Nam Định và Megastar có nguy cơ dắt nhau ra toà: Bóng đá “cơ hội”

13/09/2010 12:44 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Cũng như XM Công Thanh với Thanh Hoá cách đây 2 năm, Megastar cũng chia tay Nam Định dù bản hợp đồng hợp tác có thời hạn 1 năm chưa đáo hạn. Sự tháo chạy của Megastar, XM.CT có tác động thế nào với Thanh Hoá với Nam Định và BĐVN?

Ảo tưởng, cơ hội


Bản hợp đồng giữa Megastar và Nam Định có thời hạn 1 năm với số tiền tài trợ là 20 tỷ đồng được chuyển làm 4 đợt. Cuối V-League 2010, khi Nam Định rớt hạng, Megastar đã bắn tin sẽ ngừng hợp tác. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Megastar chuyển đủ số tiền như đã cam kết.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hưng Thái, đồng chủ tịch CLB Nam Định, đội mới nhận được 6,7 tỷ đồng từ Megastar. Ông Thái cũng cho biết thêm dù Nam Định đã gửi công văn 2 lần nhưng Megastar vẫn chưa chuyển nốt tiền, cũng không khẳng định là rút lui hay không. Theo ông Thái, Nam Định muốn giải quyết bằng thương lượng nhưng nếu Megastar vẫn làm thinh, đội bóng sẽ nhờ đến toà án phân xử.



Mới gần 1 năm trước, Nam Định còn ra mắt nhà tài trợ Megastar rình rang thế này, vậy mà…

Câu chuyện riêng của Nam Định và Megastar chưa biết tới khi nào mới có hồi kết. Đúng - sai dù có thuộc về ai thì cuộc hôn nhân đứt gánh này đã lại làm nảy lên những câu hỏi xung quanh mối quan hệ giữa đội bóng và nhà tài trợ.

Mạnh Thường Quân của BĐVN cũng có nhiều dạng. Người mua cả đội bóng, người chỉ góp mặt trong thời gian ngắn. Thời gian gắn bó là thước đó mục đích của những Mạnh Thường Quân và nếu tài trợ theo kiểu thời vụ thì mục đích chính là đánh bóng thương hiệu hoặc thậm chí là trục lợi (đòi sở hữu hoặc tạo điều kiện thuê bát động sản).


Với quan điểm này, người ta dễ dàng phủi tay bỏ rơi đội bóng nếu không có lợi. Megastar bỏ Nam Định ngay khi xuống hạng (không còn giá trị quảng bá), XMCT (bị Thanh Hoá cắt hợp đồng vì không thực hiện đúng cam kết) chính là những điển hình.


Cũng khó trách Megastar hay XMCT bởi là doanh nghiệp, họ có quyền tính toán theo cách có lợi nhất, ít tốn kém nhất. Sự xuất hiện của những mối quan hệ kiểu này được coi là tất yếu trong tiến trình phát triển của V-League. Thế nên, mối quan hệ theo kiểu ảo tưởng vào khả năng đánh bóng tên tuổi (với Megastar) hoặc kiếm lợi ngoài bóng đá (XMCT) đã sụp đổ khi mục đích không được thoả mãn.


Phập phồng theo bóng ông bầu


Sự góp mặt của các doanh nghiệp với sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ông bầu đã làm thay đổi đời sống bóng đá Việt Nam. Kiểu bóng đá "lấy tiền đè người" đã vô tình quy đổi mọi giá trị, từ truyền thống đến màu cờ sắc áo... thành tiền. Giá cầu thủ, HLV, lương, thưởng... tăng phi mã tuỳ theo sự cạnh tranh hay nói cách khác là hứng thú của các ông bầu.


Một câu hỏi đặt ra là liệu có ông bầu nào mất hứng mà bỏ bóng đá? Hiện tại, trong số 28 CLB ở V-League và ở hạng Nhất, không rõ có ông bầu nào mất hứng mà bỏ cuộc chơi giữa chừng hay không, nhưng lịch sử V-League đã chứng kiến không ít cuộc tháo chạy của các nhà Mạnh Thường Quân, như Hàng không VN, Ngân hàng Đông Á, Tôn Hoa Sen, Thép Việt Úc…


Kéo theo mỗi cuộc bỏ của chạy lấy người ấy bao giờ cũng là khủng hoảng, mà nghiêm trọng nhất là có thể xoá sổ một đội bóng. Thể Công, CA.TPHCM hay CA Hà Nội là những trường hợp như vậy.


BĐVN có vẻ như đang sống khoẻ nếu nhìn vào những cuộc bán mua, nhưng ít ai để rằng, trong những cuộc đua tiền trên thị trường chuyển nhượng, đã có những ông bầu công khai tuyên bố hết hứng thú.


Bầu Đức, bầu Thắng đã vài năm nay không còn xông xáo, vì vậy, từ vị thế "đại gia", ĐT.Long An hay HA.Gia Lai đã có lúc phải tính chuyện trụ hạng. Sự chuyên nghiệp của BĐVN đang phập phồng chạy theo những bước đi của các ông bầu.

PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm