Tiếng nói Milan: Giờ sơ đồ chiến thuật có còn là vấn đề?

26/09/2012 17:07 GMT+7 | AC Milan

(TT&VH Online)- Khởi đầu mùa giải Serie A 2012/2013 thật tệ hại với Milan: thua 2 trên 3 trận đầu tiên. Không chỉ vậy, họ còn có khởi đầu chậm chạp tại đấu trường châu Âu với trận hoà trước đội bóng nhược tiểu Anderlecht. Trên các mặt báo thể thao gần đây, thông tin về Milan, những tin (đồn) về cuộc đấu đá nội bộ giữa Allegri - Galliani và có cả mặt của Inzaghi nữa, trở nên đầy tràn và nóng sốt cực độ. Hơn lúc nào hết, các Milanista muốn thấy Milan vùng dậy và lấy lại những chiến thắng như thời vàng son hồi nào… hoặc là họ sẽ lấy đầu Allegri.

AC Milan của Allegri rất khác với AC Milan của Ancelotti hay của Leonardo. Với Leonardo, Milan không đủ kết dính và chắc chắn. Dưới thời Ancelotti, Milan là tập thể của những nghệ sĩ, của chất sáng tạo dồi dào với 4 cầu thủ có khả năng kiến tạo trong đội hình (Rui Costa – Kaka – Seedorf - Pirlo, vô địch Serie A năm 2004). Còn với Allegri, Milan gồm những ong thợ, lấy sức mạnh, sức bền làm ưu tiên hàng đầu.

Tất nhiên vì vậy mà Milan của Allegri rất khác, và vì vậy mà thành tích của ông trái ngược với Ancelotti cũng như hai phong cách của mình mà hai vị HLV áp dụng lên nửa đỏ-đen thành Milan. Ancelotti đã cùng Milan giành thành tích cao ở đấu trường châu Âu với 2 chức vô địch cúp Champions League năm 2003 và 2007, hạ gục bao “đại gia”, đồng thời lọt vào Chung kết năm 2005 (và thua một cách rất đáng tiếc trước Liverpool), nhưng chỉ bỏ túi một Scudetto 2004. Còn Milan-Allegri, không giống như Milan-Carlo hào hoa nhưng dễ bị tổn thương bất ngờ (cả bởi những đối thủ chiếu dưới) do thiếu sức mạnh trong phòng ngự, toàn bộ là về cơ bắp, về sức khoẻ áp đảo đối thủ, thế nên dễ dàng bắt nạt các đội bóng đẳng cấp thấp hơn, nhưng không đủ thông minh và linh hoạt để vượt qua các đội bóng lớn. Thế nên Allegri, vừa tiếp quản câu lạc bộ từ năm 2010 đã có một Scudetto, nhưng không thành công ở cấp độ châu lục, thậm chí còn gặp khó khăn trước các đội bóng tốp đầu trong giải quốc nội.



Milan đã bao giờ tệ như thế? - Ảnh: Getty

Allegri thích dùng những “công nhân” đá bóng. Và tất nhiên, điều này dẫn đến việc đội bóng của ông thiếu sức “sáng tạo”. Không có ai tung những đường chuyền sắc như dao cạo giống Rui Costa, không ai điềm tĩnh phân phối bóng và có những pha chuyền dài chuẩn từng milimet như Pirlo, mà thay vào đó là cơ bắp tới từ những Boateng, Emmanuelson, là phòng ngự sắt đá từ Ambrosini hay van Bommel (mà đã được thay bởi tay “đồ tể” de Jong mùa giải năm nay).

Việc Ibrahimovic ra đi quả thực là một mất mát cho AC Milan. Ibra không chỉ ghi bàn nhiều mà còn gây đột biến cho Milan – theo thống kê trong mùa 2010/2011, anh có trung bình 2,9 “key pass”/trận (đường chuyền quyết định), và kế sau anh là Robinho với 1,7 đường/trận. Chưa kể tới Cassano, người có nhiều đường kiến tạo nhất bên phía Milan lại đã phải nghỉ một thời gian dài dưỡng bệnh. Tức là, Milan thiếu sức sáng tạo, và phải dựa vào những cá nhân xuất sắc từ tuyến trên để tạo cơ hội chiến thắng. Đã bao lần Milan chỉ biết câu bóng lên và trông chờ “Ngài Scudetto” giải cứu.  Và vì vậy, không khó hiểu tại sao Milan gặp khó khi Ibra, Cassano và Seedorf ra đi. Họ không có một chân kiến tạo nào đảm bảo những cơ hội cho đội bóng. Tất cả những gì còn lại ở Milan là một tập thể máy móc, thừa sức nhưng thiếu ý tưởng.

Việc Montolivo tới với sân San Siro là một điều rất khác với Milan. Anh không cuồn cuộn cơ bắp, không phải là máy chém như de Jong, không phải là ong thợ chạy miệt mài kiểu Nocerino, mà là cầu thủ sáng tạo – nhưng cũng không chơi lùi sâu nhất như Pirlo, lại càng không phải là trequartista kiểu Rui Costa - một regista tài năng nhưng vẫn chưa tìm được vị trí tốt nhất cho mình. Anh có thể chơi ở vị trí trequartista cao nhất trong hàng tiền vệ trung tâm 4 người, có lẽ là theo cái cách Prandelli dùng anh cũng ở vị trí này tại EURO 2012: không phải là đầu tàu kiến tạo chính, mà chủ động áp sát phá lối chơi của đối thủ, khi tấn công thì di chuyển kéo đối thủ khỏi vị trí để De Rossi và Marchisio từ vị trí carrileros băng lên tận dụng khoảng trống. (Hoặc là dùng anh ở vị trí carrileros, như vậy Boateng có thể được dùng ở vị trí trequartista theo ý thích của Allegri). Nói gì thì nói, người ta hoàn toàn có quyền kì vọng ở cựu đội trưởng Fiorentina sẽ giúp Rossoneri mềm mại hơn, tươi mới hơn phần nào.

Nhưng ta vẫn chưa thấy được điều này. Monty chấn thương và phải ngồi ngoài, kèm theo khá nhiều cầu thủ khác nữa. Milan – hay cái thể xác còn lại – trơ trọi, đơn độc, không rõ đường đi nước bước. Đơn cử trong trận đấu với Atalanta, hàng tiền vệ Boateng - Emmanuelson - De Jong - Ambrosini không thiếu sức lực nhưng mỗi khi tấn công là như đâm đầu vào bức tường gạch, cạn vốn, không sao mở khoá được đối thủ. Họ cũng chẳng thể trông mong gì ở 2 tiền đạo: một El Shaarawy non nớt, một Pazzini “số 9” cổ điển ghi bàn tốt nhưng không có khả năng gây đột biến như Ibra đã làm. Và kết quả? Thua. Milan thua, và bắt đầu khủng hoảng.

Dù có cố khắc phục thế nào đi nữa, thay đổi sơ đồ cũng sẽ chẳng giúp được gì hơn. 4-3-3? Milan không có một tiền đạo cánh nào trừ Krkic, thiếu một chân kiến tạo có thể băng lên tham gia cùng bộ ba tấn công và tạo cơ hội tốt cho đồng đội. 4-4-2? Milan không có cầu thủ chạy cánh. Còn 3-5-2, Milan không có wing-back mà chỉ có những hậu vệ biên như Antonini mờ nhạt hay De Sciglio trẻ tuổi. Và quan trọng hơn, sơ đồ nào thì Milan cũng không có sức sáng tạo cần thiết để tạo nhiều cơ hội ăn bàn, mà thậm chí còn liều bỏ sự an toàn mà bộ tứ tiền vệ trung tâm cho họ nơi giữa sân từ sơ đồ 4-3-1-2 nữa. “Thiếu sự sáng tạo” là vấn đề lớn nhất và tiên quyết của Milan, chứ không phải là sơ đồ. Sơ đồ quan trọng, nhưng sơ đồ không phải là tất cả.

Đồng ý là Milan đang thiếu những trụ cột do chấn thương. Nhưng khi Allegri đã có đủ lực lượng trong tay, ông cần phải chứng tỏ khả năng cầm quân và giành chiến thắng. Milan đang thay đổi, và bản thân Allegri cũng cần thay đổi cách tiếp cận vì thành công của đội bóng. Nếu không, tương lai của Rossoneri và Max Allegri… thật sự là không đảm bảo.

Bùi Nhật

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm