Lũ lụt và ẩn ức “vỡ đê”

09/11/2008 11:41 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH Online) - Đêm 5/11, trăng hạ huyền chiếu sáng được một lúc trên trời đêm Hà Nội. Ngày 6/11, mặt trời xuất hiện từ non trưa tới cuối chiều. Ngày 7/11, mưa lất phất từ 1h30 sáng. Ngày 8/11, nắng và gió lạnh. Rất may cho thủ đô đã không xảy ra lụt chồng lụt, ngập chồng ngập, lo lắng đè lên lo lắng, khi dự báo thời tiết đã tiếp tục sai, lần này là “báo hoảng” về một trận mưa lớn liền kề với cơn mưa như thác lũ trước đó.


Khi nước còn đang tràn gập trên các phố phường Hà Nội, nhà văn Đặng Thiều Quang đã lưu ý trên blog của mình qua entry “Nếu vỡ đê, điều gì sẽ xảy ra”? Một số blogger đặt dấu hỏi: Trong trường hợp xấu nhất, điều gì sẽ đến? Ẩn ức đáng sợ của cư dân đồng bằng sông Hồng về vỡ đê trỗi dậy. Có lẽ những người bạn phương Nam sẽ không thật sự hiểu điều này bằng những người sống tại nơi sinh ra truyền thuyết đầy mơ ước Sơn Tinh trị thủy.

Thực ra trước đó, Chính phủ đã dự đoán sơ bộ được điều tai hại này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới KTXH. Theo phụ lục “Thiệt hại nếu vỡ đê vùng Đồng bằng sông Hồng ứng với các trường hợp lũ có độ ngập khác nhau” ban hành kèm theo Quyết định 92/2007/QĐ-TTg ngày 21/6/2007, nếu lũ gây ngập từ 1 – 2m sẽ gây thiệt hại tài sản cố định và GDP 335.000 tỉ đồng (năm 2010), 942.409 tỉ đồng (năm 2020). Nếu lũ rất lớn gây ngập trên 3m sẽ gây thiệt hại tương ứng 695.933 tỉ đồng (2010) và 1.924.158 tỉ đồng (2020).

GS kinh tế Đặng Phong, một chuyên gia nghiên cứu về thời kỳ trước và sau 1945, từng hồi tưởng lại vụ vỡ đê năm 1945: "Từ khi Nhật sang, mấy năm liền các chính phủ không hề quan tâm tới hệ thống đê điều. Các đê ở miền Bắc thời đó hư hỏng nặng, lại đúng năm 1945 là năm nước lên rất to. Trong sáu ngày liền từ 17 tới 22/8, vỡ một loạt 155 đoạn đê trên tất cả các sông ngòi của Bắc bộ như sông Hồng, sông Thao, sông Đáy... Nước lụt tràn ngập tới 350 ngàn ha, trong khi toàn miền Bắc có 800 ngàn ha ruộng lúa. Như vậy có tới 40% diện tích ruộng lúa vừa cấy xong bị ngập. Thế nhưng vì hồi đó đã có hai triệu người chết đói, cho nên người ta không tập trung thống kê con số thiệt hại vì bão lụt".

Tài liệu của ông Phạm Quang Sơn, Trung tâm Viễn thám và Geomatic, Viện Địa chất cho hay, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới ở đồng bằng sông Hồng có tần suất rất cao (chiếm 28% số bão ở Việt Nam). Tổ hợp lũ ở đồng bằng sông Hồng diễn biến rất phức tạp. Trong thời gian 117 năm (1884 - 2001) đã có 166 trận bão và áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đồng bằng sông Hồng (trung bình 1,4 trận/năm), thường đi kèm là lũ lớn, đã xuất hiện lũ rất lớn mà cơn lũ tháng 8/1971 là tiêu biểu.

Theo chứng kiến của nhà văn Nguyễn Như Phong thì lũ năm 1971 là khủng khiếp nhất, đứng trên đê Nhật Tân nhìn bốn bề mênh mông nước. Nếu cần một hình ảnh để dễ so sánh cho việc vỡ đê khi đó, thì ông cho rằng nóc ga Hàng Cỏ chỉ tương đương với nước sông Hồng ở mức báo động II. Năm 1984 Hà Nội lụt do mưa cục bộ, không bằng năm 2008 này.

Ký ức chung của nhiều người, lũ sông Hồng năm 1971 là trận lụt đáng sợ nhất mà họ từng biết đến. Chưa bao giờ nước sông Hồng lớn như thế, mênh mang như thế. Chân cầu Long Biên nước dâng mấp mé, chỉ chờ gió mạnh là dập dềnh chảy qua đê. Tháng 8/1971 ấy, do ảnh hưởng của dòng nước lạnh La Nina và một cơn bão từ miền Nam Trung Quốc đã gây mưa lớn kéo dài, khiến mực nước trên các sông Lô, sông Thao và sông Đà vượt đỉnh. Nước từ các dòng sông này đổ dồn về sông Hồng, gây nên thảm họa "Thủy Tinh" lớn nhất được biết đến trong vòng 250 năm qua tại miền Bắc.

Theo đánh giá của Cơ quan Quản trị hải dương và khí tượng Hoa Kỳ, đó là một trong những trận lụt lớn nhất thế kỷ XX, xét trên toàn thế giới. Mức độ thảm khốc của cơn “đại hồng thủy” này đứng thứ hai sau trận lụt năm 1931 ở sông Dương Tử, Trung Quốc, dù rằng sông Hồng chỉ thuộc cỡ trung bình trên thế giới. Trung bình nhưng gây ra thảm họa thế kỷ!

Những ngày qua, theo báo chí phản ánh, dân sống ven sông chặt chuối làm bè, sống nhờ điếm canh đê làng, đêm vừa chợp mắt nghe tiếng nước lại choàng tỉnh dậy. Lúc nào họ cũng nghĩ tới nỗi lo sợ ấy lại xảy ra, bởi nạn hút cát ăn rỗng chân đê, đào đất làm lò gạch năm này qua năm khác, kè đập không được chăm sóc, bởi một tổ mối nào đó, hoặc bởi muôn vàn thứ bất thường nào đó. Tôi đã lang thang nhiều ngày ở vùng thoát lũ Phúc Thọ, khu vực được quy hoạch để xả nước sông Hồng cứu Hà Nội, khi sức đê không chịu nổi. Ở đó, nhà nào cũng có thuyền, có bè trên gác, có những đường vạch trên tường đánh dấu mực nước lên ở những mùa trước để mà toan tính mùa sau.

Bây giờ khi Phúc Thọ đã nhập về Hà Nội, khi cần sẽ xả nước đi đâu?

Chỉ một công văn đánh máy nhầm  “các đơn vị phòng ngừa, phương án sơ tán dân trước 5h chiều” (thiếu hai từ “chuẩn bị”) ngày 4/11 phát đi từ UBND TP Hà Đông đã lập tức khiến dân cư xung quanh hoảng loạn vì tin đồn “vỡ đê”, “thoát lũ”, đổ xô đi mua mì tôm, xếp hàng dài trước các cửa hàng thực phẩm. Lỗi đánh máy! Lỗi trong một thời điểm đặc biệt nhạy cảm! Thứ trưởng Đào Xuân Học đã phải khẳng định trên mặt báo: “Nếu đê bao quanh Hà Nội vỡ, Bộ NN&PTNT xin chịu trách nhiệm”.

Tôi còn nhớ nguyên cảm giác gai người của mình khi nghe tin đồn vỡ đê – thoát lũ ở Hà Đông loang rộng. Khi ấy, tôi không nghĩ nó được tung ra bởi những người rỗi việc ác ý, hay nhằm mục đích trục lợi – bán mì tôm chẳng hạn. Nó không giống tin đồn ĐBSCL hết gạo vừa rồi. Nhưng nó giống tin đồn những người quản trang ở Văn Điển phải chèn đá vào các quan tài cho khỏi nổi bềnh lên mặt nước.

Phía sau những tin đồn ấy luôn ẩn chứa một một sự thật của dân chúng: lo toan và hoang mang.  Liệu mùa mưa lũ năm sau, những điều này có còn lặp lại?

Thế Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm