Oscar lần thứ 84: Tranh cãi quanh những lần đầu tiên vĩ đại

02/03/2012 17:08 GMT+7 | Phim


(TT&VH Cuối tuần) - The Artist trở thành bộ phim câm đầu tiên kể từ năm 1929, là bộ phim đen trắng đầu tiên kể từ năm 1993, và là bộ phim nước ngoài thứ 12 giành giải Phim xuất sắc nhất trong lịch sử 84 lần Oscar được tổ chức.

>> Chuyên đề Oscar lần thứ 84

Thomas Langmann, nhà sản xuất của The Artist, hạnh phúc nhìn pho tượng vàng cho giải thưởng Phim xuất sắc nhất nằm gọn trong tay ông, run run nói bằng giọng tiếng Anh đậm chất Pháp, rằng “đây là vinh quang bất cứ nhà làm phim nào cũng mơ ước”.

Cha của Thomas Langmann đã từng mang về cho nước Pháp một pho tượng vàng Oscar cho thể loại phim ngắn với tác phẩm mang tên Le Poulet cách nay tròn 50 năm. Nhưng trước khi cả khán phòng của Nhà hát Kodak ở Los Angeles trong buổi tối 26/2 mới đây đứng dậy tôn vinh The Artist, chưa có tác phẩm nào của điện ảnh Pháp nào giành giải thưởng danh giá nhất như ông và ê-kíp của mình đã mang về. Khi Thomas Langmann nhường lại micro cho Michel Hazanaviciu, đạo diễn của The Artist, trong sự bối rối tột cùng, ông đã trao nhầm cả bức tượng vàng quý giá.

Cho tới buổi tối 26/2 lịch sử, Thomas Langmann dường như vẫn không thể tin cái gật đầu đầy mạo hiểm của mình trước lời đề nghị của Michel Hazanaviciu khi họ gặp nhau lại đã tạo nên thành công vang dội. Trong khi phim 3D vẫn đang là một xu thế thời thượng (Hugo cũng theo thể loại này, có 11 đề cử, giành 5 tượng vàng), thì The Artist lại là đen trắng và hình được xử lý ở tốc độ 22 hình/giây, chậm hơn so với chuẩn mực 24 hình/giây. Lịch sử Oscar kể từ năm 1929 với bộ phim Wings, chưa từng tôn vinh thể loại phim câm mà The Artist lựa chọn.

Tài năng đạo diễn của Michel Hazanaviciu chính là chìa khóa giúp The Artist vượt qua những thử thách tự thân và mang tính xu hướng ấy, để chiến thắng trước tám đề cử khác, trong đó có những bộ phim nặng ký như The Help hay Descendants. Bản thân Michel Hazanaviciu cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Trong lần thứ hai được nói lời cảm ơn, ông đã ba lần gọi tên cố đạo diễn Billy Wilder.

Lên ngôi vì thiếu sự cạnh tranh?

Billy Wilder, nhà đạo diễn tài ba chưa từng làm phim câm, là nguồn cảm hứng cho Michel Hazanaviciu, như ông thú nhận. Sự nhắc nhớ này làm nảy lên một so sánh, nếu so với Sunset Boulevard, một tác phẩm kinh điển của Billy Wilder, từng được 11 đề cử và chỉ giành 3 giải (nhưng không được giải Phim xuất sắc nhất) cách nay 62 năm, dường như The Artist đã nổi lên và được tôn vinh một phần bởi năm nay thiếu vắng những phim thực sự xuất sắc (theo nhà phê bình kiêm đạo diễn Todd McCarthy từng có 30 năm viết cho tạp chí Variety). Người thủ vai nữ chính trong Sunset Boulevard, Gloria Swanson chính là nguyên mẫu cho vai diễn nữ của The Artist.

Từ trái sang: nhà sản xuất Thomas Langmann, Jean Dujardin, đạo diễn Hazanavicius, James Cromwell, Berenice Bejo, Penelope Ann Miller, Missy Pyle cùng chú chó Uggie, lên nhận giải Oscar hạng mục Phim xuất sắc nhất cho phim The Artist

Hay sự thể hiện của Jean Dujardin, người đã chiến thắng ở hạng mục Diễn viên nam xuất sắc nhất, trong vai George Valentin của The Artist, cũng khó lòng thuyết phục như cái cách Roberto Begnini người Ý trong bộ phim cùng “quốc tịch” Life is beautiful, tạo dựng đối với Viện hàn lâm nghệ thuật Mỹ ở Oscar lần thứ 71. Life is beautiful năm 1997 cũng đã nhận được 11 đề cử, nhưng rốt cuộc chỉ giành được ba giải, nhưng không có hạng mục Phim xuất sắc nhất.

Trái lại, như nhà phê bình của tờ Los Angeles Times, Kenneth Turan kiến giải, những chỉ trích không thể che lấp được rằng The Artist vẫn xứng đáng với bất cứ danh hiệu, giải thưởng nào mà nó đã đạt được từ khắp các liên hoan phim ở châu Âu (Cannes, BAFTA - Oscar của Anh...) cho tới châu Mỹ. Và đó chính là bằng chứng cho thấy tác phẩm của điện ảnh Pháp được sản xuất ở Hollywood này có thể “chiến đấu” trong bất cứ năm nào, chứ không chỉ gặt hái trong một năm yên ắng của thế giới nghệ thuật thứ bảy.

Hay dù người ta có nghi ngờ thành công của nó là nhờ Harvey Weinstein, nhà sản xuất trứ danh ở Hollywood, đứng đằng sau lobby rầm rộ để Viện hàn lâm ngó tới bộ phim, thì chỉ có giá trị đích thực của phim mới thuyết phục được các vị giám khảo đáng kính bỏ phiếu.

Harvey Weinstein, người được camera lia tới ngay những hàng ghế đầu trong Nhà hát Kodak khi tài tử Tom Cruise xướng tên bộ phim đoạt giải, nói rằng chiến thắng của The Artist sẽ là cảm hứng cho rất nhiều những nhà sản xuất, những đạo diễn đang ấp ủ một dự án phim theo một thể loại nào đó dù không phổ quát, nó vẫn có thể được tôn vinh. Ông bảo mình nhận định cơ hội thành công của The Artist khi ông bỏ tiền cùng đầu tư, chỉ là một phần triệu.

Maryl Streep thắng Viola Davis nhờ tên tuổi

Nếu có một bất ngờ thực sự nào đó ở Oscar lần thứ 84, đó phải là chiến thắng của Maryl Streep ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc qua vai Margaret Thatcher trong Iron Lady. Bởi nhiều người dự đoán bức tượng vàng dành cho diễn viên da màu Viola Davis đã cực kỳ xuất sắc trong bộ phim The Help. Trước khi đến với Oscar, Viola Davis đã giành giải Nữ chính xuất sắc của Hội đồng phê bình - một sự đảm bảo tương đối chắc chắn, giống như Octavia Spencer (cùng phim The Help) đã có và thâu tóm danh hiệu Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất ở hầu hết các liên hoan phim.

Maryl Streep có lẽ cũng không chờ đợi chiến thắng của mình, dự liệu rằng lần này bà sẽ lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu của Oscar là 15 lần thất bại sau khi đã được đề cử. Chính vì lẽ đó diễn viên đã 63 tuổi này có cảm hứng để diễn xuất một đoạn ngắn ngay trên bục trao giải với lời độc thoại: “Hẳn là một nửa nước Mỹ giờ đang ngao ngán rằng lại là bà ta nữa ư. Thôi nào, tại sao lại là bà ta nhỉ?”.

Nhưng Maryl Streep cũng có đường băng là danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc ở Golden Globes. Phil Contrino của BoxOffice.com nói rằng mọi người không thể gọi việc Maryl Streep đoạt giải là một bất ngờ, bởi bà là gương mặt được yêu mến của điện ảnh trong nhiều năm qua. Cây viết chuyên về điện ảnh Scott Feinberg còn lý giải những yếu tố tác động tới lá phiếu của Viện hàn lâm, như Maryl Streep có lợi thế từ việc nhập vai một nhân vật nổi tiếng và có thật, phim được phân phối bởi (lại là) Harvey Weinstein, cũng như sự lao động và sáng tạo miệt mài trong suốt 29 năm qua của bà đã được ghi nhận với 12 lần để cử (đều thất bại) kể từ lần cuối bà giành được Oscar năm 1982 (lần thứ hai).

Và phần lễ ít dư vị

Kể từ lúc diễn viên hài đa năng Billy Crystal “bước” ra từ một đoạn video clip điểm xuyết những hình ảnh và nội dung của chín bộ phim được đề cử giải Phim xuất sắc nhất, trong vai trò người dẫn chương trình duy nhất để bắt đầu buổi lễ, Oscar lần thứ 84 kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Một buổi lễ với kịch bản chặt chẽ tới mức người xem ít nhìn thấy bóng dáng nghệ thuật giải trí, và hoàn toàn không có chất hành động như dự báo (ngoại trừ tiết mục xiếc của đoàn Cirque du Soleil), cũng thiếu những xúc cảm được tiên liệu (ngoài phần hát trên nền hình ảnh những người hoạt động, tham gia trong lĩnh vực điện ảnh mới qua đời, trong đó có Whitney Houston). Nó chỉ được bù đắp lại phần nào bằng những câu chuyện gây cười kèm gương mặt rất duyên của Billy Crystal trong lần đầu tiên ông trở lại sau chín năm với lễ trao giải Oscar, và hơn hai chục màn giới thiệu hài hước khi các ngôi sao lên xướng danh đề cử và công bố người chiến thắng.

Và lễ trao giải Oscar lần thứ 84 còn bị chỉ trích vì nó đã phớt lờ thực tế 2012 là năm bầu cử, và chẳng có vấn đề nào của một xã hội Mỹ đang biến động mạnh mẽ được nói tới. Nó đã không đáp ứng được kỳ vọng của một chương trình có tới 39 triệu người xem (tăng hơn so với năm 2011) bất chấp thực tế là người Mỹ dường như không quan tâm lắm tới một bộ phim của người Pháp. The Artist cho tới nay mới chỉ thu được 30 triệu USD tiền vé ở thị trường Bắc Mỹ. Trong khi bộ phim nói về Hải đội biệt kích của Mỹ SEAL có tên Act of Valor đã thu về tới 24,7 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên công chiếu.

Phạm Tấn (P/v TTXVN tại Washington D.C)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm