27/04/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Thật thú vị nếu trên hành trình khám phá và thưởng ngoạn, bạn sẽ gặp những người bạn mới đến từ những xứ sở xa lạ, khác chủng tộc, khác màu da. Trong cuốn sách Ăn, cầu nguyện và yêu của mình, nữ văn sĩ Elizabeth Gilbert không chỉ khiến cho tín đồ du lịch ngay lập tức muốn xách va li đến những nơi nữ nhà văn đã đi qua mà còn làm cho họ “rung rinh” vì câu chuyện tình yêu của chính cô trên hành trình du lịch...
>> Đọc tất cả các bài du lịch tại đây
Năm 2010, sau khi một người bạn bỏ cuộc, tôi quyết định đi Myanmar một mình. Sau một đêm ngủ vạ vật ở sân bay Bangkok, sáng sớm hôm sau tôi đến Thủ đô Yangon. Thời tiết tháng 4 nóng như đổ lửa. Xe của khách sạn ra sân bay múc cả đám khách nước ngoài lố nhố về. Cả lũ ào lên xe, chiếc xe bus kinh dị nhất mà tôi từng thấy, dường như chỉ có trơ một khung sắt gỉ sét, cọc cạch và rung lắc ầm ầm mỗi khi vấp ổ gà. Đám Tây đã bắt đầu quay sang làm quen với nhau, tay bắt mặt mừng, tôi là người châu Á duy nhất trên xe, ngồi lơ mơ ngó ra cửa sổ. Một lúc sau thì thấy ai khều khều sau lưng. Và đó là James.
Tác giả và James ở một khu đền cổ tại Bagan
Về đến khách sạn, tôi tuốt thẳng lên phòng trốn nóng. Lát sau lại vòng xuống dưới đặt vé xe đi Mandalay ngay buổi tối hôm đó mà xui sao, xe hết chỗ. Chán chán vòng sang ăn sáng thì lại gặp James ngồi đó sẵn. Tôi ghé vào chung bàn và ăn. James hỏi tôi: “Thế kế hoạch của mày là gì?”. Tôi bảo: “Tao muốn đi Mandalay tối nay luôn mà hết chỗ rồi, thôi chắc tao đi thẳng Bagan ngày mai mày ạ”. James đề nghị: “Ừ, hay là tụi mình đi chung đi!”. Vậy là hành trình gần 2 tuần lang thang ở Myanmar của tôi và James bắt đầu.
Tôi chưa thấy anh Tây nào lại nhút nhát như James. Mọi kế hoạch đi đứng thế nào, ăn gì, ở đâu đều do tôi toàn quyền quyết định. Hai đứa leo lên một chiếc xe bus toàn dân bản địa vào một buổi chiều để đến Bagan. Ngồi cuối xe, chúng tôi là người nước ngoài duy nhất, xung quanh toàn là thanh niên bản địa nói chuyện như bắp rang và bóp bép nhai trầu, nhổ xoành xoạch ra cái bao ni lông. Chuyến xe dài dằng dặc 17 tiếng đồng hồ. Đến nơi, cả hai lóc cóc thuê xe ngựa về khách sạn và lại lóc cóc đi thăm đền đài cũng bằng xe ngựa. Ở Bagan cả hai ăn uống rất kinh, ai mời gì cũng ăn, món gì cũng thử, vậy nên mới có một đêm cả hai bị Tào Tháo rượt, ôm bụng trong toilet cả đêm, phờ phạc, gõ cửa phòng nhau xin thuốc uống, tí nữa là lỡ luôn buổi sáng sớm đi đón mặt trời lúc bình minh.
Bagan là một thị trấn nhỏ, rất nhỏ với quần thể hàng nghìn ngôi đền được xây bằng gạch đỏ nằm rải rác. Ngay trong ngôi đền đầu tiên, chúng tôi gặp một gia đình sinh sống bằng nghề vẽ tranh cát, hàng ngày họ vẽ và bán tranh ngay trong đền đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ lau chùi bên trong đền. Người vợ đã rất nhiệt tình rọi đèn pin dẫn chúng tôi đi tham quan từng ngõ ngách trong đền. Một lát sau thì dẫn chúng tôi ra trước ngồi nghỉ ngơi và bảo chồng mình chạy ngay về nhà mang ra một món ăn được gọi là món salad đặc trưng của người Myanmar mời chúng tôi ăn thử. Tuyệt nhiên họ không mời hay nài nỉ chúng tôi mua bất cứ thứ gì. Chỉ ngồi cùng, trò chuyện và cười ngất khi thấy tôi mua nhầm một chiếc longi dành cho nam giới và quấn quanh người với vẻ rất tự hào.
Sau này, tôi và James bảo nhau, có lẽ đến chết cũng không quên được cái buổi sáng hôm ấy đi đón bình minh ở Bagan. Không thể quên được tiếng móng ngựa gõ lọc cọc trên con đường mòn, cái khí trời buổi sáng sớm lành lạnh, chung quanh, hàng nghìn ngôi đền cổ vẫn chìm trong sương sớm. Vang vang trên những ngọn cây im lìm, tiếng kinh Phật phát ra đều đều từ những chiếc loa cũ kỹ. Một buổi sớm mai trong vắng và thanh bình. Có một buổi tối cả hai ngồi uống bia không lạnh (ở Myanmar hiếm khi có điện và đá cũng là một trong những thứ xa xỉ) và xem giải Ngoại hạng Anh cùng các bạn dân bản xứ trong một cái quán nhỏ xíu, cạnh con đường đất, xung quanh tối đen.
Bình minh ở Bagan
Sau vài ngày ở Bagan, tôi dụ dỗ James mua vé máy bay đến Inle Lake. Máy bay ở đây rất vui, hành lý ký gửi sẽ có một anh dạng như bốc vác, vác thẳng ra bụng máy bay, chất vào. Máy bay hoạt động y hệt xe buýt. Cứ bay nửa tiếng đến 45 phút lại hạ cánh trả khách, đón khách và lại rùng mình bay tiếp. Cứ thế, khoảng 2 lần thì đến nơi. Đến Inle Lake, ngay lập tức tôi rủ James đi bộ từ khách sạn ra bờ sông, đường đi ngoằn ngoèo qua những xóm làng nhỏ, ngang qua cả một sân bóng trơ trụi chỉ toàn đất cát và lác đác vài em nhỏ đang chơi đùa. Từ bờ sông, chúng tôi thuê một chiếc thuyền nhỏ để khám phá cuộc sống của người dân nơi đây trên lòng hồ Inle. Nước hồ trong leo lẻo nhìn thấy cả những dải rong xanh cuộn dày đặc trôi lượn lờ dưới mặt nước. Thi thoảng chúng tôi còn gặp cả những ngư dân chèo thuyền một chân, tay thoăn thoắt quăng lưới, một hình ảnh đặc trưng và nổi tiếng của hồ Inle.
Sau một ngày đi thuyền trên lòng hồ, hôm sau tôi dụ James thuê xe đạp đi lòng vòng quanh các khu làng. Hai đứa đã có một ngày đạp xe trẹo cả chân từ sáng sớm đến chiều tối, đi ngang qua những khu làng cây cối trọc trụi vì nắng, ngủ trưa trong một cái lán bỏ hoang của người làm đồng, thi trèo cây lên những thân cây to. Mình nhớ James thấy mình trèo cây ban đầu thì rất run, sau đó thì cũng tò mò trèo thử và nói: “Tại sao khi chúng mình lớn lên lại quên đi những trò vui như thế này mày nhỉ?”. Rồi vứt xe đạp đi bộ vào làng của những vị sư, leo vào hang thăm thú và ngồi uống trà trong căn lều của một vị sư già, nằm cheo leo trên sườn núi. Người dân ở đây cực kỳ thân thiện và luôn tươi cười. Khi chúng tôi đi sâu vào những ngọn đồi mà chả biết là đi đâu, giữa đường gặp một người dân tộc đang gùi trên lưng những cành củi khô, bà đã liên tục ra dấu cho chúng tôi, ám chỉ rằng quay lại đi, chả có gì mà xem nữa đâu rồi nắm tay chúng tôi, chỉ cho một con đường tắt để quay về cho nhanh, khi trời đã như dần tắt nắng.
Chèo thuyền đánh cá trên hồ Inle
Ngày cuối cùng ở Yangon trước khi tôi về lại Việt Nam, hai đứa đã có một ngày lôi thôi, lếch thếch đi bộ mò mẫm khắp nơi, từ chợ búa đến đường sá, người ngợm lấm lem và dơ kinh khủng. Thế mà tôi đã rủ James: “Ê, tao với mày kiếm khách sạn 5 sao nào to nhất vô uống gin tonic chơi đi!”. Như mọi lần, James “ừ”! Hai đứa kéo nhau vào sảnh khách sạn, giữa bao người ăn mặc tươm tất, bao ánh nhìn dị nghị mà vẫn vui, ly gin tonic 5 đô-la ngon không thể tả.
Sáng hôm sau tôi ra sân bay sớm, James dậy tiễn tôi. Chào nhau xong xuôi, bước ra đến xe bus tôi lại quay lại ôm James. Chỉ mới gần 2 tuần lang thang cùng nhau, gặp nhau suốt ngày thế nhưng thật lạ, tôi và James y như hai người bạn thân, quý mến nhau ngay từ giây phút đầu. Lúc tôi về Việt Nam, cả hai giữ liên lạc rất hăng, còn động viên nhau để dành tiền để lại lên đường cùng nhau thêm một lần nữa. Cuối cùng thì tôi có người yêu, kế hoạch đi cùng James dĩ nhiên là phải bỏ, nhưng James vẫn chăm chỉ kiếm tiền và dành dụm cho kế hoạch không thay đổi của mình.
Chùa vàng ở Yangon
Năm ngoái, một ngày nọ James chat với tôi rằng: “mày ạ, tao chuẩn bị sang Việt Nam đấy. Tao sẽ đi Việt Nam, sẽ sang Thái, Malaysia, Indonesia và Australia, tao sẽ đi 5 tháng”. Và đùng, một buổi tối nọ tôi gặp bạn ấy giữa Sài Gòn, vui không thể tả. Tôi tha lôi bạn ấy đi khắp nơi, dường như ngay lập tức, James mê Sài Gòn điên đảo, bảo “có khi tao qua đây làm việc mày ạ!”. Một tuần sau bạn ấy bảo: “Tao đi Hội An nhé, 2 tuần tao lại về Sài Gòn”. Rồi từ Hội An bạn ấy thuê xe máy đi ra Lăng Cô và đùng (lại đùng!), dính lại ở đó luôn. Bạn gặp một cô gái Lăng Cô xinh đẹp, đem lòng yêu và ở đó mãi đến bây giờ. Sáng nay tôi nhận được tin nhắn James khoe: “Chúng tao mới đính hôn rồi. Bố mẹ tao đang ở đây nè. Sẽ báo cho mày khi nào tao cưới nhé!”. Ai bảo Trái đất không tròn? Ai bảo con người với con người không có số?
Tiết lộ bí mật: Vào một (trong số những) đêm say xỉn ở Sài Gòn, tôi từng hỏi James, “ê mậy, hồi xưa đi chung với nhau như thế chả lẽ mày chả có cảm tình gì với tao hết sao? Cảm tình trai gái í!”. James trả lời: Không!”.
Thế đó, du lịch đã mang lại cho chúng tôi tình bạn và cả tình yêu.
Khánh Linh
Thông tin du lịch Miễn vé tham quan vịnh Hạ Long dịp 30/4 - 1/5 Từ ngày 28/4 đến 1/5, khách du lịch đến vịnh Hạ Long sẽ không phải mua vé tham quan. Việc làm này của tỉnh Quảng Ninh và BQL khu du lịch nhằm tri ân du khách đã đồng hành, ủng hộ bầu chọn để vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Cũng trong dịp này, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Tuần du lịch Hạ Long năm 2012 và lễ đón nhận danh hiệu vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới do tổ chức New7Wonders trao tặng. Đà Nẵng sẽ tổ chức thi dù bay quốc tế Cuộc thi dù bay quốc tế đầu tiên tại Việt Nam sẽ được tổ chức tại công viên Biển Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng trong thời gian 5 ngày (từ 23 đến ngày 27/5) với sự tham gia của khoảng 50 vận động viên quốc tế thuộc 8 đội bay quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Anh, Pháp, Hoa Kỳ. Các đội sẽ tham gia 4 nội dung thi: bay tốc độ, bay tính điểm, bay đội hình và bay cứu hộ. Đoạn đường bay dự kiến dài khoảng 5km/vòng (từ công viên Biển Đông tới khách sạn Sandy Beach) và các đội thi sẽ bay liên tục. Lượt đi bay ở độ cao khoảng 50m, còn lượt về độ cao là 70m. Kinh phí tổ chức cuộc thi dự kiến khoảng 15 tỷ đồng và đều được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước. Du khách có cơ hội bay dù thử vì BTC sẽ cung cấp dịch vụ dù bay để phục vụ khách du lịch. A.T |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất