Mỹ điều nhóm tàu sân bay tấn công tới vùng Vịnh giữa căng thẳng với Iran

19/09/2020 13:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Hải quân Mỹ ngày 18/9 thông báo một tàu sân bay của Mỹ cùng ngày đã đi qua Eo biển Hormuz để tiến vào vùng Vịnh trong bối cảnh Washington đe dọa sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Iran bất chấp không có sự đồng thuận của các đối tác trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang

Căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang

Theo thông báo trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 11/9, nước này đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với nhân viên tại Đại sứ quán cũng như các lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc đại lục và Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Tuy nhiên, bộ không nêu rõ chi tiết các biện pháp này.

Trong một tuyên bố, Hạm đội 5 của Mỹ cho biết một nhóm tàu sân bay tấn công do tàu USS Nimitz dẫn đầu và bao gồm 2 tàu tuần dương cùng một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường đã tiến vào vùng Vịnh để hoạt động và huấn luyện với các đối tác của Mỹ và hỗ trợ liên minh chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Chỉ huy của nhóm tàu này, Chuẩn Đô đốc Jim Kirk nhấn mạnh: "Nhóm tàu sân bay tấn công Nimitz đã hoạt động trong khu vực của Hạm đội 5 từ tháng 7 và đang duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất".

Chú thích ảnh
 Tàu sân bay USS Nimitz (trái) cùng các tàu tuần dương và tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đi qua Eo biển Hormuz ngày 18/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ thực thi lệnh cấm vận vũ khí và các lệnh trừng phạt quốc tế khác đối với Iran mà Mỹ cho rằng sẽ được gia hạn.

Hồi giữa tháng 8 vừa qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã một lần bác bỏ dự thảo đề xuất của Mỹ nhằm gia hạn lệnh cấm bán vũ khí cho Iran, vốn hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới.

Điều khoản quy định thời hạn ngừng cấm vận vũ khí với Iran được HĐBA LHQ đưa ra trong nghị quyết 2231, như một phần trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), thỏa thuận được ký hồi năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức và Anh.

Theo đó, Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Tehran cho đến nay vẫn phản đối việc gia hạn lệnh cấm vận vũ khí này.

Phạm Ngọc Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm