Mang 10 tỷ đồng lên núi ở ẩn, vợ chồng giảng viên phải vội quay về sau 11 năm vì một lý do

20/04/2023 14:01 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Trong suốt 11 năm, vợ chồng người đàn ông này có cuộc sống tự cung tự cấp. Anh đã biến một quả đồi trọc thành một hệ sinh thái. Tuy nhiên sau khi cậu con trai chào đời và đến tuổi đi học. Vợ chồng anh phải vội quay về thành phố.

Nếu được cho 3 triệu NDT (10 tỷ đồng) để từ bỏ công việc ở một thành phố lớn về sống trên núi trong 10 năm, bạn có sẵn sàng không? Có thể nhiều người không muốn vì họ chán ghét sự buồn tẻ. Song thực tế có một người lựa chọn lên núi ở ẩn với số tiền ‘khủng’ như vậy, anh tên Vương Thanh Tùng, giảng viên của ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc. Tuy nhiên sau 11 năm khi số tiền này đã vơi dần, anh phải chấp nhận trở lại thành phố vì một lý do. 

Lên núi ở ẩn vì chán cảnh tù túng 

Vương Thanh Tùng sinh ra trong một gia đình làm nông ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Bởi vậy khi còn nhỏ, anh đã được bố mẹ nhắc nhớ chỉ có học mới thành tài và không phải làm công việc đồng áng này. 

Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, anh Vương luôn đạt thành tích tốt trong học tập. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh thi đỗ vào khoa Chính trị ĐH Bắc Kinh - ngôi trường mơ ước của hàng triệu sinh viên Trung Quốc. Đây là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà cả quê nhà là thành phố Lạc Dương. 

Tốt nghiệp đại học, với thành tích học tập nổi bật, Vương được giữ lại làm giảng viên sau khi lấy bằng thạc sĩ về chính trị và luật năm 1983. Ngoài việc giảng dạy, anh còn là một chuyên gia sức khỏe, theo học khí công, võ công tại ngôi chùa Bạch Mã. Năm 1985, khóa học chăm sóc sức khỏe của anh Vương được mở ra và thu hút nhiều học viên. Dẫu là nghề phụ nhưng anh kiếm được nhiều tiền và có được danh tiếng nhất định thời điểm đó. 

Thời gian này, anh Vương gặp được Trương Mai - giảng viên khoa ngoại ngữ tại ĐH Bắc Kinh. Với khí chất nổi trội, Vương đã lọt vào mắt xanh của tiểu thư Trương xinh đẹp trong một buổi biểu diễn văn nghệ. Yêu từ cái nhìn đầu tiên, không lâu sau 2 người kết hôn.  

photo-1681973520856

Tuy nhiên sau khi kết hôn, cuộc sống của họ không được suôn sẻ khi Vương bị đánh trượt trong một học phần tiến sĩ và Trương không thể trở thành giảng viên chính thức sau 5 năm gắn bó.

Cả 2 người dần cảm thấy bí bách, tù túng vì công việc không thuận lợi và cuộc sống ngày một khó khăn. Một lần hai vợ chồng ra vùng ngoại thành chơi, nhìn thấy một ngọn núi, cả hai cùng dừng lại ngắm cảnh và kể về tuổi thơ họ - nơi có những dãy núi tương tự. Một ý tưởng chợt lóe lên, Vương quay sang nói với vợ: "Anh muốn trở về quê sống", Trương mỉm cười rồi gật đầu. Sau đó không lâu, cả hai nộp đơn nghỉ việc tại Đại học Bắc Kinh và trở về quê nhà.

Vợ chồng Vương nói rằng quyết định bỏ phố về quê sinh sống không phải là một hành động bốc đồng mà đã được cả 2 suy tính, lên kế hoạch từ trước đó. Họ tin rằng cuộc sống ở thôn quê không ồn ào, ô nhiễm sẽ phù hợp với mình và cũng tốt cho tương lai con cái sau nay.

Cuộc sống 11 năm trên núi 

Vào thời điểm đó, quyết định này của vợ chồng anh bị gia đình phản đối kịch liệt. Tuy nhiên đã quyết là làm, anh dùng tiền tiết kiệm thuê 2.500 mẫu đất đồi cằn trong 50 năm từ năm 2000 để sinh sống và nuôi trồng. 

Kể từ đó vợ chồng anh bắt đầu cuộc sống tự cung tự cấp: đóng gạch xây nhà, chế tạo nông cụ, làm ruộng và thu hoạch nông sản. Cả hai tập thích nghi với cuộc sống nguyên thuỷ: Không điện, không TV, không Internet… 

photo-1681973527355

Anh cũng thuê thêm một vài nhân công để giúp đỡ công việc trang trai. Những người này không được phép hút thuốc, uống rượu và phải rời khỏi trang trại ngay sau hết giờ làm. Sau nhiều năm hai vợ chồng anh đã khai hoang, phát triển ngọn núi cằn cỗi thành một chuỗi sinh thái hoàn chỉnh. Họ tận hưởng không khí trong lành của núi rừng và ăn những thứ do chính mình trồng.

Trong suốt thời gian sống ẩn, vợ chồng anh rất ít khi xuống núi và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Thậm chí nếu phải xuống núi để mua hạt giống hoặc đổi lấy nhu yếu phẩm khác, họ đều mang thức ăn do nhà trồng, không ăn bất kỳ thứ gì do người khác bán. 

Vài năm sau, vợ chồng anh sinh con đầu lòng. Tại vùng quê hoang vắng, không có cơ sở y tế, chính anh là người đỡ đẻ cho vợ. Đến tuổi đi học, con trai anh Vương được bố mẹ dạy học tại nhà thay vì đến trường.

Vị cựu giảng viên này cảm thấy con trai mình may mắn vì được sống trong môi trường tự nhiên từ nhỏ. "Giáo dục trong xã hội hiện đại chưa thực sự phù hợp với trẻ em", Vương nói. Bởi vậy thay vì đưa con trở lại thành phố học tập, anh để con ở nhà tự dạy học, thời gian còn lại cậu bé được trải nghiệm môi trường tự nhiên với hoa lá và cây cỏ.

photo-1681973534178

Tuy nhiên sau sau 11 năm sống biệt lập, anh Vương dần nhận ra con trai học tập ngày càng kém so với độ tuổi. Đúng lúc này khoản tiền 3 triệu NDT của gia đình cũng vừa vơi dần do phải trả tiền thuê nhân công. Lúc này vợ chồng anh quyết định rời núi về thành phố nhằm tạo cho con môi trường học tập tốt.

Nhìn lại những năm tháng bỏ phố về quê, anh Vương nói mình không hề hối hận. "Mỗi giai đoạn tôi có cách nhìn khác nhau về cuộc sống và có lựa chọn riêng để bản thân, gia đình cảm thấy hạnh phúc. Bởi vậy tôi chưa bao giờ hối tiếc điều gì cả", anh nói.

  

Đinh Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm