12/06/2012 19:39 GMT+7 | Bảng C
(TT&VH) - Đó là nhận xét của những người có tiếng nói đầy sức nặng trong nền bóng đá Italia: HLV Arrigo Sacchi và cầu thủ huyền thoại của Inter, Sandro Mazzola, trong một cuộc luận đàm về bóng đá Italia và EURO 2012 do tờ báo TBN El Pais thực hiện ngay tại nhà riêng của Sacchi.
Sacchi: Người Italia chúng tôi đôi khi không chịu hiểu là có người khác hơn mình và do đó bị thua.
Mazzola: Thừa nhận người khác hơn mình chưa bao giờ là một phần ADN của chúng ta.
El Pais: Nó cũng không phải là ADN của những người TBN.
Sacchi: TBN có cái mà chúng tôi không có: họ luôn coi bóng đá là một cuộc trình diễn thể thao... Một hôm, một trong những vị chủ tịch CLB quyền uy nhất nói với tôi: “Điều lý tưởng là thắng trận trước một đối thủ luôn sút trúng xà ngang và ở phút thứ 90 thì đá phản lưới nhà”. Nếu chúng ta hiểu bóng đá như một cuộc trình diễn thể thao, nó sẽ giúp chúng ta chấp nhận rằng một chiến thắng không thành tích như thế thì không phải là một chiến thắng.
Arrigo Sacchi - Ảnh Getty
Mazzola: Ở Italia, bóng đá luôn được nhìn nhận như một đòi hỏi xã hội.
Sacchi. Italia là một đất nước của thơ ca, nhạc, họa và nghệ thuật. Ấy vậy mà bóng đá không được coi là một cuộc trình diễn. Anh chơi tồi nhưng ghi được một bàn thắng ở phút thứ 90, thế là tất cả đều ăn mừng... Tôi nhớ tới trận đấu với Celta khi còn huấn luện Atletico. Chúng tôi thắng 2-1, nửa giờ cuối của hiệp hai chỉ còn chơi với 9 người. Thế là các báo Italia đều nói chúng tôi là anh hùng. Ở nơi khác, thắng như vậy không được đánh giá cao.
Italia là thợ thủ công trong một thế giới công nghiệp
Mazzola: Sao lại có thể như thế?
Sacchi: Tôi sẽ giải thích cho anh bằng một thí dụ. Năm 1991, Real Madrid đã nói chuyện với Silvio Berlusconi để đưa tôi về Santiago Bernabeu. Ramon Martinez đến tận nhà và hứa sẽ trả cho tôi gấp đôi số tiền nhận được ở Milan và gấp bốn lần lương-thưởng ở đội tuyển Italia. Ông ấy nói: “Chúng tôi tìm một HLV chơi nhiều chạm và ít phòng thủ phản công”. Ở Italia làm gì bói ra một nhà cầm quân như thế. Chúng ta đã quen với chơi phòng ngự phản công. Từ bé, các cầu thủ đã mang quan niệm đó trong đầu, đến mức chẳng cần giải thích gì cả.
Mazzola: Cần phải hỏi tại sao. Khi còn là một cậu bé, chúng tôi thường đến một sân bóng cạnh nhà thờ để chơi cùng nhau, trên một diện tích chỉ dài 30 mét và rộng 20 mét. Chúng tôi lại có tới 30 người. Thế là phải biết lừa bóng. Nhưng hôm nay, các HLV lại chỉ trích các cầu thủ thích dẫn dắt và lừa bóng. Đấy chính là vấn đề.
Sacchi: Chúng tôi thì chơi với 5 hậu vệ. Thủ môn chẳng biết đưa bóng cho ai. Hai trung vệ không biết chơi với trái bóng.
Mazzola: Mà đất nước chúng ta nổi tiếng với hàng thủ đấy.
Sacchi: Guardiola yêu cầu tôi giới thiệu một trung vệ biết phát động tấn công. Tôi nói với anh ấy: Tôi đã 65 tuổi và chưa ai ở Italia lại đưa ra một lời đề nghị như anh.
Mazzola: Anh từng dẫn dắt các đội trẻ, vấn đề nằm ở đâu ?
Sacchi: Mọi việc đã thay đổi. Trong thời của tôi, số 8 giúp thế cân bằng, số 10 có tài năng để làm bất cứ điều gì mình muốn còn trung phong phải biết ghi bàn. Bây giờ quả bóng không thể chỉ lăn đến chân người có tài năng. Chúng tôi phát điên lên khi phải nhiều lần giải thích với bọn trẻ rằng chúng phải trở thành một đội quân siết chặt hàng ngũ, cùng tiến cùng lùi khi phản công và phòng thủ. Những chiến binh La Mã đã đánh chiếm được Galia là nhờ siết chặt đội ngũ. Tôi luôn nghĩ, như trong các bộ phim hay nhất, nếu anh không có một kịch bản tốt, thì dù các diễn viên có giỏi đến mấy phim cũng chẳng hay. Trong bóng đá, nếu chơi gần nhau, đường chuyền sẽ nhanh hơn và chính xác hơn. Nếu chơi cách xa nhau 40 mét thì bóng thường ở phía sau lưng và bổng.
El Pais: Tôi nghĩ vấn đề của calcio là thiếu tài năng chứ không phải không biết cách chơi như một đội bóng.
Sacchi: Khi anh sống ở một môi trường thiếu yên ổn, ít những điều kiện tích cực (như vụ các CĐV quá khích tràn vào sân Genova khiến trận đấu phải dừng lại) thì thật khó làm việc. Ở Italia, có những vị chủ tịch CLB thay đổi tới bốn HLV trong một năm. Tôi không biết họ nghĩ gì về việc lên kế hoạch làm việc.
Mazzola: Như bây giờ chỉ thắng mới có giá trị. Các nhà lãnh đạo làm ngơ trước cái đẹp, đem về những người ít được giáo dục và chuyên đe dọa đối thủ, trọng tài và cả các cầu thủ nữa.
Sacchi: Các nhà chính trị, rồi báo chí cũng chẳng giúp gì. Chúng ta đang trong trạng thái tồi tệ hơn trước đây. Các sân vận động ở Italia là hình ảnh hoàn hảo về sự lạc hậu của đất nước này. Phần lớn các SVĐ được xây từ thời độc tài Mussollini còn nếu không phải vậy thì là những bản sao. Thế mà họ lại yêu cầu chúng ta phải chơi bóng đá hay vào... Không có gì là kế hoạch lâu dài. Chúng ta giống như một thợ thủ công trong một thế giới công nghiệp. Các đội trẻ của chúng ta phải vất vả mới thắng được Áo và Thụy Sỹ. Số giờ mà họ dành cho bóng đá trong một tuần bằng chúng ta làm trong cả tháng.
Đã chơi bóng thì phải biết giữ bóng
Trong khi TBN, Đức và Pháp đang cố gắng thay đổi để chơi bóng hiện đại hơn, thì Italia vẫn là đội bóng cũ kỹ của hai-ba mươi năm trước. Mazzola và Sacchi đều cho rằng truyền thống, lịch sử và niềm tự hào giờ không còn đủ nữa. Bóng đá Italia cần phải thay đổi.
Mazzola: Đã chơi bóng đá thì phải biết giữ bóng.
Sacchi: Tôi đã đến Utrecht để xem Rinus Michels tập luyện cùng bọn trẻ trong một tiếng rưỡi. Đó cũng là một tiếng rưỡi tập giữ bóng.
Sandro Mazzola - Ảnh Getty
Mazzola: Giữ bóng chứa đựng tất cả, dẫn bóng, chuyền và tạo đột biến.
Sacchi: Nếu chúng ta dạy trẻ con chơi như vậy từ lúc 12 tuổi thì đến 18 tuổi, có bịt mắt chúng vẫn biết giữ bóng.
Mazzola: May mà chúng ta có lịch sử, niềm tự hào và tình yêu lớn dành cho bóng đá cứu vớt.
Sacchi: Vấn đề là chúng ta tự làm phức tạp cuộc sống của mình. Các thể chế vẫn như nguyên, các nhà giáo dục cũng thế và chúng ta chẳng giúp gì cho họ. Ngoài ra, lãnh đạo còn đuổi cả các HLV từ tuyến trẻ. Điều đầu tiên mà họ hỏi không phải là “chúng ta chơi bóng như thế nào” mà là “chúng ta có giành chiến thắng không”.
Mazzola: Chúng ta càng đi xuống thì càng có nhiều người vượt lên trên.
Sacchi: Hai trong số bốn danh hiệu vô địch thế giới chúng ta giành được là sau những vụ bê bối lớn (cá độ và dàn xếp tỷ số trong các năm 1982 và 2006.) Tôi đã từng nói với chủ tịch liên đoàn Bóng đá Italia: Nếu ai đó nói với anh rằng năm 2010 “chúng ta sẽ vô địch World Cup thì anh sẽ bảo tay này bị điên”. Chúng ta chỉ có sức mạnh khi biến đội tuyển thành một khối thống nhất. Ở Italia người ta luôn nghĩ calcio là một môn thể thao cá nhân, trong đó HLV chỉ cần nghiên cứu cách ngăn chặn đối thủ.
El Pais: Làm sao TBN có thể xây dựng được một đội tuyển chiến thắng trong một thời gian ngắn thế?
Sacchi: Họ luôn có một quan niệm về bóng đá rất khác: bóng đá là trình diễn. Thắng chưa hẳn đã có giá trị. Khi Berlusconi mua tôi về, ông ấy nói: “Tôi muốn một đội bóng chơi hay, đối với tôi một chiến thắng không thành tích không phải là một chiến thắng”. Đó là một bài học lớn: chiến thắng bằng thủ đoạn hay bằng sự may mắn không có giá trị.
Mazzola: Đối với tôi, cần phải có động cơ. Phải cứng rắn và làm cho các cầu thủ can đảm.
Sacchi: Như vậy chưa đủ. Cần phải có một kịch bản và kịch bản đó phải hay trước đã.
Mazzola: Các cầu thủ hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào trật tự chiến thuât. HLV lúc nào cũng phải gào thét.
Sacchi: Tôi đã từng nhìn thấy các ông bố đánh nhau vì cãi con ai hay hơn. Trong thời của tôi, bố mẹ chỉ muốn các con học hành.
Mazzola: Mẹ tôi không muốn tôi chơi bóng. Hiệu trưởng trường tôi thậm chí còn coi cầu thủ là một tội phạm tiềm năng. Sau chiến tranh, các cầu thủ lại bị nhìn nhận như những kẻ chỉ biết tiêu tiền phung phí và rải tiền vào các nhà thổ.
Sacchi: Chúng ta có những cầu thủ lớn nhưng lại khó làm chủ sân bóng và trận đấu. Đó là vì chúng ta nhìn bóng đá từ sự sợ sệt trước đối thủ... Nếu các cháu cần học, thì tôi thích chúng học cách chơi bóng đá. Tôi sẽ nói với chúng: Nếu các cháu để bóng vào chân đối thủ thì các cháu sẽ chơi bằng gì? Hãy tập trung hơn nữa, hãy học cách chịu đựng và tự tin vào bản thân mình.
Mazzola: Anh có nghĩ trong khi các đội bóng khác ngày càng trẻ ra thì các đội của chúng ta ngày càng già đi không?
Sacchi: Ở Milan, khi tôi làm huấn luyện, không một ai quá 30 tuổi. Ancelotti đã nói với tôi: “Khi tôi đến Milan, lúc 28 tuổi, tôi thuộc loại già nhất, còn bây giờ như vậy ở Milan sẽ được coi là tiềm năng”. Một khi anh thiếu tự tin, thiếu kiến thức, anh thường dựa vào các lão tướng, bởi vì anh nghĩ họ có thể bù đắp sự thiếu hụt của mình với tư cách là HLV.
El Pais: Prandelli, HLV tuyển Italia, có vẻ đã thay đổi khuynh hướng này.
Mazzola: Tôi nghĩ tất cả những đội tuyển quốc gia châu Âu ngày nay không giống với cách đây 10 năm.
El Pais: Đức đúng là đã thay đổi.
Khang Chi (lược dịch)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất