Ấn tượng đua ghe ngo

30/11/2014 08:44 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Trong nhiều lễ hội của đồng bào Kh’mer Nam bộ, đua ghe ngo là một phần không thể thiếu. Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Kh’mer Nam bộ lần thứ 6 do tỉnh Hậu Giang đăng cai, hội đua ghe ngo đã diễn ra thật ấn tượng.

Từ 7h - 12h hôm qua, trên kênh xáng Xà No đoạn chạy qua TP Vị Thanh (Hậu Giang), rất đông người dân đã tụ về hai bên bờ kênh xem các đội ghe ngo đến từ các tỉnh thành phía Nam có đồng bào Kh’mer sinh sống tranh tài. Những chiếc ghe ngo lao vun vút trên mặt kênh Xà No cùng với tiếng hò reo cổ vũ của người xem đã tạo thành không khí ngày hội rất đặc trưng của người dân nơi đây.

Nhà biên kịch Lâm Quang Tèo lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết: “Các nuớc như Campuchia, Thái Lan và Myanmar cũng có đua ghe ngo. Nhưng đua ghe ngo Nam bộcó đặc thù riêng nằm trong lễ hội Ooc Om Boc (lễ cúng trăng) của đồng bào Kh’mer vùng này. Rằm tháng Mười âm lịch hàng năm là lúc nuớc lũ bắt đầu rút đi, mừng vụ mùa thắng lợi… nên sinh ra lễ hội này.

Đua ghe ngo trên kênh xáng Xà No

Đua ghe ngo là hoạt động thu hút đuợc quần chúng tham gia nhiều nhất nên đã trở thành điểm nhấn của lễ hội Ooc Om Boc. Do vậy, đua ghe ngo trở thành cách gọi lễ hội Ooc Om Boc. Lễ hội này xuất phát từ nền văn minh lúa nước của vùng Ba Sắc xưa gồm các tỉnh phía Nam sông Hậu, như: Hậu Giang, Sóc Trăng trải dài đến Bạc Liêu”. Tham gia đua ghe ngo hiện nay có các dân tộc sinh sống trên vùng đất này, như: Kh’mer, Kinh, Hoa và Chăm. Điều đó thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các tộc Việt Nam.

Được biết, đua ghe ngo gắn liền với lễ hội Ooc Om Boc, xuất phát từ một truyền thuyết rất nhân văn gắn liền với đạo Phật. Hình ảnh trên mặt trăng đuợc nguời Kinh ví như là chú Cuội và cây đa. Nhưng với nguời Kh’mer Nam bộ, hình ảnh ấy đuợc xem như Thỏ Ngọc. Truyền thuyết kể rằng Thỏ Ngọc là tiền kiếp của Đức Phật. Một hôm Ngọc Hoàng hóa thân thành nguời ăn mày đói rách, gặp Thỏ Ngọc nói không có gì ăn. Thỏ Ngọc tình nguyện lao vào lửa để tự nuớng mình cho người ăn mày. Cảm động truớc sự hy sinh của Thỏ Ngọc, Ngọc Hoàng đã cho vẽ hình Thỏ Ngọc lên mặt trăng. Vậy nên, lễ hội Ooc Om Boc cũng là dịp để nguời dân nhớ về truyền thuyết này nhằm đề cao sự hy sinh vì đồng loại.

Năm 2013, Festival Đua ghe ngo đồng bào K’hmer đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất diễn ra tại Sóc Trăng với 60 đội tham gia. Festival này diễn ra hai năm một lần và cộng với Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Kh’mer Nam cũng diễn ra hai năm một lần đan vào nhau, thì năm nào các đội nghe ngo của các phum, sóc cũng có dịp tranh tài.

Bế mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao & Du lịch đồng bào

Kh’mer Nam bộ

Lúc 20h ngày 29/11 tại quảng trường Hòa Bình, TP Vị Xuyên (Hậu Giang) diễn ra lễ bế mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Kh’mer Nam bộ lần thứ 6. Các ca sĩ Quang Linh, NSƯT Thanh Thúy biểu diễn cùng các nghệ nhân Kh’mer. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH Hậu Giang.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm