Bí ẩn quanh vụ rơi máy bay Pháp

03/06/2009 10:32 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chiếc Airbus A330-200 thực hiện chuyến bay số 447 của hãng hàng không Pháp Air France đã đột ngột mất tích khi đang đi qua Đại Tây Dương hôm 1/6. Người ta phỏng đoán nó đã gặp nạn và có thể đang nằm sâu dưới đáy biển cùng 228 người trong khoang máy bay. Tuy nhiên, sự biến mất không để lại vết tích của chiếc máy bay này đang tạo ra một bí ẩn lớn không khỏi khiến người ta băn khoăn.

Khả năng sét đánh

Tai nạn xảy ra khi chiếc Airbus A330 chở 216 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn xuất phát từ Brazil trong đêm tới Paris (Pháp) đột ngột mất liên lạc sau 4 giờ bay. Hoàn toàn không có bất kỳ một dấu hiệu rắc rối nào xuất hiện vào thời điểm chiếc máy bay biến mất trên màn hình radar, lúc nó đang di chuyển ở độ cao 10.670m với tốc độ 840 km/h.

Hãng Air France thông báo rằng máy bay đã đi qua một cơn bão với nhiều sấm sét và tình trạng nhiễu loạn không khí diễn ra mạnh. Khoảng 14 phút sau khi đi vào cơn bão, một tin nhắn tự động đã được gửi đi, báo cáo về việc hệ thống điện bị hỏng và sự giảm áp suất trong cabin. Đây cũng là tin nhắn cuối cùng người ta nhận được từ chuyến bay 447.


Trước kia, chỉ có duy nhất một chiếc Airbus 330 gặp nạn, nhưng là trong khi bay thử

Phát biểu trước báo giới, Giám đốc điều hành Air France Pierre Henri Fourgeon cho rằng chiếc Airbus A330-200 có thể đã bị sét đánh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại không nghĩ rằng sét là nguyên nhân dẫn đến tai nạn nói trên. “Vấn đề sét đánh đã được bàn tới kể từ khi ngành hàng không ra đời. Chúng phổ biến hơn khi máy bay còn hoạt động ở độ cao thấp. Nhưng chúng ít xảy ra hiện nay do việc tránh một cơn bão đã dễ dàng hơn” - ông Bill Voss, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ An toàn Chuyến bay ở Virginia (Mỹ), nói. Bên cạnh đó, theo ông Voss, các máy bay đã được thiết kế để phân tán điện hình thành từ một cú sét đánh. Máy bay cũng được thử nghiệm đủ sức chống lại các sốc điện từ lớn nên rất khó để nó gặp nạn vì sét.

Câu trả lời trong hộp đen

Do chiếc máy bay không gửi đi tín hiệu báo nguy nào nên khả năng tai nạn thảm khốc xảy ra bất ngờ, nhanh tới mức phi công hoàn toàn không thể ứng phó đã được đặt ra. “Chuyện này quá đột ngột, không có dấu hiệu gì bất thường khi chiếc máy bay biến mất” - Robert E. Breiling, một chuyên gia an toàn hàng không ở Boca Raton, Florida (Mỹ), nhận xét. Breiling cho biết nhiều thảm họa tương tự đã xảy ra, như vụ nổ ở chuyến bay TWA 800 hồi năm 1996. Ngoài ra còn phải kể tới vụ một chiếc máy bay hiệu Lockheed trên đường tới Việt Nam đã đâm xuống Thái Bình Dương hồi năm 1962 làm 107 người thiệt mạng. Cơ quan điều tra đã không thể xác định được nguyên nhân gây rơi máy bay.

Người ta cũng phỏng đoán rằng sự hư hỏng một thiết bị điều khiển trên chiếc A330 có thể gây ra tai nạn. Thiết bị đó có tên ADIRU, dùng để đo tốc độ và vị trí của máy bay. Mới đây, nó đã là thủ phạm gây ra hai vụ mất kiểm soát máy bay, trong đó có một vụ làm 70 hành khách bị thương. Hồi tháng 1, giới chức châu Âu đã cảnh báo các hãng hàng không sử dụng mẫu Airbus A330 về lỗi của thiết bị này để họ có biện pháp đối phó.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, khả năng lớn nhất là hàng loạt sự cố cùng xuất hiện khiến tai nạn diễn ra nhanh chóng. Cựu Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ Jim Hall cho rằng việc cần kíp lúc này là tìm và phân tích hộp đen của chiếc máy bay để có thể đưa ra kết luận rõ hơn. Các hộp đen này được trang bị máy phát tín hiệu sóng âm sonar và vẫn có thể được tìm thấy dù chúng bị chìm ở độ sâu lên tới hàng ngàn mét dưới mặt biển.

Khó tìm thấy dấu vết

Thân nhân của các hành khách trên chuyến bay chờ tin tức trong lo âu
Hiện công tác tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn vẫn đang được triển khai. Hãng hàng không TAM lớn nhất Brazil cho biết các phi công của họ trên đường từ Paris tới Rio De Janeiro đã phát hiện một đám cháy trên đại dương, dọc theo tuyến bay của chiếc Airbus A330. Phía Pháp hiện đã cử người liên lạc với TAM để nắm thông tin rõ hơn. Nhà chức trách Pháp và Brazil đã phái hàng loạt máy bay, tàu cứu nạn đi tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn. Phía Pháp còn nhờ cả hệ thống vệ tinh do thám của Mỹ cũng như các con tàu hàng đi qua vùng máy bay rơi giúp đỡ.

Tuy nhiên, do khu vực máy bay gặp nạn rất rộng lớn, lại nằm ở vùng biển có độ sâu hơn 4.000m nên khả năng tìm thấy nó là rất nhỏ. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng cho biết hy vọng tìm thấy người sống sót trong vụ này là hết sức mong manh. Nếu không tìm thấy người nào còn sống, đây sẽ là thảm họa hàng không lớn nhất kể từ năm 2001, khi một máy bay của hãng American Airlines đâm vào ngoại ô khu Queens ở New York làm 265 người thiệt mạng.

Tường Linh

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm