Thể thao Việt Nam nhìn từ năm 2010: Để thất bại không vô nghĩa

01/01/2011 15:29 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH cuối tuần) - Cho đến khi tờ lịch cuối cùng rơi xuống, năm 2010 mới chính thức khép lại với thể thao Việt Nam (TTVN) bằng lễ bế mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI. Một năm căng mình trên khắp các mặt trận lớn để rồi cái thu lại chẳng phải từ thành công mà là bài học cũ từ những thất bại nặng nề.

Từ nỗi ám ảnh “Vàng”

Trên đấu trường quốc tế là những: Asian Games 16, AFF Cup, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ II, Olympic trẻ thế giới... còn trong nước là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI kéo dài suốt trong 12 tháng, năm 2010 thực sự là năm bận rộn với TTVN. Không ít những kỳ vọng lớn được đặt ra cho từng sân đấu bằng những chỉ tiêu “vàng” cụ thể. Chỉ có điều, tất cả sự kỳ vọng đó cuối cùng đều cùng chung một mẫu số: thất vọng.

Asian Games 16, kỳ Á vận hội TTVN đưa đến Quảng Châu đoàn “đại quân” lớn nhất trong lịch sử cùng chỉ tiêu cực kỳ “khiêm tốn” - giành từ 4 đến 6 HCV để đứng trong tốp 15 chung cuộc. Nhưng rồi cái “chỉ tiêu vàng” ấy nhanh chóng sụp đổ, thậm chí còn trở thành nỗi ám ảnh với cả nền thể thao cứ qua từng ngày thi đấu. Tấm HCV duy nhất từ karatedo có thể là sự giải cứu cho cơn khát vàng, tuy nhiên cũng chẳng đủ để lấp đi thực tế, đây là kỳ Asian Games thất bại nặng nề nhất. Thất bại không chỉ đơn thuần về mặt chỉ tiêu mà còn làm sụp đổ luôn cái ánh hào quang giả tạo về cái gọi là thế mạnh của thể thao Việt mỗi khi bước vào sân chơi lớn. Kết cục của Asian Games 16, cũng là cái kết cục chung cho Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ II tại Muscat (Oman), khi là cảnh “trắng vàng” dù vẫn có mặt những niềm hy vọng lớn như thể hình, cầu mây... Thật đáng ngại khi đây là giải đấu được xem là chuẩn bị cho 6 năm nữa, TTVN cũng là sẽ chủ nhà.


TTVN trong năm 2010 chỉ thực sự có vài điểm sáng, mà điền kinh là tiêu biểu

Thất bại còn bị đẩy lên đỉnh điểm khi nó không chỉ là câu chuyện riêng của giới thể thao mà trở thành nỗi thất vọng lớn với hàng triệu trái tim hâm mộ khi chứng kiến đội tuyển bóng đá nam quốc gia đánh mất ngôi vương tại AFF Cup. Giấc mơ vàng không đến thêm một lần nữa và tệ hơn là nó làm bục ra toàn bộ những yếu kém từ chuyên môn đến cách nghĩ, cách làm. Chẳng hề là quá lời khi nói rằng, thất bại của thầy trò Calisto đã mở ra thời kỳ khủng hoảng mới cho bóng đá Việt Nam, chí ít là ở cấp độ đội tuyển.

Trở lại với đấu trường trong nước, với sự kiện thể thao hàng đầu quốc gia có chu kỳ tổ chức 4 năm/lần - Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI. 62 môn và phân môn với 879 bộ huy chương được trao, kéo dài suốt từ tháng 1 đến VCK vừa khép lại tại Đà Nẵng. Không phủ nhận tầm vóc lẫn quy mô và cả những mục tiêu lớn mà sân chơi này hướng tới, nhưng câu hỏi đặt ra là cái gì đọng lại cho TTVN sau ngày hội lớn đó? Có lẽ là chẳng nhiều, từ việc bất cập trong khâu tổ chức cùng sự tụt hậu so với chính những bước tiến như vũ bão của thời thể thao lên chuyên.

Những điểm sáng ít ỏi

Đó chính là thành công vang dội của điền kinh tại Asian Games 16 với 3 HCB, 2 HCĐ của Trương Thanh Hằng (2 HCB, 800m, 1.500m nữ), Vũ Thị Hương (HCB 200m nữ, HCĐ 100m nữ) và Vũ Văn Huyện (HCĐ 10 môn phối hợp nam). Thành công nằm ngoài mọi dự báo về chuyên môn và cùng với bắn súng, rowing, vật nữ... đã chỉ ra sức cạnh tranh mới cho TTVN ngay tại những môn thể thao cơ bản nhất. Đó còn là cây vợt Tiến Minh trụ vững trong tốp 10 nam của làng cầu lông thế giới để lần đầu tiên giành quyền tham dự giải Final Super Series - giải đấu của những tay vợt hàng đầu. Là sức cờ ngày càng thăng tiến của ĐKT QT trẻ Lê Quang Liêm thông qua những thành tích nổi bật trên kỳ đài quốc tế...

Và trong 1 năm không thành công, nhưng tiềm năng của TTVN vẫn là hiện hữu. Thạch Kim Tuấn với tấm HCV cử tạ hạng 56kg nam duy nhất tại Olympic trẻ thế giới lần thứ nhất đã nổi lên để trở thành người thay thế xứng đáng cho một Hoàng Anh Tuấn đang lụi tàn sự nghiệp vì những nghi án doping. Cũng như thế ở sân chơi này là 2 tấm HCĐ của Thanh Thảo (taekwondo), Vũ Thị Trang (cầu lông). Với bóng đá, nếu đội tuyển quốc gia thất bại tại AFF Cup, thì đây lại là năm của các đội tuyển trẻ khi U16 nam quốc gia đoạt ngôi quán quân giải U16 Đông Nam Á mở rộng sau khi đánh bại cả Trung Quốc (2 lần) và chủ nhà Indonesia. U19 Việt Nam vô địch giải U21 báo Thanh niên quốc tế sau khi hạ U21 Thái Lan ở chung kết. U23 Việt Nam thì bất ngờ vô địch Cúp TP.HCM 2010 chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Không nhiều trong một năm quá bận rộn, nhưng chính những điểm sáng ít ỏi này đã chỉ ra sức phát triển trong tương lai cho TTVN nếu có được sự đầu tư đúng hướng.

Và lời hứa quyết tâm

Thất bại dù có nặng nề đến đâu thì cũng đã ở lại phía sau, nhưng để những thất bại ấy không trở nên vô nghĩa thì đã đến lúc TTVN cần phải có sự thay đổi quyết liệt nhất cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Với cả nền thể thao, đó là Chiến lược phát triển đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, TTVN tập trung vào các môn thể thao cơ bản để nâng tầm mục tiêu chính từ khu vực lên châu lục, thế giới. Còn với bóng đá, môn thể thao vua là lời hứa về cuộc cải tổ từ lực lượng theo hướng trẻ hóa đến cách đầu tư khoa học hơn.

Vũ Duy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm