Lý giải nguyên nhân thất bại của U23 VN: Những điều trông thấy

18/12/2009 13:08 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - U23 Việt Nam đã có một SEA Games tuyệt vời cho tới trước trận chung kết với U23 Malaysia. Điều đó đáng ghi nhận. U23 Việt Nam cũng đã có một trận chung kết nhiều sai lầm nhất trong lịch sử 5 lần lọt vào tới trận cuối cùng. Điều đó phải thừa nhận.

Ngọc còn có vết

Dĩ nhiên, U23 Malaysia không phải là U23 Singapore và càng không phải là chính họ như chúng ta đã gặp ở vòng bảng. Tối qua là một đội bóng khác, với những tính toán cũng tới tầm cỡ “phù thủy” của Rajagobal. Nhưng nếu U23 VN không đánh mất mình và không mắc quá nhiều sai lầm, chưa chắc chúng ta đã là những kẻ bại trận. Mà nên nhớ, trong những trận quyết định, đôi khi chỉ một sai lầm cũng đã đủ giết chết một ước mơ, huống chi tối qua lại là cả một chuỗi.

Cũng thật tiếc là những sai lầm đó lại bắt nguồn từ HLV Calisto, một người đã từng khiến cả Đông Nam Á phải khâm phục với những toan tính, bước đi của ông cùng với U23 Việt Nam (và cả ĐTVN năm 2008).

Chỉ có thể lý giải thế này có lẽ mới thỏa đáng, rằng ông Calisto cũng là con người, và không phải lúc nào ông cũng chuẩn xác và lạnh lùng như thể được lập trình, như thể ông là một siêu HLV (chưa có siêu HLV nào lại phải tới ĐNA hành nghề cả).

Sử dụng Nguyễn Ngọc Anh, tiền đạo đã có bàn thắng ấn định tỉ số 4-1 ở bán kết, chơi ngay từ đầu ở vị trí then chốt - tiền đạo cắm - là quyết định cực kỳ khó hiểu. Có thể ai đó thoáng xem bóng đá sẽ bị ấn tượng bởi bàn thắng tối ngày 14/12 đó. Nhưng ông Calisto thì không thể. Ngọc Anh thiếu sức mạnh và thiếu tốc độ để tranh chấp với các hậu vệ mạnh mẽ của Malaysia. Ông Calisto đã rút Ngọc Anh ra ở đầu hiệp hai, nhưng khi chấp đối thủ 1 vị trí trong hiệp đấu mà chúng ta đã xác định phải giải quyết nhanh và gọn, vẫn là sự phung phí cực lớn.


U23 VN lên nhận HCB mà nước mắt rưng rưng. Ảnh: Quang Nhựt

Thanh Hưng hôm qua chơi không tới mức để lại được ví với thần tượng Xavi của anh, và cũng chưa tới tầm để đơn phương đánh bại người Malaysia, nhưng thay anh ra để lấy chỗ cho Mạnh Dũng thì quả là điều khó hiểu. Mạnh Dũng cũng có cái hay, có sự xông xáo, nhưng đó lại là lúc U23 VN cần có sự thay đổi ở vị trí khác, và tuyến khác.

Hãy tạm đặt chuyện Tấn Trường xuống phía sau rồi phân tích, để nói về hàng thủ U23 VN ở hiệp hai có 2 vị trí cần phải được khẩn cấp thay thế. Đầu tiên là Mai Xuân Hợp, người vốn thiếu sức mạnh và tốc độ, đã kiệt lực, đã không còn tỉnh táo để đứng đúng vị trí, phán đoán tình huống khi bị các tiền đạo Malaysia phá sức. Cú đá phản phút 85 của Hợp chỉ là hậu quả, không hơn! Người thứ hai là Đình Đồng, bởi cả hiệp một chơi như cầu thủ tấn công đã bòn rút sức lực rất nhiều khiến cho Đồng cũng giống như Hợp. U23 Malaysia phát hiện “cái sườn” đó của U23 VN bị hở và đã đánh dồn dập vào đó ngay từ những phút đầu hiệp hai. Nếu may mắn và chính xác hơn khi dứt điểm, họ đã có thể trừng phạt chúng ta từ rất sớm và nhiều hơn 1 bàn. Có thể ông Calisto vẫn giữ Đồng ở lại, vì anh khả dĩ nhất bên cánh trái, nhưng với phương án Chu Ngọc Anh thay vì Mạnh Dũng xuất hiện thì sự gia cố, hỗ trợ phòng ngự hẳn sẽ tốt hơn.

Cũng có thể ông Calisto tính toán đã chơi tấn công từ đầu thì vẫn phải duy trì ý đồ đó, chiến thuật đó trong cả hiệp hai. Thế nên ông mới thay người toàn ở vị trí tấn công (Trọng Hoàng và Mạnh Dũng). Nhưng bất cứ ai xem trận đấu, cũng đều thấy, rằng chúng ta gãy tuyến giữa, tấn công không nổi, cự ly giữa hàng tiền vệ và hậu vệ quá xa, để cho đối phương thỏa sức khai thác. Thể lực suy giảm ở hiệp hai càng không thể là điều kiện lý tưởng để đá dồn ép đối thủ mà vẫn lùi về kịp.

Bậc thầy tâm lý cũng bị tâm lý?

Một người rất tài, rất “dị”, rất tỉnh, rất nhanh khi đọc trận đấu và điều chỉnh chiến thuật như ông Calisto mà lại có những quyết định khó hiểu như trên, hẳn là phải có một nguyên nhân sâu xa. Nó không thể là chủ quan, vì ông luôn dạy các cầu thủ chỉ được phép kê cao gối ngủ sau khi chiến thắng. Nó không thể là sự no say thành tích, vì cứ nhìn ông đau và buồn thế nào sau thất bại, sẽ thấy. Nó chỉ có thể là vấn đề tâm lý, dù đó cũng là một trong những sức mạnh vô đối của ông so với các HLV đã từng đi qua đội tuyển.

Trở lại với câu chuyện Tấn Trường, thay và không thay, cũng rõ. Mất 10 phút và hơn thế loay hoay để giữ lại một thủ môn chấn thương nặng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của tất cả. Cũng vì giữ lại trên sân một thương binh gác đền, nên ông Calisto đã không dám dùng đến quyền thay người thứ ba. Sự quyết đoán và nhạy cảm của ông Calisto xưa nay đã bị bỏ quên đâu đó.

Hôm qua, rất nhiều các cầu thủ trẻ đã không là mình ngay từ đầu trận đấu.Chúng ta nhỉnh hơn ở hiệp một chỉ nhờ U23 Malaysia chủ động kìm nén chờ hiệp hai bung sức. Thông thường, họ có thể tìm đến bờ vai của ông Calisto để dựa, tìm đến khối óc của ông Calisto để chờ những phương án sáng tạo, đột phá. Nhưng khi chỗ dựa đó cũng bị lung lạc, cũng có dấu hiệu căng cứng vì sức ép, bị trạng thái, thì các cầu thủ mất phương hướng là điều đương nhiên.

Tới đây, lại nhắc lại chi tiết ở trên, rằng ông Calisto là HLV giỏi, là người đã đưa BĐVN đi vào lịch sử, nhưng ông cũng chỉ là một con người. Mà như thế, ông có quyền mắc sai lầm, và có quyền yêu cầu các cầu thủ và cả nền bóng đá này đôi khi phải biết tự chiến đấu, tự trưởng thành chứ không thể lúc nào cũng từng giây phút dựa dẫm vào ông.

PHẠM TẤN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm