Mark S.Rapoport: "Với tôi, hàng triệu USD cũng không mua được"

23/05/2009 09:58 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Bảo tàng Phụ nữ VN vừa tổ chức tiếp nhận 48 hiện vật do gallery 54 Traditions (30 - Hàng Bún, HN) trao tặng. Đại diện gallery là ông Mark S.Rapoport (người Mỹ) và Nguyễn Thị Nhung - những nhà sưu tập tư nhân về văn hóa các dân tộc VN.

Thu thập hiện vật như một thói quen

 Mark giới thiệu các hiện vật trao tặng
Tại lễ trao tặng hiện vật, ông Mark S.Rapoport cho biết: “Tôi rất yêu quý những người phụ nữ VN. Vì thế, cùng với Nhung, chúng tôi quyết định trao tặng Bảo tàng Phụ nữ VN những hiện vật diễn tả vẻ đẹp của những nhóm dân tộc thiểu số mà chúng tôi sưu tầm được. Đây cũng là cách để chứng tỏ lòng đam mê của chúng tôi với những hiện vật các dân tộc VN”.

Các hiện vật được trao tặng như: Hoa tai, vòng tay, vòng cổ, quần áo, yếm, phần lớn đều được làm từ đầu thế kỷ XX và bằng phương pháp thủ công. Qua bộ hiện vật này, sự tài năng, sáng tạo cũng như óc thẩm mỹ và sự tinh tế của phụ nữ các dân tộc VN được thể hiện rõ nét. “Đây là một chiếc khăn bình dị của người phụ nữ dân tộc Nùng tặng cho người yêu của mình - Mark giơ khăn lên - Chiếc khăn thể hiện cuộc sống của những người phụ nữ bình thường và chúng tôi là những người may mắn, vì đã có được chiếc khăn đó’’.

Điều thú vị là trên chiếc khăn đó, người phụ nữ Nùng đã thêu những câu thơ ý nghĩa như sau: “Hoa tươi gửi lấy nhị vàng/ Người tươi gửi lấy muôn vàn tình thương/ Lưu niệm đôi ta, dù xa vẫn nhớ...”


Chiếc khăn tay tặng người yêu của người phụ nữ Nùng (có thêu bài thơ)
Mark S.Rapoport giới thiệu tiếp: “Còn đây là những bức tranh cầu có con của người Sán Dìu (đó là tranh thờ bà mụ - PV). Lý do thôi thúc tôi sưu tầm là những bức tranh này rất quý, vì nó có cách đây hàng 100 năm và đến nay, dòng tranh này đang mất dần...”.

Không chỉ sưu tầm những hiện vật được xem là... cổ vật, Mark S.Rapoport còn sưu tầm cả những đồ vật đương đại. Mỗi hiện vật được sưu tầm là một ẩn ý của ông: “Ví như những bộ trang phục này, hoa văn rất đẹp, tôi đã sưu tầm được từ trước - ông tiếp tục câu chuyện - Nhưng đến bây giờ và 10 năm sau nữa, nó sẽ khác đi, người ta sẽ dệt theo những họa tiết khác, vì thế hệ sau sẽ không thể nào giữ mãi những mẫu hoa văn trước như vậy. Vì vậy, đến VN, tôi thích những hiện vật gần gũi với con người như cái thìa, đũa, bát..., khi chúng bị hỏng, người ta không vứt đi mà sửa đi sửa lại. Điều đó thật sự làm cho tôi cảm động và trân trọng, với tôi, hàng triệu USD cũng không mua được. Và trong tôi hình thành sở thích sưu tầm những vật dụng hết sức bình thường và gần gũi với cuộc sống hàng ngày từ ngày đó’’.

900 bức tranh thờ Hàng Trống và hơn thế…

Năm 2001, Mark S.Rapoport đến VN cùng vợ và làm việc cho một quỹ sức khỏe. Khi quỹ này kết thúc, Mark S.Rapoport đã đi thu thập các hiện vật dân tộc VN như một thói quen. Ông đã cho Bảo tàng Dân tộc học VN mượn trên 200 hiện vật để triển lãm (năm 2003) và đã trao tặng bảo tàng này hơn 100 hiện vật.

Trong số 48 hiện vật được trao tặng, có những hiện vật bây giờ rất hiếm gặp như: cối giã trầu bằng răng voi, khuyên tai bạc làm từ đồng xu cổ của Pháp, mũ phụ nữ Dao làn tiển được tạo nên từ bạc, mũ then của thầy cúng trang trí họa tiết hình phượng hoàng... Bảo tàng Phụ nữ VN đã mời nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê đến giải mã những hiện vật này để bảo tàng lưu giữ, bảo tồn và trưng bày trong thời gian tới.

Không chỉ thu thập, năm 2005, ông đã cùng với Nguyễn Thị Nhung (SN 1978) cộng tác với nhau mở gallery 54 Traditions - chuyên về văn hóa truyền thống các dân tộc VN để kinh doanh với mục đích góp phần bảo tồn và lưu giữ giá trị văn hóa của 54 dân tộc VN. Hợp nhau lại, Mark và Nhung đã làm nên một bộ sưu tập được đánh giá là lớn nhất về tranh thờ Hàng Trống gồm hơn 900 bức được thu mua từ khắp các vùng: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn... Và một triển lãm quy mô gần 400 bức tranh thờ Hàng Trống đã diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật VN năm 2006.

Hiện nay, gallery 54 Traditions của Mark và Nhung không chỉ là nơi bày bán các hiện vật mà còn là nơi trưng bày về văn hóa các dân tộc thiểu số của VN. Tại gallery này, từ những bức tượng nhà mồ Tây Nguyên hay chiếc rìu đá của người Dao, cây kim, sợi chỉ của người Sán Dìu... đều được Mark và Nhung sắp đặt theo trình tự địa lý: từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng tới miền núi... Nhung cho biết, “tôi coi Mark như người thầy, người bạn. Chính Mark đã dạy tôi cách phân biệt đồ cũ, đồ mới...’’.


Chiếc cối giã trầu bằng răng voi - một hiện vật quý được trao tặng.
Đến nay, bộ sưu tập của Mark đã lên tới hơn hơn 10.000 hiện vật sưu tầm ở VN và 72 nước trên thế giới. Mark không nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu chuyến điền dã để có được một bộ sưu tập “độc nhất vô nhị” như thế.
H.Thương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm