(Thethaovanhoa.vn) -
Đối với phóng viên, việc được cử đi công tác tại một kỳ đại hội thể thao lớn như Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) luôn là một vinh dự, đồng thời cũng là gánh một trách nhiệm khá nặng nề.Không chỉ phải có năng lực, trình độ, họ còn cần có tư cách tốt, sức khoẻ bền bỉ... để có thể cập nhật tin tức nóng hổi về với bạn đọc trong nước.Ghi nhận của phóng viên Thể thao & Văn hoá tại SEA Games 27 vừa diễn ra tại Myanmar.
Một ngày đi hàng trăm cây sốTại Nay Pyi Taw, thủ đô mới của Myanmar, nơi tổ chức chính các sự kiện SEA Games, việc di chuyển luôn là nỗi lo thường trực của các phóng viên. Trung bình mỗi ngày phóng viên sẽ phải đi lại ít nhất 2 lần từ khách sạn đến địa điểm thi đấu. Trong khi đó, các địa điểm này thường cách nơi ở của phóng viên không dưới 10km.
Trong những ngày cao điểm, một phóng viên sẽ phải di chuyển tới 3-4 điểm, có nhiều điểm mất gần 1 tiếng đồng hồ đi lại. Tốc độ trung bình ở Nay Pyi Taw vào khoảng 60-70km/h, điều đó đồng nghĩa với việc cả đi cả về quãng đường rơi vào khoảng hơn 100km.
Điều đó thực sự chưa đáng kể bằng chuyện đi bộ. Chỉ trong khu liên hợp thể thao thôi, mỗi khu vực thi đấu lại cách nhau gần 1km. Nhiều khi phóng viên vừa theo dõi xong môn này, vội chạy sang theo dõi môn khác. Khoảng cách được tính bằng... 1-2 nhà thi đấu. Mặc dù BTC có bố trí xe buýt để đưa đón khán giả, phóng viên nhưng do không đáp ứng được thời gian gấp rút của tin bài, đa số phóng viên chọn phương án... chạy bộ.
Đối với những báo không có nhiều phóng viên, việc di chuyển còn vất vả hơn rất nhiều. Với 3 thành phố tổ chức SEA Games là Nay Pyi Taw, Yangon và Mandalay, có những phóng viên cứ vài ngày lại phải di chuyển gần 400km để đến theo dõi những trận đấu có tuyển thủ Việt Nam tham dự. Thắng thì mừng, thua thì không chỉ buồn mà còn có đôi chút... tiếc công vì công việc ở điểm chính Nay Pyi Taw còn rất nhiều và các phóng viên cùng báo đang rất cần được hỗ trợ.
“Đốt tiền” với điện thoại
Ngay sau khi đặt chân xuống sân bay ở Myanmar, công việc đầu tiên của các phóng viên là kết nối thông tin với toà soạn. Dù SIM card được Chính phủ Myanmar bán ưu đãi cho khách tới dự SEA Games với giá chỉ ở mức 20$ (so với gần 200$ mà người dân phải mua) nhưng tổng chi phí phải trả cho việc liên lạc luôn rất cao.
Thẻ điện thoại được bán với giá 10.000 Kyat, tương đương với 200.000 đồng Việt Nam, nhưng cũng chỉ có thể gọi được vài cuộc điện thoại về Việt Nam trong một thời gian ngắn ngủi. Trong khi đó, sóng điện thoại chập chờn, việc đàm thoại không rõ khiến nhiều lúc phải gọi tới 2-3 lần.
“Mỏ vàng” của giới taxi.
Thông thường, taxi của Myanmar vốn đã khiến khách khó chịu vì không có đồng hồ tính cước. Mọi chuyến đi ở đây đều được tính theo ước lượng khoảng cách. Trong khoảng 20-30km, bạn sẽ phải trả khoảng 20.000 Kyat, tương đương 400.000 đồng. Xa hơn thì cứ mặc định cộng thêm từ 5-15.000 Kyat tuỳ theo có phải đợi hay không. Với công việc đòi hỏi di chuyển nhiều, phóng viên mỗi ngày phải tiêu tốn cả triệu đồng mà không có bất cứ lựa chọn nào khác, bởi luật của Myanmar cấm người nước ngoài thuê xe tự lái, kể cả đó là xe máy.
Một số phóng viên có quan hệ tốt tìm cách thuê xe nguyên ngày với giá trung bình là 50USD. Tuy nhiên, không phải ai cũng thuê được bởi rõ ràng thuê nguyên ngày không có lợi bằng việc nhận 1 - 2 chuyến cả đi cả về, giá có thể chỉ từ 30-40.000 Kyat nhưng phải đi ít hơn rất nhiều.
Các khách sạn có phóng viên ở luôn là tâm điểm của giới taxi. Ban đầu chỉ có 1 - 2 taxi đứng đợi thường xuyên, mỗi lần gọi điện phải chờ nửa tiếng đồng hồ mới có xe. Nhưng sau đó, luôn có sẵn cả chục chiếc túc trực, nếu gọi, họ sẽ đến gần như ngay lập tức để giữ khách. Các tài xế cũng không quên in card với đầy đủ tên, số điện thoại để phóng viên tiện... gọi.
Nói thách cũng là đặc trưng của giới taxi ở Nay Pyi Taw. Với những khách quen, không cần mặc cả, cứ đến nơi đưa tiền là ổn. Nhưng khách lạ, họ lập tức tăng giá gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Ai biết trả đúng giá thì lái xe cười xoà coi như xong chuyện.
Phát khổ vì internetNgay khi đặt chân đến khách sạn, công việc đầu tiên của các phóng viên luôn là kiểm tra wifi, tốc độ đường truyền bởi thông tin internet của Myanmar rất tệ đã được truyền tai nhau từ trước. Đa số đều rất bất ngờ khi internet rất tốt, nếu không muốn nói là tuyệt vời.
Nhưng chỉ được một thời gian, những yếu kém của internet Myanmar bắt đầu lộ ra. Sóng chập chờn, tốc độ chậm, thường xuyên mất mạng hoặc nghẽn. Lý do bởi có quá nhiều người dùng cùng lúc. Những ngày đầu dễ dàng chuyển tin bài, ảnh về toà soạn nhưng về sau nhiều phóng viên đành phải chọn cách chụp ảnh bằng điện thoại, sau đó gửi gấp về bằng... Facebook.
Các trung tâm báo chí tại khu vực thi đấu ban đầu chỉ dùng 1 địa chỉ wifi miễn phí, sau đó đã phải tăng lên thành 2 địa chỉ và bắt buộc phải có password mới vào được. Tuy nhiên, đường truyền cũng không quá tốt. Nếu một người vào được và đang truyền bài về, chắc chắn sẽ có rất nhiều người khác phải ngồi chờ "đường thông hè thoáng" mới có thể vào để làm việc.
Phóng viên bên lề, phụ trách phóng sự, bài viết nguội đỡ hơn đôi chút khi chọn cách tìm về khách sạn gửi bài khi tất cả các phóng viên khác đang ở sân thi đấu. Lúc này đường truyền internet rất tuyệt vời.
Vạ vật bất cứ chỗ nào có thểCác tiếp tân khách sạn hẳn rất ngạc nhiên khi các vị khách của mình thường xuyên mặc đồ ngủ, thậm chí đánh trần ngồi khắp hành lang với máy ảnh, máy tính. Đó là chuyện bình thường đang diễn ra hàng ngày ở các khách sạn lớn tại Nay Pyi Taw. Lý do đưa ra là internet quá yếu. Chỉ cần chui vào phòng là gần như không thể truy cập. Lựa chọn tốt nhất là ra hành lang “hóng” sóng.
Ban đầu, phóng viên các nước khác ngoài Việt Nam còn lịch sự ra sảnh khách sạn làm việc. Nhưng sự bất tiện vì có quá nhiều đồ khiến họ cũng đành phải chọn cách của phóng viên Việt Nam, ra cửa phòng ngồi.
Tại các khu liên hợp thể thao, nhà thi đấu, không khó để bắt gặp cảnh các phóng viên ngồi bệt bất cứ đâu có sóng wifi. Với đủ thứ đồ nghề, họ gấp rút gửi tin bài về mà không quan tâm lắm đến xung quanh rất ồn, nền nhà sạch hay bẩn. Thật may khi chủ nhà của SEA Games lần này nêu cao tiêu chí sạch, nên môi trường khá ổn.
Tiết kiệm chi tiêu tối đaVới chi phí đắt đỏ, khách sạn 40-50 USD/ngày, ăn uống trung bình 15 USD/suất, đi lại 30-40 USD/ngày. Ngay đến cả đồ uống cũng đã ở mức 2 USD cho mỗi lần gọi. Với mức này, phóng viên không có cách nào khách là phải thắt chặt hầu bao và suy tính kỹ mỗi khi phải chi trả một khoản nào đó.
Hầu hết phóng viên đều “thủ” sẵn mỳ tôm, bánh ngọt, chocolate.. trước khi sang Myanmar. Sang đến nơi, bất cứ khi nào có cơ hội, họ đều tìm đến chợ bình dân để mua đồ nhằm. Những bữa bufet miễn phí vào buổi sáng luôn được tận dụng bởi không chỉ để nạp đủ năng lượng cho một ngày làm việc vất vả mà còn để không phải tốn quá nhiều cho bữa trưa, thời gian mà phóng viên còn bận làm việc hoặc có thể chỉ cần ăn nhẹ.
Việc đi lại cũng được các phóng viên tận dụng tối đa khi 1 xe 5 chỗ có thể “nhét” tới 7 người, với 2 người ngồi ở thùng xe phía sau. Rất may là các tài xế Myanmar rất dễ tính và không quan tâm lắm tới chuyện này.
Nước, thậm chí đồ ăn nhẹ cũng được tận dụng khi ở các điểm thi đấu luôn có tủ lạnh chứa nước uống miễn phí. Điều này giúp các phóng viên tiết kiệm được không ít tiền mỗi ngày. Tất nhiên, hậu quả đi kèm là chỉ sau vài ngày, không phóng viên nào là không giảm cân. Có người đùa, đi SEA Games là cách giảm cân hiệu quả nhất đối với những người béo!
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tuần tác nghiệp ở Myanmar, cánh phóng viên ngoài việc truyền tin, bài, ảnh về nhà thì còn thu lượm được cho mình rất nhiều kinh nghiệm bổ ích, mà những gì chúng tôi kể ra trên đây mới chỉ là một phần rất nhỏ.
Cao Mạnh Tuấn
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ