Một góc nhìn về hiện tượng thần tiên giáng bút

11/04/2010 14:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối mùng 9/4/2010 tại L’espace (24 tràng Tiền, Hà Nội), TS Nguyễn Xuân Diện, Phó Giám đốc Thư viên Hán - Nôm đã có cuộc nói chuyện về “Những vần thơ của các vị Tiên” - tức giáng bút, một hiện tượng xã hội nở rộ cách đây chừng trăm năm. Bài viết này sơ bộ giới thiệu về giáng bút theo tiếp cận còn rất mong manh của tôi về hiện tượng văn hóa tâm linh này với một số hình thức tin ngưỡng khác trong xã hội ta.

Giáng bút là một hiên tượng saman trong văn hóa Việt có từ hàng trăm năm trước, đó là “Những vần thơ của các vị tiên”. Theo nghiên cứu của TS Nguyễn Xuân Diện là do Thương nòi giống thần tiên giáng bút. Cách diễn ra của giáng bút được coi là sự nhập thần của tiên thánh vào người cầu cúng, ra lời chỉ bảo bằng thơ văn...

Cuộc trò chuyện "Thơ của các vị tiên"
Giống như lên đồng, họ nhập đồng sau lời cầu xin và thông qua họ, tiên thánh ra chữ lên mặt chiếc mâm đồng rải gạo. Lại phải có người thạo chữ nghĩa ngồi nhìn hình được vẽ đoán chữ rồi ghi thành văn tự. Lời văn thơ trong giáng bút thường khoáng hoạt, người đọc phải đoán định về ý tứ điềm báo của thần thánh qua từng câu chữ. Nhưng thường giáng bút của thần tiên phần nhiều là nhắc bảo và răn dạy người, cùng thông báo niềm vui và cảnh báo về kiếp nạn. Đoán định lời giáng là một hình thức giải mã giống như giải mã tử vi. Sự linh nghiệm của giáng bút thần linh qua kiểm chứng của một số học giả như Nguyễn Văn Huyên, Đào Duy Anh thì mới chỉ là ghi nhận ở mức đánh giá hiện tượng, còn đọng lại nhiều bí ẩn chưa thể lí giải khẳng định. Điều nhìn thấy của giáng bút dưới hình thức tâm linh là có tính xã hội tích cực, là răn dạy, cảnh báo để người nghe phải dè chừng về tương lại mà sửa mình và suy ngẫm về vận nước.

Thử so sánh với hầu bóng, Tết nhảy…

Nghe tường thuật về giáng bút, thấy có một số nét tương đồng với hình thức hầu bóng, Tết nhảy của người Dao, hay thuật trừ tà của Pháp sư.


Tranh mô tả các vị Tiên

Hầu bóng
thì thầy đồng được thánh nhập vào các giá ông Hoàng bà Chúa, giá Cô giá Cậu và ở vai nào thì diễn cho đúng vai đó. Đôi lúc trong giá đồng cũng có lời phán bảo, nhưng không có việc ghi chép thành văn bản nên không gọi là giáng bút.


Tết nhảy của người Dao thì những người nhảy lửa ngồi thành hàng trên ghế băng cạnh bàn thờ, đầu cúi và đảo người theo lời hát cúng của thầy để nhập đồng. Có người nhập đồng nhanh, có người chậm. Nhập đồng rồi thì họ bước ra khỏi ghế nhảy múa quanh đống than cháy đỏ rực rồi lấy chân gạt cho than tung tóe, dẫm lên than hồng mà không bị bỏng. Nhảy lửa các con đồng chỉ hú hét mà không ban lời.

Thuật trừ tà của Pháp sư. Thầy Pháp sư khi cúng thường có động tác cầm nén nhang ngoáy lên không gian trước án thờ. Động tác ấy là thầy vẽ bùa trừ tà. Chỉ ma quỷ chịu “chế tài” của chữ bùa ấy. Động tác vẽ bùa khá mơ hồ, chỉ là thứ ước lệ.

Giáng bút thì hình thức cũng gần như trên. So sánh các hình thức và diễn trình các hiện tượng mang sắc thái tâm linh trên có thể quy về một mối là có chỗ giống nhau ở hình thức lên đồng, là sự thăng hoa trong những người có căn đồng. Khi nhập vai họ cảm nhận thấy mình đang được thánh tiên cho nói ra hoặc thực hiên các hành vi theo sự chỉ bảo. Và tất cả những gì họ nghĩ ra trong lúc ngồi đồng là của tiên thánh ban phát sai khiến.

Với giáng bút thì các cản chép thơ của các vị Tiên sau đó đã được đưa lên ván khắc để in rồi đóng thành nhiều tập đem ban phát trong dân gian. Một trăm năm qua, theo ông Diện, thì “Thư viện Hán Nôm hiện nay còn lưu trữ được 254 cuốn thơ văn giáng bút với hàng vạn bài thơ văn, cuốn cổ nhất giữ được hiện nay niên đại 1825 được in tại đền Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nay là di tích Việt Đông hội quán, số nhà 22 Hàng Buồm, Hà Nội... Xuất hiện nhiều bản giáng bút nhất là vào các năm 1870 đến 1898 và 1906 -1911”. Đó là các tư liệu có giá trị về văn hóa dân gian và văn học cần tiếp tục được nghiên cứu.

Đôi điều suy ngẫm

Trong các hình thức trên, thì nội dung giáng bút là có mục đích xã hội nhiều nhất, phần lớn là hướng về cộng đồng để răn đe nhắc nhở và dạy bảo. Người ta có thể khinh nhờn phép vua luật nước nhưng người ta vẫn có thể e sợ lời tiên dạy, lời thánh phán. Tâm linh là cõi u huyền mà con người muốn biết cũng không thể biết hết và do đó họ phải dè chừng.

Trong một xã hội dân trí còn thấp thì cõi mông lung ấy càng huyền ảo và người ta càng sợ lời thánh, sợ những hậu họa khôn lường sau từng câu chữ ấy. Có thể đây là một hình thức mà các trí thức cùng thời đã dùng nó để giúp tập hợp hoặc chấn chỉnh xã hội khi mà luật pháp và công lí nhiễu nhương.

Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Ngày nay không còn chuyện giáng bút, nhưng các vị chức sắc cao có thấp có, trong dịp đầu năm một số trong họ lặng lẽ đi đền chùa dâng cúng xin quẻ chờ phật thánh che chở ban ân để mong ngồi lâu hưởng lộc, hoặc giải hạn cầu an. Điển hình như ở một số lễ hội cầu thăng quan tiến chức, cầu lộc đầu năm nay.

Tâm linh là góc khuất trong mỗi con người. Khi cõi âm u đó mà nó được dùng làm chỗ dựa chính cho con người thì đó là sự mất cân bằng của cuộc sống đã bộc lộ đến cao điểm. Chúng ta nay đang ở đoạn nào?

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm