Để ngăn bão giá cần phải có giải pháp quyết liệt

23/07/2008 11:40 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Sau khi giá xăng tăng, nhiều người quan ngại giá cả hàng hoá sẽ theo đó leo thang. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Trí Long, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả.

* Xin ông cho biết sau khi giá xăng dầu tiếp tục tăng lên trong ngày 21/7 thì điều gì sẽ xảy ra?
 
 Ông Ngô Trí Long
- Khi tăng mỗi lít xăng thêm 4.500 đồng, Bộ Tài chính tính toán rằng, trong rổ hàng hoá xăng dầu chiếm 0,9%, nên giá xăng dầu giá hàng hoá tăng lên từ 0,7- 0,9% là xét đơn giản về lý thuyết. Giá xăng dầu tăng là do giá thế giới tăng mạnh trong khi ngân sách của chúng ta đang bội chi không thể tiếp tục bao cấp. Nên việc điều chỉnh tăng giá là bất khả kháng. Nhưng trên thực tế, với mức xăng dầu tăng là 31% thì nó tác động rất mạnh đến nền kinh tế: Tác động trực tiếp đối với các ngành vận tải, các ngành sản xuất sử dụng nhiên liệu dầu diezen, ngành đánh bắt thuỷ sản; Tác động gián tiếp đến mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân vì đều cần đến vận tải; Yêu tố thứ ba vô cùng quan trọng là tác động rất mạnh tới yếu tố tâm lý thị trường. Với việc tăng giá này mục tiêu Chính phủ đề ra (tháng sau giảm hơn tháng trước) có thể khó thực hiện được.

*  Suy nghĩ của ông về việc điều chỉnh xăng tăng lên mức giá cao nhất từ trước đến nay?

- Giải quyết tình huống theo cách này đã bị phê phán rất nhiều. Nó không khác gì hiện tượng nén lò xo. Đến lúc không chịu được nữa thì thả ra khiến phản lực lò xo nén sẽ mạnh hơn rất nhiều. Nếu có lộ trình tăng giá thì hiệu ứng sẽ giảm hơn. Làm thế này sẽ gây sốc và tác động mạnh đến thị trường. Thậm chí có những cái sẽ không lường hết được. Vì bão giá sẽ tăng lên rất lớn nếu quản lý không tốt. Bọn cơ hội không liên quan đến xăng dầu nhưng có thể nhân tình huống này viu vào đó để tăng giá bán.
 
Các cửa hàng bán thuốc có tăng giá?

*  Vậy cách để ngăn “bão giá” có thể xảy ra là gì, người tiêu dùng nên ứng phó với tình huống này ra sao?

- Cách quản lý giá hiện nay vẫn là thực hiện các mệnh lệnh về hành chính. Do đó, trong tình huống này việc thực hiện mệnh lệnh hành chính phải là một giải pháp thật sự nghiêm minh, quyết liệt. Những nhóm mặt hàng nằm trong diện quản lý muốn tăng giá phải được sự đồng ý của chính phủ. Với doanh nghiệp nên thực hiện theo 8 nhóm giải pháp của chính phủ. Đối với nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc thật kỹ những chính sách đề ra phải được nhiều hơn mất. Phải tính toán thật kỹ không chỉ về mặt lý thuyết mà tính toán thực tiễn sẽ xảy ra như thế nào. Vì lý tuyết và thực tiễn cách nhau khá xa. Với giá xăng về lý thuyết là chỉ ảnh hưởng đến 0,9% nhưng thực tiễn cao hơn rất nhiều. Việc tăng giá xăng thêm 4.500 đồng, cái được là không phải bù lỗ, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Nhưng cái mất cần phải tính là mặt bằng giá, lạm phát có bùng lên không? Mục tiêu đề ra tháng sau giảm hơn tháng trước có thực hiện được hay không? Tất nhiên điều này, hiện nay vẫn chưa khẳng định được.

Còn với người tiêu dùng không chỉ trong lúc này mà trong mọi hoàn cảnh là chọn chi phí cơ hội: chi phí ở mức thấp nhất nhưng cơ hội tiêu dùng cao nhất. Và nên sử dụng nhiều hơn các phương tiện công cộng để giảm chi phí.

*  Xin cảm ơn ông!
 
Tuần sau có thể sẽ nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Trong tuần sau chắc chắn sẽ khá nhiều nhà cung cấp gọi điện, gửi thông báo tăng giá đến các siêu thị. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, tôi đề nghị các siêu thị phải đàm phán với nhà cung cấp, nhận thông báo tăng giá phải có chọn lọc. Cần làm rõ yếu tố đầu vào tăng bao nhiều phần trăm để căn cứ vào đó tăng giá thành hợp lý. Nếu đàm phán không thành công sẽ tìm nguồn hàng khác để thay thế, tránh tình trạng chấp thuận tăng giá một cách thụ động như trước đây. Đặc biệt các siêu thị phải ưu tiên những nguồn hàng có giá gốc. Hiện hiệp hội đang vận động các siêu thị liên kết với nhau để mua được giá gốc. Thực hiện bài toán vận chuyển hai chiều để tránh lãng phí. Trong lúc này các siêu thị, trung tâm thương mại phải năng động hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có cơ quan giám sát, kiểm soát về giá. Một bài học mà nước Đức đã thực hiện khi có lạm phát rất hiệu quả là đưa ra cơ chế hình thành giá, sau đó niêm yết giá để kiểm soát nhanh hơn: Giá bán ra = giá thành sản xuất (đã được kiểm soát) + lợi nhuận trung bình (hợp lý).
 
Tuệ Minh


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm