Để Mai tính ra rạp bất kể mùa!

25/04/2010 08:03 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Nhiều nền điện ảnh không hề non yếu cũng không đấu lại được với phim Hollywood, trong khi ấy ở Việt Nam cả khán giả lẫn nhà phát hành cùng ủng hộ phim Việt! Nhà đồng sản xuất Irene Trinh đã lý giải như vậy về việc bộ phim Để Mai tính ra mắt khán giả cả nước từ ngày, 23/4. Để Mai tính (đạo diễn: Charlie Nguyễn, kịch bản: Dustin Trí Nguyễn) ra rạp vào thời điểm xưa nay chỉ có “phim cúng cụ”, hứa hẹn sẽ mở ra mùa mới cho phim Việt.

* Một bộ phim thành công hay thất bại, ngoài bản thân nó, thì phần quan trọng phụ thuộc nhiều vào thời điểm phát hành. Nhà sản xuất Để Mai tính đã “tính” thời điểm trình làng bộ phim ra sao, thưa chị?

- Phim này phát hành vào thời điểm nào cũng được, miễn là phim đã làm xong và chúng tôi thấy hài lòng.

* Nghĩa là hoàn toàn không quan tâm tới việc chọn thời điểm vàng, thời điểm bạc...? Vậy mà có thông tin rằng Để Mai tính từng được “tính” ra rạp dịp tết Canh Dần vừa qua, nhưng vì “cửa vào” quá hẹp nên bị “hất” ra?

- Thời điểm ra mắt phim rất quan trọng chứ. Nhưng không phải vì thế mà tất cả các phim đều chọn điểm ra giống nhau. Chúng tôi chưa bao giờ tính phim này sẽ chiếu vào dịp Tết hết. Trước hết, chúng tôi không nghĩ làm phim để tranh đua với nhau nên không cần thiết phải tranh nhau ra rạp cùng thời điểm. Hơn nữa, nếu ai làm phim xong cứ để “nhét” hết vào dịp Tết, hoặc dịp mùa Hè, thì sẽ thành một cái khuôn cho việc phát hành và sự thưởng thức của khán giả, như vậy không hay. Tôi rất muốn mỗi tháng có một phim Việt Nam trở lên ra rạp, chứ như bây giờ, phim được sản xuất quá ít nên phim Việt Nam không có lịch phát hành thường xuyên.

Chúng tôi chọn ra mắt Để Mai tính vào dịp 30/4 mặc dù cũng có thể ra vào tháng Bảy hoặc tháng Tám nhưng vì Wonderboy cũng đang tính thời điểm phát hành Giao lộ định mệnh ngay trong năm nay.

* Wonderboy năm nay xuất xưởng tới 2 phim và không cần chiếu vào mùa, Chánh Phương mỗi năm cũng đều đều một phim và năm vừa rồi không ngần ngại để Bẫy rồng “đấu” với siêu phẩm Hollywood Avatar… Có vẻ như các hãng phim Việt kiều đang rất tự tin.

- Chúng tôi mạnh dạn làm vì nhận thấy khán giả Việt Nam luôn ủng hộ phim Việt Nam, các nhà phát hành có mặt ở Việt Nam cũng vậy. Ngay từ năm 2005, khi tôi sản xuất bộ phim Sài Gòn nhật thực (đạo diễn Othelo Khanh – PV), tôi đã nhận thấy điều này, bởi chúng tôi tới gặp từng công ty phát hành để nói chuyện và được họ rất ủng hộ. Có thể nói thị trường phim Việt vẫn đang mở cửa rất rộng và những người làm phim như chúng tôi muốn tạo thói quen xem phim Việt cho khán giả Việt. Đây là thời điểm thích hợp nhất để làm điều này vì mặc dù phim nước ngoài, phim Hollywood đã được chiếu nhiều ở Việt Nam, nhưng khán giả Việt vẫn dành sự quan tâm đặc biệt cho phim Việt. Điều này thật sự rất quý, bởi Hollywood ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều nước lắm, kể cả những nước mà điện ảnh không hề non yếu như Canada. Mỗi năm Canada sản xuất khoảng 100 bộ phim nhưng số phim được chiếu ngoài rạp rất ít do thị trường chiếu bóng ở đây đã bị Hollywood “thôn tính” từ lâu, khán giả không có thói quen xem phim nước mình nữa. Ở Canada, phim Canada đấu không lại với phim Hollywood. Ở Việt Nam thì khác. Thị trường phim rạp của Việt Nam còn non trẻ và tôi nghĩ rằng cả những nhà làm phim Việt kiều như chúng tôi hay các nhà làm phim trong nước đều mong muốn làm sao để khán giả ưu tiên phim Việt trước khi đón chờ phim Hollywood, giống như thị trường Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc vậy.

* Nhưng chính chuyện thành bại của doanh thu đã khiến cho nhiều bộ phim phải tranh đua vào Tết. Huyền thoại bất tử - bộ phim mà chị tham gia sản xuất, cũng không “bất tử” lúc công chiếu vì cố gắng chiếu vào Tết trong sự gượng ép trong khi nội dung “trượt” khỏi tâm lí xem phim Tết của đa số khán giả.

- Đúng vậy. Khi chọn phim vào Tết, phải chú trọng đến kịch bản rất nhiều. Huyền thoại bất tử chúng tôi hợp tác với công ty Phước Sang và Sài Gòn Media, thật ra câu chuyện phim rất đơn giản nhưng cách làm phim của anh Lưu Huỳnh lại nặng về tình cảm, cảm xúc, tuy nhiên đó không phải phim buồn mà đầy hi vọng đấy chứ. Sau khi mọi chuyện xong xuôi, chúng tôi cũng đã ngồi lại với nhau, không trách nhau mà coi đó là bài học để rút kinh nghiệm cho những phim sau.

* Cụ thể, đó là bài học kinh nghiệm gì, thưa chị?

- Chính là chuyện tính thời điểm. Người Việt vẫn có tập quán “kiêng”, không thích coi những chuyện buồn vào Tết, nếu có làm nữa thì phải tránh điều kiêng kị ấy.


Một cảnh khôi hài trong Để Mai tính
* Đã làm phim với Disney Chanel, Discovery, vậy từ khi về Việt Nam, trở thành nhà sản xuất của Sài Gòn nhật thực, Huyền thoại bất tử, Chuyện tình xa xứ , giờ là Để Mai tính và đã chứng kiến việc… lỗ vốn, chị có rút ra điều gì về cách làm ở đây không?

- Chuyện làm phim lỗ vốn đương nhiên chúng tôi, nhà sản xuất phải đặt lên hàng đầu để suy nghĩ nhưng nếu sợ quá thì cũng không thể làm được gì. Hơn nữa, chúng tôi còn được các nhà tài trợ tin tưởng và ủng hộ. Và tôi nghĩ Chánh Phương, Galaxy hay HK film cũng vậy, chúng tôi tin vào sản phẩm của mình. Nói cho cùng thì kinh phí sản xuất một bộ phim Việt Nam còn thấp hơn cả kinh phí sản xuất một bộ phim độc lập của Hollywood nên vấn đề ở đây không phải là dám hay không dám làm mà là chọn thời điểm để mang đến cho khán giả những sản phẩm tốt nhất.

* Thế mạnh của phim Việt kiều là kêu gọi tài trợ, chị có thể chia sẻ bí quyết này?

- Chúng tôi có mối quan hệ tốt với các nhà tài trợ, nhưng quan trọng hơn cả là chúng tôi tạo dựng được sự tin tưởng cho họ, vậy thôi.

* Sự tin tưởng ấy được xây dựng trên cơ sở cụ thể nào của bộ phim hay chỉ là dựa vào những mối quan hệ cá nhân?

- Đúng là giai đoạn này chúng tôi được nhiều nhà tài trợ quan tâm trước hết xuất phát từ những quan hệ cá nhân. Thật ra thì số nhà tài trợ cho phim cũng không nhiều và không phải những công ty quá lớn, họ chỉ vì quý phim mà tài trợ thôi chứ cũng chưa mong sẽ thu được lợi nhuận.

* Được biết, như nhiều phim khác, Để Mai tính cũng sẽ được phát hành ở các thị trường ngoài Việt Nam. Chị có thể nói về tiềm năng của phim Việt ở các thị trường mà chị biết?

- Tôi chỉ rành điều này ở Canada thôi. Nơi tôi sống (Toronto, Canada) rất đông cộng đồng người Việt và tôi đã từng chứng kiến cảnh họ xếp hàng dài để mua vé xem phim Việt. Như đã nói, phim Hollywood đánh bật cả phim Canada, nhưng với phim Việt thì khác, bởi kiều bào ta luôn hướng về phim Việt, họ rất muốn được xem những bộ phim về quê hương mình. Tôi kể một ví dụ nhỏ, mẹ tôi ít khi nào dùng laptop, nhưng có lần tôi thấy mẹ tôi cắm cúi ngồi ở bàn với chiếc máy tính, tôi lại gần thì biết là mẹ đang xem phim Cô gái xấu xí. Mẹ tôi rất thèm xem phim Việt Nam, đó có lẽ là tâm lý chung của nhiều người sống xa quê hương. Đó cũng chính là cơ hội để phim Việt được chiếu ở thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, không chỉ khán giả Việt kiều mới thích coi phim Việt, những người bạn của tôi ở Canada – những người làm nghệ thuật - chẳng có chút liên hệ gì với Việt Nam, cũng rất tò mò với phim Việt Nam. Mỗi khi có phim Việt Nam, họ đều đi coi. Vì thế mà chúng tôi nghĩ, chỉ cần đưa ra những sản phẩm tốt thì không ngại việc đón nhận của khán giả.

* Cảm ơn chị.

Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm