Văn hóa bại trận

18/12/2009 08:44 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - CĐV Việt Nam xưa nay vẫn nổi tiếng là cuồng nhiệt và máu mê, nhưng ở “lực lượng cầu thủ thứ 12” này, không phải cái gì cũng hoàn hảo, và dường như các CĐV chúng ta vẫn chưa có cách ứng xử thích hợp mỗi khi đội nhà gặp thất bại ở một trận đấu quan trọng.

Trước giờ khai cuộc trận chung kết bóng đá nam SEA Games 25, SVĐ QG Lào gần như chìm ngập trong một biển màu đỏ, và 10 phút trước khi trận đấu bắt đầu, dòng xe chở CĐV Việt Nam bên ngoài đại lộ Kaysone Phomvihan vẫn xếp dài hàng cây số để chờ được vào sân.

Hoành tráng là thế nhưng chỉ ít phút sau khi tiếng còi mãn cuộc trận chung kết vang lên với chiến thắng của U23 Malaysia, SVĐ QG Lào đột nhiên trở nên vắng lặng tới mức đáng ngạc nhiên, và trên khán đài chỉ còn lại 2 nhóm CĐV Malaysia cùng một nhóm ít ỏi CĐV Việt Nam ở khán đài A.


Không phải ai trong số các CĐV của chúng ta cũng nán lại chia buồn với các cầu thủ - Ảnh: Quang Nhựt

Trong hoàn cảnh như thế này, các cầu thủ U23 Việt Nam rất cần có sự an ủi, động viên, chia sẻ, và dù không thành công với mục tiêu cao nhất, nhưng chiếc HCB cũng xứng đáng được coi là một thành tích đáng trân trọng.

Tuy nhiên, khi thầy trò HLV Calisto bước lên nhận HCB thì SVĐ QG Lào chỉ còn lại chưa tới 100 CĐV Việt Nam, và những tiếng vỗ tay động viên của nhóm CĐV này bị lạc hẳn giữa không khí sôi động do các CĐV Malaysia tạo nên.

HLV Calisto từng nói: “Với chúng tôi, bạn bè thực sự không phải là những người có mặt khi chúng tôi thành công hay chiến thắng, mà họ luôn xuất hiện ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cần sự động viên chia sẻ nhất”. Nếu hiểu theo cách nói của HLV Calisto thì sự vắng lặng của SVĐ QG Lào hôm qua nên được giải thích như thế nào?

Thêm một vấn đề nữa là sau khi kết thúc trận chung kết, các khán đài SVĐ QG Lào không khác một bãi chiến trường, bởi tất cả các vật dụng dùng để cổ động trong trận đấu như mũ nón, băngrôn, khẩu hiệu, cán cờ… đều bị các CĐV vứt lại một cách không thương tiếc.

Đây là một hình ảnh chẳng hề lạ lẫm với các fan bóng đá Việt Nam, bởi sau trận chung kết Tiger Cup 1998, hay SEA Games 22 năm 2003, các khán đài sân Hàng Đẫy hay Mỹ Đình đều rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Vẫn biết các CĐV cảm thấy thất vọng như thế nào khi U23 Việt Nam thất bại trong một trận cầu rất được kỳ vọng, nhưng chẳng lẽ chúng ta không còn cách ứng xử nào khác hơn ngoài việc bỏ về ngay sau tiếng còi khai cuộc và xả rác đầy SVĐ như vậy? Thế nên người ta mới nói, học cách chiến thắng chưa đủ, mà cần phải học cả cách chấp nhận thất bại nữa, và nếu nói về vấn đề thì này có lẽ chúng ta cần phải học hỏi thêm rất nhiều.

Hoàng Anh (từ Vientiane)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm