Lo ngại chủng cúm H7N9 gây đại dịch toàn cầu

05/04/2013 12:14 GMT+7 | Trong nước

Cho đến nay đã có 14 bệnh nhân nhiễm virút H7N9 - một chủng virút cúm gia cầm mới được phát hiện tại Trung Quốc, nhưng số ca tử vong đã lên đến 6 người. Dường như chủng virút cúm mới không dễ lây lan như virút H5N1 từng gây đại dịch hồi năm 2009 - khi số người nhiễm bệnh tăng với tốc độ phi mã.

Tuy nhiên, phóng viên TTXVN tại Canada dẫn lời phát biểu của Tiến sĩ Neil Rau, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Bộ Y tế Canada, tại một cuộc họp báo ngày 4/4, cho biết có nhiều lý do khiến các nhà khoa học lo ngại về nguy cơ virút H7N9 gây ra đại dịch ở người, dù vẫn chưa thể xác định nguy cơ này lớn đến đâu.

Thứ nhất, chủng cúm này chưa từng xuất hiện ở người trước đó. Lâu nay, các chuyên gia cúm vẫn cảnh báo đại dịch cúm sắp tới sẽ xuất phát từ một chủng cúm mới mà con người sẽ ít hoặc không miễn dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các ca nhiễm cúm H7N9 ở người là đáng lo ngại vì chúng hoàn toàn mới. Con người đã từng nhiễm các loại virút cúm H7 khác, nhưng chưa bao giờ có sự kết hợp giữa H7 và N9, tức số protein trên bề mặt của virút. Sự kết hợp khác thường này khiến WHO phải quan tâm một cách nghiêm túc.

Thứ hai, virút cúm H7N9 đang học cách thích nghi với động vật có vú. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc đã sắp xếp các gen của H7N9 và cho biết chủng cúm này bắt nguồn từ các loài chim. Nhưng virút này cũng có một số thay đổi gien, cho thấy chúng có thể học cách xâm nhập vào đường hô hấp của động vật có vú và con người, khiến dịch bệnh dễ lây lan. Đây là điều khiến WHO quan ngại.

Theo Tiến sĩ Masato Tashiro, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu cúm của WHO tại Tokyo, Nhật Bản, đánh giá bước đầu là virút này có khả năng gây dịch bệnh. Nó vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với cơ thể con người nhưng các yếu tố quan trọng đã thay đổi, trong bối cảnh các virút cúm thường xuyên biến đổi và trao đổi gien.

Thứ ba, các ca nhiễm cúm H7N9 dường như không liên quan đến nhau. Hiện chưa rõ những bệnh nhân đã bị nhiễm virút như thế nào và cũng không có bằng chứng cho thấy virút dễ dàng lây lan giữa người với người. Cho đến nay, tại Trung Quốc chưa phát hiện ổ dịch cúm nào trong các loài chim hoang dã, gia cầm hay lợn - những động vật hay làm lây cúm sang người.

Thứ tư, virút H7N9 có thể lây nhiễm trong một số loại gia cầm, và có thể cả lợn, nhưng không gây ra các triệu chứng bị bệnh. Điều đó có nghĩa sự lây lan thầm lặng giữa gia cầm hoặc lợn sẽ không bị phát hiện. Nếu không có hiện tượng gia cầm chết hàng loạt, các nhà khoa học khó tìm ra nguồn gây bệnh ban đầu và ngăn chặn sự lây lan của chúng.

Chuyên gia về virút cúm người Anh Wendy Barclay cho biết tại thời điểm này, chưa ai biết virút H7N9 đến từ đâu hay những động vật nào có thể trở thành "vật chủ" để phát tán virút rộng hơn. Và nếu như gia cầm hoặc lợn nhiễm bệnh không có các triệu chứng rõ ràng, sẽ không thể biết được chúng bị bệnh và việc lây cúm từ các loài vật này sang người có thể xảy ra.

Hiện Bộ Y tế Trung Quốc đang huy động các nguồn lực trong cả nước để đối phó với H7N9, đồng thời cam kết sẽ nhanh chóng cung cấp chi tiết về H7N9.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm