Tiếp chuyện thầy ngoại ở V-League: Giờ thì hứa để làm gì?

01/04/2013 09:53 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng như tiên liệu, HLV Cho Yoon Hwan đã phải nếm trải thêm một thất bại nữa ở “chảo lửa” Vinh, dù rằng, B.BD của ông đã ghi được đến 2 bàn thắng, tỷ lệ làm bàn tốt nhất trong một trận đấu của B.BD kể từ đầu mùa. Trận thua thứ 3 ở V-League và là thứ 4 kể từ đầu mùa giải, vậy ông Cho còn điều gì để nói nữa không?

Tương lai của HLV Choi Yoon Hwan đang rất mong manh sau khi B.BD để thua trận thứ 3 liên tiếp kể từ ngày khai mạc V-League 2013. Ảnh: VSI

Xin nhắc lại, không phải vô cớ mà TT&VH thực hiện loạt chuyên đề liên quan đến các HLV ngoại ở V-League nói chung (phần lớn đều không thành công, ngoại trừ Henrique Calisto) và HLV Hàn Quốc nói riêng, khi V-League đang như “đất dữ” với họ.

Sự khắc nghiệt của V-League

Trước HLV Cho Yoon Hwan, rất nhiều các ông thầy ngoại khác đã đến Thủ Dầu Một rồi đi không kèn trống. Đếm nhanh cũng phải đến gần nửa tá. Từ Nam Dea Shik (2004, mùa giải V-League đầu tiên của đội bóng đất Thủ), đến Francisco Vital, rồi Ricardo Formosinho…

Nhưng, B.BD không phải đội bóng đầu tiên, duy nhất và cuối cùng vô duyên với các HLV người nước ngoài. ĐT.LA, HA.GL, XM V.HP, V.NB và thậm chí cả SHB.ĐN hay Thể Công (cũ)…, cũng từng nói lời chia tay rất nhiều các ông thầy ngoại quốc.

Hàng ngoại không phải lúc nào cũng tốt hơn hàng nội, nhưng với riêng địa hạt bóng đá vùng trũng như Việt Nam, HLV nước ngoài đương nhiên có xuất phát điểm tốt hơn, với các kỹ năng và phương pháp huấn luyện cũng cấp tiến hơn.

Nhưng, phần lớn các thất bại của HLV người nước ngoài không hẳn bắt đầu từ những đòi hỏi quá cao của V-League, mà có thể là các vấn đề ngoài chuyên môn. Đấy mới là điều đáng nói. Bất đồng ngôn ngữ hay việc không hợp thổ nhưỡng, là những nguyên nhân quan trọng.

Như TT&VH đã từng đề cập, rằng nếu như các HLV phương Tây, dù đến từ các quốc gia không nói tiếng Anh, nhưng họ luôn có sự chuẩn bị khá tốt để ứng phó, thì với các ông thầy Hàn (hay Thái Lan, hoặc nữa là Bồ Đào Nha), ngôn ngữ thực sự là một rào cản.

Việc phải tìm thêm các trợ lý ngôn ngữ, khiến cho cabin BHL chật chội, đã đành, nhưng ngay cả điều đó cũng khó thể giải quyết một cách triệt để “khẩu lệnh”, khi bóng đá hiện đại đòi hỏi sự nhanh nhạy. Thầy Hàn, như Cho Yoon Gyum hay Choi Yoon Hwan, nếu thất bại, nên tự trách mình không thạo ngoại ngữ.

Thầy ngoại không có đất dụng võ

Phong trào “người Việt dùng hàng Việt” từng được nhân rộng từ nhiều năm trở lại đây, khi chúng ta chắc rằng, chất lượng của hàng hóa sản xuất nội địa không hề thua kém hàng nhập khẩu. Bóng đá Việt Nam có thể chưa so được so với các nền bóng đá phát triển, nhưng bằng sự cầu thị và cầu tiến, cùng môi trường phát triển nghề nghiệp được mở ra, chất lượng HLV nội ngày càng được đảm bảo.

Thậm chí ngay lúc này, đội ngũ HLV người Việt còn có khả năng đánh bại đồng nghiệp ngoại quốc ở đỉnh cao: Thay thế thầy ngoại để dẫn dắt các ĐTQG.

Cuộc cách mạng ở ĐTQG từ năm ngoái, với việc HLV Phan Thanh Hùng trở thành HLV trưởng ĐTQG lần đầu tiên sau ngót 2 thập niên đã thực sự mở đầu trào lưu dùng hàng nội. Do đó, tỷ lệ 3/12 HLV ở V-League 2013 là các ông thầy ngoại vẫn bị xem là quá cao.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ đặc thù của các CLB đang dùng HLV ngoại như B.BD, HA.GL và ĐT.LA thì họ không có lựa chọn khác. Trong khi thầy ngoại đã là một thói quen không thể thiếu ở ĐT.LA, thì B.BD và HA.GL rõ ràng không có nhiều phương án HLV nội khả dĩ. Thế mới phải “tặc lưỡi”.

Nhưng, tất cả đều không phải chờ đợi quá lâu để có câu trả lời. Cả B.BD và HA.GL đều đã thất bại trong chiến dịch đòi lại ngôi vương ở mùa giải năm ngoái, dù HLV Cho Yoon Gyum và đồng nghiệp Choi Yoon Hwan đã được tạo những cơ hội tốt nhất để chứng tỏ năng lực.

Và đến lúc này, khi V-League 2013 mới chỉ qua 3 lượt trận đầu tiên, song có thể loại cả 2 gã nhà giàu, những đội bóng đang nắm giữ 4/13 chức vô địch, khỏi cuộc đua, bởi nếu chỉ duy trì một lối chơi nghèo nàn như B.BD và HA.GL mà vô địch thì đó sẽ là một bước tụt hậu của cả V-League.

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm