17/07/2023 18:33 GMT+7 | Giải trí
Nữ ca sĩ có biệt danh "sầu nữ phòng trà" Hương Giang sẽ kỷ niệm 25 năm ca hát bằng live show có tên khá lạ: Một nửa. Live show sẽ diễn ra tại Nhà hát VOH (TP.HCM) vào đúng đêm sinh nhật của Hương Giang: 28/7.
Tên của live show được lý giải ngắn gọn: 28/7 là ngày cô bước vào tuổi 50, là một nửa đời người. Hương Giang mong muốn được đi hát đủ con số 50 năm; mong ướcđược sống 100 tuổi. Hương Giang tin mình có cơ sở để mong ước, vì bà ngoại sống đến 111 tuổi.
Chứng nhân của bức tranh âm nhạc TP.HCM
Hương Giang thay đổi nhạc mục cho live show cả chục lần, vì lượng ca khúc khán giả yêu thích quá nhiều, khiến cô khó khăn chọn lựa. Nhưng đổi kiểu gì thì đêm nhạc cũng hứa hẹn sẽ phản ánh lại một phần đời sống âm nhạc TP.HCM, mà với 1/4 thế kỷ ca hát, có thể nói Hương Giang như là 1 trong những chứng nhân của cái thời sôi nổi từ các cuộc thi tiếng hát truyền hình cho đến các tụ điểm ca nhạc.
Giọng hát này đi cùng bao giai đoạn thăng trầm của các thể loại sân khấu ca nhạc đặc thù của Sài Gòn, vốn được ưa chuộng của thập niên 1990 - 2000, từ các sân khấu ca nhạc ngoài trời đến vũ trường, club, bar và nhất là loại hình phòng trà khi mới xuất hiện trở lại sau thời gian dài vắng bóng kể từ sau 1975.Thời của phòng trà Tiếng Tơ Đồng, M&Tôi, 2B…; thời bầu sô những tụ điểm ca nhạc ký hợp đồng độc quyền biểu diễn với những giọng ca đinh, mà Hương Giang là thí dụ khi cô hát độc quyền 2 năm tại vũ trường Maxim và một số nơi khác.
Thời những đêm Hương Giang chạy show đến 7 sân khấu. Và dễ hiểu vì sao một sầu nữ phòng trà như Hương Giang có thể hát nhiều thể loại, theo nhiều gu đặc trưng khác nhau của sân khấu ca nhạc, trước khi định danh với nhạc tình xưa. Thành công trong các cuộc thi hát với nhạc đỏ, nhưng một thời gian dài Hương Giang lại chuyên trị nhạc ngoại. Cô hát bài hit của Celine Dion, Whitney Houston, Mariah Carey… đến những bài bất hủ của The Carpenters. Sầu nữ từng có lúc hát những bài nhạc quê hương, rồi cả bolero, rồi nhạc ngoại lời Việt.
Và dù các sân khấu ca nhạc có thịnh hoặc suy, hoặc…dẹp đi, tiếng hát của Hương Giang vẫn trụ lại. Sau này, khi giọng hát Hương Giang có mặt trong khá nhiều đĩa than, có hẳn một album đĩa than Một đời yêu anh, cô lại được cộng đồng nghe nhạc hi-end yêu thích.
Những đêm nhạc riêng trong cộng đồng này nối dài thêm danh sách những điểm diễn âm nhạc của Hương Giang mà qua đó, ghi nhận sự phong phú thêm của các hình thức tổ chức nghe nhạc trong công chúng, trong bối cảnh phòng trà đang thu hẹp, biến mất dần.
Nam nữ ca sĩ và sầu nữ bán yaourt
Live show Một nửa sẽ có tiệc nhẹ, Hương Giang sẽ chiêu đãi khán giả một số món do chính mình làm, trong đó có yaourt. Đây là một trong những món rất ăn khách từ "bếp nhà Sam", một chân dung khác của Hương Giang, sau khi "xả vai" sầu nữ.
Cô không ngại mới đêm qua làm sầu nữ áo váy thướt tha dưới ánh đèn lung linh mà hôm nay lại quần sọt áo thun ngồi quán cà phê kiên nhẫn đợi khách tới nhận hàng, hoặc tất bật kiêm luôn vai trò shipper cho món yaourt "thần thánh" của mình. Hương Giang không tự gò bó trong cái định nghĩa và cái nhìn quen thuộc mà người ta mặc định về ca sĩ.
Cả cách cô hát và lối cô trò chuyện cũng như ở hai thái cực. Giọng hát cất lên rất buồn, nhưng vẻ ngoài trên sân khấu nhiều lúc lạnh, thoạt trông vẻ bất cần, khiến ai thương thì thương lắm, ai ghét thì không nhìn luôn, như đồng nghiệp thân của cô chia sẻ.
Ghét thì chưa tìm ra thí dụ cụ thể, nhưng thương thì có thể kể ra vài chuyện. Như live show Một nửa này, khán giả ruột yêu tiếng hát của cô hai thập niên qua chính là người đã đứng ra bảo trợ tài chính toàn bộ. Hoặc như cây viết trẻ Mạc Thụy, dành riêng cho cô hẳn một chương trong cuốn sách Sài Gòn vẫn hát, gọi cô là sầu nữ áo lụa vàng. Đó là khi tác giả cuốn sách này lần đầu trông thấy Hương Giang đứng trên chiếc bục giữa sân khấu, trông thật cô đơn dưới ánh đèn ở vũ trường Maxim, cất tiếng hát u buồn cố hữu trong một nhạc phẩm quen của nhạc sĩ Lam Phương. Để rồi từ đó, cô được gắn với biệt danh sầu nữ áo lụa vàng. Trong khi sự thật thì lúc đó cô đang hát như…"trả nợ", bị stress vì lúc ấy chưa quen hát ở vũ trường, số lượng vốn bài hát có để phù hợp với nhạc khiêu vũ quá ít.
Đây chỉ là thí dụ minh họa cho chuyện Hương Giang trân trọng tất cả những gì khán giả ưu ái cho tiếng hát của mình, nhưng không vì thế mà tranh thủ đánh bóng thêm, nếu không muốn nói là nói "phơi trần" sự thật ấy ra cho nó bớt lóng lánh hơn. Nên khi được người ta gọi là nữ hoàng phòng trà, Hương Giang…ngăn ngay, gọi sầu nữ cũng là quá rồi, thêm nữ hoàng vào nữa, cô không quen.
Nhưng còn một biệt danh nữa, mà cô chỉ cười không phản đối, vì giọng khàn đục đặc trưng của mình. Hương Giangcó chất giọng mezzo alto, sở hữu giọng thổ pha kim, có quãng rộng. Một giọng hát mà tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1997, nhạc sĩ Trần Hữu Bích nói rằng không nghĩ có ca sĩ hát rất thấp mà lại lên cao được như Hương Giang.
Khi hát tốp ca nam nữ, Hương Giang thường hát theo tông nam, hát song ca cũng hát giọng nam. Bạn bè đồng nghiệp vì thế mà cứ gọi đùa cô là "nam nữ ca sĩ Hương Giang" đầy vẻ hài hước và đến nay hầu như trong làng nhạc chỉ có cô mới được sở hữu biệt danh này.
"Giang chọn lối đi này"
Câu hỏi mà báo chí thường đặt ra với Hương Giang là tại sao một giọng hát tốt như vậy mà chưacó một vị trí tốt hơn trong làng nhạc? Ở thời điểmmà thước đo cụ thể nhất cho uy tín một giọng hát là các cuộc thi tiếng hát truyền hình, thì Hương Giang cũng từng lận lưng khá nhiều giải thưởng, như giải Ba tại Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1997, giải Tư tại Tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999 (cùng với Hồ Quỳnh Hương)…
Trong khi Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm… phải đi học chung lớp của giảng viên thanh nhạc nổi tiếng mát tay thời bấy giờ là Hoài Nam, thì chính ông thầy này đã ưu ái nhận dạy riêng cho Hương Giang. Thậm chí nhạc sĩ Nguyễn Nam lúc sinh thời từng hỏi Hương Giang có muốn lăng-xê để nổi tiếng như Phương Thanh hay không. Nói ra như thế để thấy cô từng được nhìn nhận có nhiều tố chất để tỏa sáng hơn nữa. Nhưng đến bây giờ Hương Giang vẫn không hối tiếc vì lựa chọn của mình.
"Không phải là mình không có niềm ước ao nổi tiếng, nhưng nếu khát khao đó khiến mình luôn đau đầu mất ăn mất ngủ vì nó thì thôi, bỏ qua. Bạn nhìn xem, để "sống dai", tồn tại với nghề qua bao thăng trầm của đời sống âm nhạc Sài Gòn, có mấy người đâu. Sống ở đời, hạnh phúc hoặc thành đạt hay không cũng do mình suy nghĩ, chọn lựa. Có thể khán giả đại chúng chưa biết Hương Giang nhiều, nhưng người trong nghề, khi nhắc đến tên, đều có sự nể nang nhất định về đạo đức nghề nghiệp và khả năng chuyên môn. Vậy là đủ rồi"- Hương Giang nói.
Hương Giang chưa bao giờ nhận mình là người trong giới giải trí (showbiz), chỉ đơn giản làm nghề, hát cho thỏa thích và kiếm tiền nuôi con. Cô luôn tự nhận: "Giang không có hào quang, nhưng Giang có giọng. Giang chọn lối đi này". Quan điểm sống của cô từ khi bước chân vào nghề ca sĩ đến nay, vẫn vậy: "Tính mình rất thẳng, nên chỉ nhìn thẳng. Chưa bao giờ gặp ai mà phải cụp mắt xuống cả".
Đậm chất nhạc jazz
Live show Một nửa sẽ đậm chất nhạc jazz. Bên cạnh những bài nhạc tình xưa được yêu thích, Hương Giang sẽ hát lại những ca khúc thời gian qua ít người biểu diễn như Đánh mất (Hoàng Hiệp), Điệp khúc tình yêu (Trần Tiến)… Khách mời chương trình là 2 nam ca sĩ Trọng Bắc và Duy Hưng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất