“Muối” của Thiệp và “Muối ăn” của “đỉnh Olympia”

20/06/2011 09:10 GMT+7

(TT&VH) - Một tranh cãi nho nhỏ đã xảy ra xung quanh kết của trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia hôm qua, khi thí sinh giành chiến thắng (Ngọc Oanh) rất có thể sẽ không giành được vòng nguyệt quế chung cuộc, nếu cô không được Ban cố vấn “cứu” trong câu hỏi cuối cùng của vòng tăng tốc.

1. Cụ thể, BTC đưa ra câu hỏi: “Đây là gì”? Với các gợi ý theo thứ tự như sau: 1 - Đây là hợp chất vô cơ; 2- Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion ; 3- ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp); 4- Một loại gia vị; 5- Salt.

Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp

Ngọc Oanh đã trả lời là “muối ăn”, trong khi đáp án được công bố là “muối”. Lẽ ra Ngọc Oanh không được điểm ở câu hỏi này, nhưng Ban cố vấn cho rằng câu trả lời “Muối ăn” vẫn chấp nhận được, nên Ngọc Oanh đã được thêm 30 điểm.

Trên báo Tuoitre Online, có bạn đọc bày tỏ ý kiến, nếu chấp nhận đáp án là “Muối ăn” thì chẳng lẽ Nguyễn Huy Thiệp viết Muối ăn của rừng?

Một lập luận rất logic về mặt câu chữ. Rõ ràng nếu coi điều kiện thứ 3 là một dạng ô chữ, thì từ “Muối ăn” đã phạm quy, vì Nguyễn Huy Thiệp chỉ viết Muối của rừng.

Một cuộc thi thiên về kiến thức, có lẽ tiểu tiết trên không phải là điều quá quan trọng. Kết quả chung cuộc cũng đã công bố, nó giống như một giải bóng đá, khi nhà vô địch đã lên ngôi, thì kết quả đã thuộc về lịch sử, không nên “hồi tố” lại các tình tiết đã diễn ra hòng làm thay đổi kết quả.

2. Nhưng cũng dưới góc độ tri thức, một câu hỏi thú vị đặt ra: Liệu tên gọi “Muối ăn của rừng” có thể thay thế cho “Muối của rừng”?

Theo tôi, hai từ này khác nhau một trời một vực. Trong thiên truyện ngắn của mình, Nguyễn Huy Thiệp không viết về diêm dân hay nghề làm muối ở nơi rừng rú. Trái lại, thông qua câu chuyện về người đàn ông vào rừng đi săn, bắt con khỉ, và rồi thả nó, và rồi chấp nhận mất tất cả (kể cả quần áo) để tồng ngồng trở về nhà. Bỏ qua, những ý nghĩa sâu xa (mỗi người có thể hiểu một cách), ở đây tôi chỉ nhấn mạnh hình ảnh “Muối của rừng” không phải là hạt muối ăn (với các đặc điểm như cuộc thi nêu ra), mà là tên một loài hoa. Xin được trích nguyên văn: “Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”.


Ngọc Oanh giành nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia với một phần thi gây tranh cãi

Chẳng hiểu loài hoa trên là có thực, hay chỉ là cách “hình tượng hóa” của ông nhà văn nhiều lăn lội với miền ngược này. Tôi nghĩ, có lẽ, ông xây dựng hình tượng “muối của rừng” có lẽ cũng xuất phát từ phong tục “đầu năm mua muối” của người miền xuôi. Các nhà phê bình văn học nhận định rằng, thông qua cuộc đi săn, câu chuyện mang thông điệp về cuộc kiếm về với bản ngã, về thiên lương chính mình của mỗi con người. Ở đây tôi không dám bàn đến những nội dung to lớn ấy. Nhưng dù chưa thấy ở đâu tác giả giảng giải, nhưng tôi đồ rằng Nguyễn Huy Thiệp dùng chữ “Muối của rừng” hẳn liên hệ lời dạy “Muối của đất” trong sách kinh: “Các con là muối của đất. Muối đã mất mặn rồi thì lấy chi cho mặn lại được?” Trong lời dạy này, dĩ nhiên “muối của đất” không có ý nghĩa cụ thể là chất NaCl.

Rõ ràng, dù kết quả cuộc thi thế nào, thì cũng chớ ai nghĩ rằng Nguyễn Huy Thiệp viết “Muối ăn của rừng”, kẻo sẽ sai một ly đi một dặm về tác phẩm văn học lừng danh này.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm