Mắc kẹt trong sợ hãi và khốn cùng vì IS

05/02/2015 06:31 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Tunis (Tunisia), Ghaith đứng nép mình bên một góc phố, gương mặt anh ta giấu dưới một chiếc mũ trùm đầu. Đôi mắt anh ta căng thẳng quét qua lại trên phố, tìm kiếm dấu vết của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ghaith rít thuốc liên tục khi mô tả những cảnh giết chóc kinh hoàng và cuộc sống khổ cực dưới “chế độ” của IS.

Vào thì dễ, ra rất khó

"Chuyện hoàn toàn khác so với những gì họ nói về thánh chiến” - Ghaith, người đã giấu tên đầy đủ vì sợ bị sát hại, cho biết. Mệt mỏi, sợ hãi, Ghaith đã đầu hàng lính Chính phủ Syria.

Trong khi nhiều người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đang đổ tới, gia nhập hàng ngũ IS, một số thấy rằng cuộc sống thường nhật ở Iraq hoặc Syria khắc khổ và bạo lực hơn nhiều sự tưởng tượng của họ. Những kẻ này nhanh chóng vỡ mộng và còn thấy rằng rời IS còn khó hơn là gia nhập.


Cựu thành viên IS Ibrahim Doghri (trái) kể lại câu chuyện đời của anh ta với phóng viên hãng tin AP

Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết IS đã giết 120 thành viên của lực lượng này trong vòng 6 tháng qua. Phần lớn nạn nhân là các chiến binh nước ngoài, vỡ mộng và muốn về nhà.

Nhưng ngay cả khi tìm cách thoát khỏi IS thành công, họ vẫn bị xem là khủng bố, là mối đe dọa về an ninh với đất nước mình. Hàng ngàn người hiện đang bị giám sát hoặc bị tống vào tù ở Bắc Phi, châu Âu.

"Không phải ai trở về cũng thành tội phạm. Không phải ai cũng sẵn sàng giết chóc” – thẩm phán chống khủng bố hàng đầu của Pháp là Marc Trevidic cho biết – “Nhưng vẫn có khả năng có một bộ phận nhỏ, đủ sức làm mọi điều (xấu xa)”

“Đừng lãng phí cuộc sống vô ích”

Hãng tin AP đã tiếp xúc với hơn một chục cựu thành viên IS, gia đình và các luật sư của họ về cuộc sống dưới thời IS, cũng như sau khi thoát khỏi lực lượng này.

Đáng chú ý nhất là câu chuyện về Youssef Akkari. Chàng trai người Tunisia này thường dành nhiều giờ ngồi lỳ trong phòng riêng và nghe các bài thuyết giảng tôn giáo. Một ngày nọ, gia đình nhận được tin nhắn nói rằng Akkari sẽ tới Syria. Nhưng rồi anh ta bị mất kính cận và không thể chiến đấu cho IS. Vì thế anh ta được đưa vào vị trí thuyết giảng tư tưởng cho các tay lính mới.

Sau 7 tháng sống cùng IS, Akkari đã lên kế hoạch đào tẩu cùng 2 kẻ khác là anh em với nhau. 2 anh em kia đã bị phát hiện kế hoạch chạy trốn và bị giết. Youssef đã nộp mình cho các chiến binh người Kurd và tìm đường trở lại Tunisia. Tuy nhiên khi về quê, anh này lại thường xuyên bị cảnh sát “quấy rầy”. Chịu hết nổi, Akkari đã trở lại hàng ngũ IS và chết trong một cuộc không kích hồi tháng 10 năm ngoái.


Rapper Mehdi "DJ Costa" Akkari nhìn vào bức ảnh em trai Youssef, kẻ đã thiệt mạng vì trúng bom khi chiến đấu trong hàng ngũ IS

Các cựu thành viên IS nói rằng lực lượng này làm rất gắt việc ngăn chặn tân binh đào ngũ. Bước đầu tiên luôn là tước đi hộ chiếu và các tài liệu nhận dạng của tân binh. Hamad Abdul-Rahman, một người Saudi Arabia 18 tuổi, nói rằng anh đã gặp gỡ một số chiến binh IS ở biên giới Syria. Những kẻ này đã đưa anh tới trại huấn luyện ở Tabaqa, Syria.

“Chúng lấy hết tài liệu của tôi, hỏi rằng tôi muốn thành chiến binh hay sẽ tham gia đánh bom tự sát” - Abdul-Rahman kể với hãng tin AP từ một nhà tù ở Baghdad, nơi anh ta đang bị giam giữ. Abdul-Rahman đã chọn hướng cầm súng chiến đấu. Nhưng tới đầu tháng 9 năm ngoái, anh ta đã đầu hàng cảnh sát Iraq.

Một cựu binh IS khác là Ali, người Tunisia, đã tẩu thoát sau khi được cho làm công việc đưa tin trong mùa Đông năm 2013. Tổng cộng Ali đã có 4 lần đưa tin từ Syria tới Tunisia trong 3 tuần. Mỗi lần anh ta lại mang theo tin tức, tiền bạc và các đoạn video tuyên truyền. Trong chuyến đi cuối tới Tunisia, Ali đơn giản là không quay lại Syria nữa.

“Tôi thấy mình như một gã khủng bố. Tôi thấy sốc trước những gì mình đã làm” – Ali nói khẽ khàng. Lời khuyên của anh ta dành cho những kẻ muốn tham gia thánh chiến cùng IS: “Hãy đi uống một ly. Đừng cầu nguyện. Đó không phải là Hồi giáo. Đừng lãng phí vô ích cuộc sống của bạn”

Vĩnh viễn mất đi cuộc sống bình thường

Thách thức lớn mà các chính quyền phải đối mặt hiện nay là xác định xem một kẻ trở về sau thời gian hoạt động trong IS là do sợ hãi, hay đang muốn phát tán chủ nghĩa cực đoan. Pháp đã bắt hơn 150 kẻ trở về, gồm 8 kẻ trong ngày thứ Ba tuần này. Trong khi đó Anh đã bắt 165 kẻ trở về và Đức coi 30 trong số 180 kẻ trở về là rất nguy hiểm. Không có cách nào để làm rõ ý định của chúng.

Luật sư người Pháp Martin Pradel nói rằng thân chủ của ông là 1 trong 10 người sống tại Strasbourg, đã đến Syria vào mùa Đông năm ngoái để cầm súng “bảo vệ dân thường” tại đây. Nhưng họ đã đi lạc vào một vùng đất do IS kiểm soát. 10 người này từng bị tống giam, khi IS nghi ngờ họ là gián điệp. Sau đó 2 thành viên trong nhóm thiệt mạng vì một vụ phục kích.

Mệt mỏi, sợ hãi, họ quyết định rời đi, từng người một, để không gây chú ý. “Họ bỏ trốn vào đêm, chạy qua các cánh đồng, bò qua biên giới” - Pradel nói. Thân chủ của ông cuối cùng đã đầu hàng nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, được đại sứ quán Pháp cấp giấy tờ nhận dạng tạm thời và trở về nước. Nhưng khi vừa đặt chân xuống sân bay, anh này đã bị chính quyền Pháp bắt giữ, với tội danh tuyển mộ những kẻ cực đoan phục vụ IS.

Tại Tunisia, chính quyền đang giám sát khoảng 400 kẻ trở về sau thời gian phục vụ IS. Trong số đó, Ghaith được hưởng cuộc sống khá tự do. Tuy nhiên cuộc tiếp xúc với AP cho thấy anh vẫn chưa hề được tự do trong tư tưởng. Ghaith vẫn còn một vết sẹo ở cổ, do các “đồng đội” ở IS cứa dao vào, bắt anh đọc kinh Koran. “Đó không phải là cuộc cách mạng hay thánh chiến. Đó là một lò mổ” – anh nói về IS.

Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm