15/07/2013 19:28 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Arsenal đã rất thành công trong những năm 1990 và 2000, nhưng sức chứa của sân Highbury chỉ vỏn vẹn 38.500 chỗ đã cản trở sự tiến bộ của đội bóng về mặt tài chính. Do chính quyền thủ đô London không cấp phép cho việc mở rộng sân này, vào năm 1999, Arsenal công bố kế hoạch dời sân. Sân mới Emirates khởi công tháng 12/2002 và khánh thành tháng 7/2006.
Wenger (trái) có công rất lớn trong quãng thời gian Arsenal phải dồn sức xây sân mới Emirates
Ngày 7/5/2006, Arsenal nói lời chia tay Highbury sau 93 năm ở ngôi nhà đầy ý nghĩa tinh thần này. Tuy nhiên, những cảm xúc lưu luyến và nỗi buồn đã được bù đắp bằng túi tiền đầy ắp, một thời đại mới về sức mạnh tài chính mở ra với đội bóng áo đỏ-trắng, biến họ thành mô hình kinh doanh bóng đá bền vững bậc nhất không chỉ ở Premier League, mà trên toàn châu Âu.
Emirates là cỗ máy in tiền
“Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một CLB hàng đầu châu Âu, một khi có sân bóng mới, chúng tôi sẽ ở vị thế đó”, Giám đốc điều hành Arsenal khi đó Keith Edelman giải thích. “Khi chúng tôi chuyển tới Emirates, chúng tôi sẽ có nhiều tiền hơn từ bán vé với khoảng 51.000 vé nhiều hơn (so với Highbury)”.
Doanh số ngày diễn ra trận đấu của Arsenal ở Emirates, trong năm tài khóa vừa rồi, là hơn 100 triệu bảng, hơn gấp đôi so với thời Highbury. Tiền bản quyền truyền hình cũng tăng, do phí bản quyền chung tăng cùng Premier League. Doanh thu thương mại tăng từ 29 triệu bảng lên hơn 65 triệu bảng, dù vẫn còn cách khá xa so với M.U (145 triệu bảng), một phần do kể từ khi chuyển tới Emirates, Arsenal đã không có thêm danh hiệu nào nữa.
Tổng doanh thu trong năm 2012 của Arsenal đã là 235 triệu bảng và sau nhiều năm tiết kiệm, nhờ có Emirates, những kế hoạch tài chính dài hạn đang đơm hoa kết trái. “Chúng tôi có thể thua cuộc trên đường, nhưng ở đính đến, chúng tôi sẽ thắng”, Giám đốc điều hành hiện giờ Ivan Gazidis nói. Arsenal đã hy sinh nhiều cơ hội thương mại để huy động tiền cho việc xây Emirates, với những hợp đồng 10 năm ký từ năm 2004 tài trợ cho áo đấu và tài trợ trên sân mà giá đã lạc hậu nhiều so với giá thị trường trong 5 năm qua.
Mùa giải 2011-12, doanh thu thương mại của Arsenal không chỉ kém M.U, mà cả Bayern Munich (201 triệu bảng) hay thậm chí là Liverpool (99 triệu bảng). Vì thế, 2014 là miền đất hứa với ban lãnh đạo CLB khi nhiều hợp đồng hiện giờ sẽ đáo hạn, các nhà tài trợ mới sẽ tới và sẽ phải tăng số tiền họ bỏ ra. Emirates vẫn là nhà tài trợ trên áo đấu, trong khi thỏa thuận nguyên tắc về tài trợ trang phục thi đấu đã đạt được với Puma sẽ giúp CLB có thêm 70 triệu bảng.
Đã đến lúc Arsenal thu “trái ngọt”
Nếu Arsenal tiếp tục cơ cấu quỹ lương bảo thủ của họ hiện giờ, 60% tổng doanh thu, ngân sách lương hàng năm của họ sẽ vào khoảng 180 triệu bảng, hoàn toàn trong tầm tay CLB ở 2 năm tới. Để so sánh, quỹ lương hiện giờ của Chelsea chỉ là 173 triệu bảng và M.U là 162 triệu bảng. Quan trọng hơn, các đội đã không có kế hoạch mở rộng hoặc chuyển sân, như Tottenham, Liverpool và Everton, sẽ ngày càng tụt lại phía sau so với Arsenal về tài chính.
Sân bóng mới giúp đội bóng áo đỏ-trắng đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận hoạt động so với doanh thu cao nhất ở Premier League. Kể từ mùa giải 2004-05 tới nay, lợi nhuận hoạt động của Arsenal luôn luôn dương và tăng liên tục từ mức 11 triệu bảng ở mùa ngay sau khi khánh thành Emirates lên gần 35 triệu bảng năm vừa rồi.
Việc chuyển tới Emirates cũng giảm mạnh sự phụ thuộc của CLB vào tiền bản quyền truyền hình, vốn chiếm 40% trước thời kỳ Emirates, nay chỉ còn khoảng 30%. Tiền chi cho lãi suất ngân hàng cũng giảm mạnh kể từ khi chuyển tới Emirates, đạt đỉnh vào mùa 2006-07 ở mức 36,7 triệu bảng và chỉ còn 15 triệu bảng mùa vừa rồi. Đó là tuyên bố hùng hồn nhất của Arsenal về quyết tâm giúp CLB tự vận hành mà không phụ thuộc vào túi tiền những nhà tài phiệt tỉ phú như Chelsea hay Manchester City.
Bằng cách trả dành tiền trả nợ thay vì lao vào những cuộc đấu giá cầu thủ điên cuồng, HLV Arsene Wenger đã giúp tiết kiệm rất nhiều cho Arsenal và đưa đội bóng về mức nợ gần không, mở ra viễn cảnh về một ngày mà sân Emirates có thể đầu tư toàn bộ tiền lãi của họ để tăng cường đội hình. Ngày đó không còn xa, và Arsenal trải qua 8 mùa giải trắng tay sẽ không phải là sự hy sinh vô ích.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
60.361 Sức chứa của sân Emirates, đứng thứ 2 ở Premier League, chỉ sau sân Old Trafford của M.U. 170 Sân Emirates giúp doanh thu ngày diễn ra trận đấu của Arsenal tăng thêm 170 triệu bảng. 124 Việc xây sân Emirates mất 124 tuần, với chi phí 390 triệu bảng, trong đó 260 triệu bảng là tiền đi vay. Việc xây sân cũng tạo ra 1.800 việc làm. 2.400 Sân Emirates có 4 nhà hàng với tốc độ rót bia tối đa 2.400 cốc mỗi phút. 900 Sân có 900 nhà vệ sinh. 475 Sân có 475 màn hình ti-vi tinh thể lỏng để theo dõi trận đấu. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất