(Thethaovanhoa.vn) - Đầu mùa giải 2010-2011, Guardiola và Messi đã cùng nhau làm thay đổi cái nhìn đối với các tiền đạo của bóng đá thế giới. Messi đóng vai trò của một số 9 “ảo”, khác xa vai trò tiền đạo mũi nhọn thường thấy mà Michael Owen là hình ảnh tiêu biểu, và càng khác so với hình ảnh một tiền đạo cổ điển có lối đá dựa vào sức mạnh thể lực như Duncan Ferrguson.
Trong cuộc cách mạng tiki-taka của mình, Guardiola đã mở ra trang mới của lịch sử và để Messi chơi biến ảo đến mức có thể phá bỏ mọi kế hoạch kèm người như thế nào. Bây giờ chúng ta cùng xem số 9 “ảo” đóng vai trò như thế nào và những cầu thủ nào đã làm cho vai trò này trở nên nổi bật.
Messi chơi số 9 "ảo" quá hay
Nguyên lí cơ bản
Trong một trận đấu mà các sơ đồ 4-3-3, 4-2-3-1 và 4-5-1 thường xuyên được sử dụng, các trung vệ đã quen với việc chỉ theo kèm một cầu thủ. Tiền đạo cắm duy nhất này thường có mặt ở cạnh vị trí của hậu vệ chơi thấp nhất bên phía đối phương, di chuyển theo trục dọc nhiều nhất có thể để tạo khoảng trống cho các đồng đội của anh ta. Vị trí và phạm vi di chuyển của tiền đạo cắm này thường quyết định vị trí đứng của các hậu vệ đối phương khi bóng ở đầu sân bên kia. Trong thập niên 1990, sơ đồ 4-4-2 được sử dụng phổ biến, nhất là ở Premier League. Sir Alex Ferguson bố trí cặp tiền đạo Andy Cole và Dwight Yorke, một chọi một với các trung vệ đối phương và tự hỏi rằng liệu các anh đủ khả năng ngăn chặn các tiền đạo của tôi trong tình huống này hay không?
Câu trả lời là “Không”. Bằng chứng rõ ràng nhất là Man United đã thống trị Châu Âu năm 1999 sau khi đánh bại Bayern Munich 2-1 ở chung kết Champions League. Dùng một số 9 “ảo” nghĩa là đội bóng không chơi với một trung phong đích thực hay một số 9 đúng nghĩa và đánh dấu sự thay đổi lớn so với hệ thống 2 tiền đạo mà nhiều đội bóng sử dụng cách nay 10 năm. Những bước tiến rõ ràng sau những sự thay đổi hệ thống thi đấu mang tính cách mạng như vậy là điều phải ghi nhận. Sự biến đổi các sơ đồ chiến thuật và một sự kết hợp giữa những thành công của Mourinho với sơ đồ 4-2-3-1, với chiến thuật mà Brazil của Dunga dùng ở World Cup 2010 và hấp lực trong lối chơi của Guardiola mà nổi bật là khả năng kiểm soát bóng đã làm bóng đá thay đổi trong 3 mùa giải qua.
Số 9 “ảo” đã được sử dụng từ trước thời kỳ của Guardiola và Messi và vai trò này sẽ xuất hiện trở lại nhưng có lẽ không phải với những hình thái cũ và không phải với hiệu quả như trước. World Cup 1934 ở Áo từng giới thiệu với thế giới bóng đá một cầu thủ đảm nhiệm vai trò khá giống với một số 9 “ảo”. Đó là Matthias Sindelar. Nhưng không có băng ghi hình để kiểm chứng. Rất khó đánh giá xem Matthias Sindelar chơi như thế nào so với những số 9 “ảo” ngày nay.
Chiến thuật dùng số 9 “ảo” vận hành thế nào?
Một đội bóng chơi với số 9 “ảo” thì không có tiền đạo cắm hay tiền đạo mũi nhọn và dựa vào khả năng xuyên sâu của các tiền vệ để đe dọa khung thành đối phương. Chúng ta lấy trường hợp của Messi và Barca làm ví dụ vì đây là hình ảnh tiêu biểu nhất cho thành công của hệ thống thi đấu với số 9 “ảo” trong lịch sử bóng đá và cùng xem các lợi thế của chiến thuật này. Đối với Pep thì để Messi chơi bám cánh, chờ đợi các đồng đội khác rồi sau đó mới bó vào trong là một sự phí phạm tài năng. Ông cũng không thích dùng Messi trong vai trò của số 10 vì nếu để Messi chơi như thế, anh sẽ bị đeo bám kiểu một kèm một hay thậm chí là bị 2 cầu thủ đối phương theo kèm đồng thời tách anh khỏi sơ đồ 4-3-3 cổ điển, truyền thống mà Barca đã luôn sử dụng.
Do đó, Pep đã quay ngược thời gian và sao chép một mô hình cách mạng chiến thuật khác của Spalletti. HLV người Italy đã rất thành công khi bố trí Totti chơi như một số 9 “ảo” hồi năm 2007. Người ta có thể thấy rằng lật giở lịch sử là phong cách quen thuộc trong tư duy và cách triển khai lối chơi của Pep. Messi đóng vai số 9 “ảo”, không phải là số 9 đích thực hay số 10 và càng không phải là số 8 nhưng anh vẫn là tiền đạo di chuyển xa nhất ở Barca.
Vai trò của anh rất phức tạp và gắn liền với hiệu quả thi đấu của đội bóng. Vì thế, rất ít HLV sao chép mô hình này, và những cầu thủ thành công trong vai trò này thậm chí còn ít hơn nữa. Messi liên tục lùi sâu tách khỏi hậu vệ đối phương, nhận bóng ở những vị trí sâu hơn và tìm khoảng trống để xoay trở. Lối đá của Barca dựa vào khả năng cầm bóng và có một tiền đạo phía trên có thể chuyển bóng và di chuyển không bóng tốt. Đấy là chìa khóa trong lối chơi của họ.
Cầm bóng tốt, Messi xuất hiện rất muộn trong vòng cấm khi hậu vệ đối phương đã bị "ru ngủ"
Messi có thể đi bóng qua người hay chuyền bóng, chuyền ngắn hoặc chuyền dài và anh chạm bóng rất nhiều cùng với Iniesta và Xavi. Messi lùi sâu, thậm chí tới vạch giữa sân là hình ảnh thường thấy. Điều đó nghe có vẻ không hay trên lý thuyết nhưng thực tế là Barca lại có 2 lựa chọn tấn công với kiểu đá này. Khi họ để trống vị trí trung phong thì sẽ nhử các trung vệ đối phương dâng lên cao và khi mà đối thủ tưởng rằng chơi với hàng thủ dâng cao là tốt thì Barca bắt đầu trừng phạt họ. Dù bạn đánh giá thế nào về Alexis Sanchez thì anh ta vẫn rất phù hợp với hệ thống thi đấu của Barca trên lý thuyết. Tốc độ cao của Sanchez bên cánh phải là vũ khí lợi hại khi anh ta di chuyển ra sau lưng hậu vệ đối phương, lúc các trung vệ đối phương đã dâng lên.
Chỉ cần một pha chọc khe cho Sanchez là đặt anh vào tình huống một đối một với đối phương. Pedro, Cristian Tello, Isaac Cuenca và David Villa đều có thể tỏa sáng theo kiểu này.Messi không chỉ là chim mồi mà anh có thể tỏa sáng với những pha đi bóng vào trong, nhằm khe giữa trung vệ và hậu vệ biên của đối thủ. Đấy chính là hình ảnh thường thấy ở anh. Hàng thủ Barca sẽ triển khai bóng lên phía trên một cách chậm rãi, duy trì khả năng kiểm soát bóng và giam hãm đối thủ trong vòng cấm của họ.
Từ đó, các hậu vệ cánh của Barca sẽ dâng cao để gây xáo trộn trên biên độ rộng hơn và tìm đến Messi, người sau đó mới di chuyển vào trong vòng cấm đối phương nhằm thu hút các hậu vệ. Không ai có thể kèm Messi nếu anh không đừng ở đó từ trước và Iniesta cũng có cơ hội để ghi bàn ở những khu vực này. Với sự xuất hiện của Neymar trong đội ngũ hiện có, các HLV đối thủ sẽ cực khó để tìm cách ngăn cản Barca tấn công, xâm nhập và ghi bàn.
Khi các trung vệ dâng cao, khoảng trống mở ra cho các tiền đạo Barca khai thác
Messi vĩ đại nhất
Chơi như một số 9 “ảo” là vai trò khó chơi nhất trong bóng đá. Hy sinh một tiền đạo thực thụ là một quyết định mạo hiểm và nếu người đảm nhiệm vị trí số 9 “ảo” trong đội hình không phải là một thần đồng đẳng cấp thế giới thì đội bóng có thể gặp rắc rối lớn. Người chơi số 9 “ảo” phải có kỹ năng toàn diện: rê dắt bóng, chuyền bóng, tốc độ, khả năng thu hút cầu thủ đối phương, dứt điểm gần và xa, ý thức chiến thuật và sự nhanh nhạy. Tất cả đều phải tốt. Có một điểm mà anh ra không cần phải hoàn thành là khả năng chơi bóng bổng và sức mạnh thể lực.
Tuy nhiên những cầu thủ rê dắt bóng xuất sắc nhất đều có một cái gì đó phi thường trong khả năng của họ. Ai có thể kết hợp được tất cả những phẩm chất này? Không có nhiều những ví dụ thành công. Ezequiel Lavezzi, Robin van Persie, Wayne Rooney và Carlos Tevez là những cái tên tiêu biểu. Johan Cruyff và Nandor Hidegkuti là những ví dụ tham khảo của lịch sử. Thử nghiệm của Spaletti với Roma và Totti rất đáng để xem nhưng thường để lại những lỗ thủng trong hàng phòng ngự Roma và đội bóng này có tiếng là chơi phòng ngự sơ hở.
Pep và Messi chơi tấn công xuất sắc, đạt hiệu suất cao, giành những chiến thắng ấn tượng nhưng vẫn phòng ngự chắc chắn một cách đáng ngạc nhiên. Pique mắc nhiều sai lầm trong năm nay nhưng dưới thời Pep, anh là một trung vệ đẳng cấp thế giới. Messi vẫn chơi như một số 9 “ảo” dưới thời Tata Martino và dù các hàng phòng ngự đối phương đã trở nên khôn ngoan hơn khi tìm cách ngăn chặn anh, chiến thuật của Barca vẫn thành công.Việc Martino sử dụng thành công Fabregas và Barca di chuyển theo trục dọc nhiều hơn có thể khiến chúng ta thấy một Messi trong vai trò của một số 9 thông thường trong tương lai gần.
HT
Theo Bleacherreport