“Chiếm lấy Phố Wall”... vẫn là giấc mơ!

19/09/2012 09:11 GMT+7 | Trong nước


Không còn những đám đông hàng ngàn người diễu hành ngạo nghễ qua trung tâm New York. Kế hoạch xây “bức tường người” nhằm làm tê liệt Phố Wall đã đổ vỡ.

Phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” (OWS) đã trải qua một ngày sinh nhật buồn đúng một năm sau ngày 17-9-2011.

Từ sáng sớm, hàng trăm người biểu tình OWS đã tràn vào ngả đường chính dẫn tới Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Quyết tâm lấy lại hình ảnh đại diện cho 99% người nghèo trong xã hội, họ cố tìm cách chặn các lối đi và giao thông trên đường. Nhưng cảnh sát New York đã có nhiều kinh nghiệm đối phó.

Các hàng rào được dựng cách Phố Wall từ 2-3 dãy nhà chặn mọi ngả đường. Cảnh sát chạy xe máy, ngựa và xe hơi nhanh chóng hốt gọn những người biểu tình gây rối. Khi đoàn người bị xé lẻ, họ chia ra thành các nhóm nhỏ theo các hướng khác nhau rồi chơi trò vờn nhau với cảnh sát. Một số tìm cách chặn cửa các ngân hàng lớn như Bank of America hay JPMorgan Chase, nhưng đều nhanh chóng bị bắt giữ và đưa đi. Tính đến cuối ngày 17-9 đã có khoảng 150 người biểu tình bị bắt.

Người biểu tình Steven Shryock bịt mắt làm điệu bộ đọc cuốn Hiến pháp Mỹ với hàm ý lên án Phố Wall không coi hiến pháp ra gì - Ảnh: T.T.
99% chống 1%

Giữa những tiếng ca, dàn nhạc cùng đoàn người hát vang bài Happy birthday để chúc mừng sinh nhật một năm, ai cũng thấy dấu hiệu đi xuống của OWS. Một năm trước, đúng vào ngày 17-9, từ Manhattan sau cơn vùi dập của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, OWS đã xuất hiện và đem lại một làn gió mới cho phong trào phản kháng ở nước Mỹ của “99% người nghèo chống lại sự thống trị tham lam của 1% người giàu”. Và OWS nhanh chóng lập nên một căn cứ lều ở ngay công viên Zuccotti, chỉ cách Phố Wall vài góc phố.

Chính quyền thành phố sau nhiều nỗ lực bất thành, phải đến giữa tháng 11-2011 mới giải tán nổi căn cứ này với lý do “dọn dẹp” vệ sinh vào lúc nửa đêm. OWS đã lan rộng khắp nước Mỹ và cả nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành hình mẫu của các phong trào đấu tranh đòi công bằng, công lý ở nhiều nước.

Nhưng giờ đây OWS như đang hấp hối... Nhiều nhà quan sát chính trị nhận định ngay khi ở đỉnh cao, OWS đã xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt. Những yếu tố được xem là điểm mạnh của OWS như cởi mở, tự do, không có một cơ cấu tổ chức nhất định đã trở thành điểm yếu cốt tử. Trong một năm kể từ khi trỗi dậy từ một công viên nhỏ ở New York và lan rộng khắp toàn cầu, OWS vẫn chưa có một định hướng cụ thể. Phong trào lan rộng quá nhanh mà không hề có lãnh đạo hay cương lĩnh cụ thể để kết dính họ.

1% đàn áp 99%

“OWS là thương hiệu cho các phong trào đấu tranh vì công bằng xã hội và kinh tế - thành viên Jason Amadi từ Philadelphia nói - Và nhiều người dùng thương hiệu này cho cuộc đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn”. Nhà thực vật học 50 tuổi Richard Lynch vẫn tự hào về phong trào. “Phong trào dù có lên có xuống nhưng vẫn còn đầy năng lượng - ông nhấn mạnh - Tôi nghĩ thay đổi xã hội thì không thể đến ngày một, ngày hai được. Sự có mặt của chúng tôi đồng nghĩa rằng đã có nhiều điều không ổn trong xã hội và mọi người cần xuống đường để đem lại thay đổi”.

“Tôi nghĩ ít nhất phải có thêm gấp năm, gấp mười lần số người biểu tình. Mọi người đều biết hệ thống xã hội của chúng ta đã nát bét, nhưng không ai có đủ dũng cảm để xuống đường” - Steven Shryock, một người nghỉ hưu ở Manhattan, nói. Shryock cho biết ông bắt đầu theo OWS kể từ khi nhìn thấy cảnh cảnh sát xịt hơi cay một người biểu tình nữ chỉ vài tuần khi phong trào bắt đầu. “Chúng ta có hiến pháp nhưng hệ thống này không thèm đọc nó. Phố Wall không thèm đếm xỉa đến nó. Chúng ta có một hệ thống đã bị lũng đoạn bởi tham nhũng trắng trợn”.

Nhưng OWS giờ như chỉ là chiếc bóng của chính nó. Kể từ khi bị dẹp khỏi công viên Zuccotti, các cuộc diễu hành của OWS không còn thu hút nhiều người tham gia.

Cái giá của sự bất bình đẳng

Tại sao phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” lại nổ ra và lan rộng khắp nước Mỹ? Hai nhà kinh tế Mỹ từng đoạt giải Nobel là Paul Krugman và Joseph Stiglitz đã đưa ra câu trả lời thẳng thắn nhất.
Cảnh sát bắt giữ một thành viên OWS trước cửa Ngân hàng Bank of America - Ảnh: T.T.

Trong cuốn sách Hãy chấm dứt ngay cuộc suy thoái này (End this depression now) xuất bản tháng 4-2012, Paul Krugman đã nêu rõ một nghịch lý khi viết: “Đối với các gia đình Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu, kể cả trước khủng hoảng, thu nhập của họ cũng chỉ tăng nhẹ, chủ yếu do lao động thêm giờ thay vì được tăng lương. Tuy nhiên, với một nhóm nhỏ có ảnh hưởng lớn, thời kỳ nợ công tăng lên lại là thời điểm thu nhập của họ tăng phi mã”.

Trong cuốn Cái giá của sự bất bình đẳng (The price of inequality) mới được xuất bản, Joseph Stiglitz lại nhấn mạnh khoảng cách thu nhập ngày càng lớn giữa nhóm 1% và nhóm 99% trong xã hội Mỹ là đặc trưng tiêu biểu của một nền kinh tế đầy bệnh hoạn. Theo ông, nền kinh tế Mỹ bị phủ bóng bởi các lợi thế thị trường do những ưu đãi chính trị đem lại. “Đất nước chúng ta đã trở thành một trong những nơi tồi tệ chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ quyền lực”.

Theo Tuổi Trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm