinh quang của giải Oscar
Chiến thắng tại lễ trao giải Oscar đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về vấn nạn này ở Pakistan. Nữ minh tinh Hollywood Angelina Jolie đã ca ngợi Obaid-Chinoy và tuyên bố cô sẽ xem bộ phim này. Còn Harvey Weinstein nói với Obaid-Chinoy rằng, bộ phim khiến ông “cảm thấy thật tuyệt khi biết được công việc mà chúng tôi - những nhà làm phim - đang làm”.
Khi Obaid-Chinoy trở lại quê hương Karachi, bà có kế hoạch tận dụng thành công này để thiết lập “một dịch vụ giáo dục từ xa ở Pakistan”. Trên đài phát thanh, truyền hình sẽ có những thông báo dịch vụ công cộng nhằm nâng cao nhận thức về các vụ tấn công a-xít. Còn phim Saving Face sẽ được lồng các thổ ngữ và trình chiếu ở các vùng bị ảnh hưởng.
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất