11/11/2012 06:30 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Trước live concert Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi, nhạc sĩ Dương Thụ từng tỏ ra lo lắng vì không biết, khi mình tự tay “đặt móng, xây” ngôi nhà âm nhạc - chuỗi chương trình Cửa sổ âm nhạc - thì ngôi nhà đó có vững chắc không, có xứng đáng với sự kì vọng của khán giả không? Và câu trả lời đã có trong chương trình mở đầu diễn ra tối 9,10/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
>> Chuyên đề: Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi
Đến với live concert của Dương Thụ là những gương mặt của nhiều thế hệ, từ tầm diva nhưng Hồng Nhung, Mỹ Linh, cho đến những ngôi sao đương thời như Tùng Dương, Nguyên Thảo hay những giọng ca đầy triển vọng như Hà Linh và cả gương mặt của nhạc đỏ là Trọng Tấn.
Nhạc sĩ Dương Thụ cùng các nghệ sĩ trong live concert. Ảnh Hải Thanh |
Nếu sắp đặt họ đứng cạnh nhau thì sẽ thấy dường như họ không có sự kết nối nào với nhau ngoài âm nhạc của Dương Thụ. Bởi ở đây, có những ca sĩ trưởng thành lên nhờ những sáng tác của ông, có những ca sĩ mong muốn được hát nhạc của ông và không ai phủ nhận, đều được ông dẫn dắt trong con đường âm nhạc. Mỗi người một hoàn cảnh, có một cái duyên khi gặp ông hay tìm đến ông nhưng cho đến giây phút đứng trên sân khấu để bộc bạch, nhạc sĩ Dương Thụ không ngần ngại gọi họ “con cháu trong nhà”.
"Cô Bống" Hồng Nhung đến với ông không chỉ bằng âm nhạc mà cả những câu chuyện bên lề. Họ hiểu nhau đủ để khi đứng trên sân khấu, Diva nhạc Việt giúp Dương Thụ kể về những cảm xúc thật, những dòng nhật ký về cuộc đời ông bằng âm nhạc. Còn ông, ông cũng bật mí những câu chuyện “hậu trường” giữa ông và họ. Đó là ca khúc Tóc ngắn của Mỹ Linh được ông sáng tác tặng riêng cho cô, khi hai người vô tình gặp nhau trên phố. "Tóc ngắn, mắt bồ câu rất hiền" là những lời ông dành tặng cho thí sinh đạt giải thưởng Ca sĩ trẻ gây ấn tượng nhất liên hoan trong Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc năm 1993.
Nữ ca sĩ Hồng Nhung
Và giờ đây, Mỹ Linh là ca sĩ được giao trọng trách mở màn, chị đến với khán giả qua ba ca khúc Vẫn hát lời tình yêu, Mùa xuân đầu tiên và Và em sẽ hát. Giọng hát điêu luyện cùng cách xử lý điêu luyện đã mang lại cho khán giả những cảm xúc tưởng chừng như quen nhưng rất lạ. Ấn tượng nhất vẫn là màn song ca giữa Mỹ Linh và Hồng Nhung. Sự gặp gỡ của họ trong ca khúc Lắng nghe mùa xuân về đã khiến khán giả trong nhà hát lớn chết lặng. Không một ai có ý khoa trương, không người nào muốn chứng tỏ, đối với họ âm nhạc là sự trân trọng, là sự biết ơn với người đã sáng tác ra nó.
"Cô Bống" Hồng Nhung vẫn là người được nhạc sĩ Dương Thụ đánh giá cao nhất. Đối với ông, cô là người đã mang âm nhạc của Dương Thụ đến gần hơn với khán giả và là người hát hay nhất những ca khúc do ông sáng tác. Khi Hồng Nhung cất tiếng hát, người nghe không chỉ cảm nhận được những tác phẩm của Dương Thụ ở khía cạnh một bài hát mà còn như chạm được vào suy nghĩ của vị nhạc sĩ tài hoa. "Cô Bống" hiểu bài hát và hiểu cả người viết ra nó. Ca khúc Phố mùa đông quen là thế, nhưng phải nghe Hồng Nhung hát, khán giả mới thấy được những cảm xúc da diết, trăn trở của những người xa quê khi nhớ về Hà Nội.
Bất ngờ khi Tùng Dương hết “quái”
Điều bất ngờ nhất trong đêm có lẽ chính là sự xuất hiện của Tùng Dương. Anh dường như biến thành một con người khác, lột xác và vô cùng khác lạ.
Không còn giữ cái vẻ quái chiêu, ánh mắt nguy hiểm và những điệu nhảy như lên đồng được gắn mác, Tùng Dương mặc vest, thả hồn mình trên sân khấu và hát nhạc thính phòng. 8 năm dấn thân vào con đường chuyên nghiệp là quãng thời gian đủ dài để Tùng Dương biết cách thoát xác một cách ngoạn mục. Ai bảo Tùng Dương chỉ biết quái, chỉ thích khác người, anh cũng có lúc cũng sẵn sàng gạt bỏ cái tôi âm nhạc sang một bên để thể hiện sự trân quý đối với người nhạc sĩ sống cả cuộc đời vì âm nhạc.
Nam ca sĩ Tùng Dương
Tùng Dương là ca sĩ được nhạc sĩ Dương Thụ đánh giá cao trong cuộc thi Sao mai điểm hẹn 2004 và ông đã không sai lầm. Dương Thụ chỉ bỏ quên anh trong chương trình Điều còn mãi vì ông cứ ngỡ anh chỉ hợp với những tác phẩm quái trong khi những bài hát của ông lại rất đỗi hiền lành. Điều này khiến Tùng Dương giận dỗi.
Mọi chuyện chỉ được xí xóa khi nhạc sĩ Dương Thụ nghe anh hát nhạc thính phòng trong một chương trình âm nhạc. Cảm xúc lần đó đã thay đổi suy nghĩ của ông và khiến Dương Thụ quyết định mời một kẻ chẳng mấy khi hát nhạc của mình lên sân khấu.
Đến với Những câu chuyện kể của tôi, khán giả mới biết tại sao nhạc sĩ Dương Thụ kiên quyết gọi chương trình của ông là "live concert" chứ không muốn bó buộc nó vào chữ "live show" tân thời. Ông đã giữ đúng lời hứa, mang lại cho khán giả một đêm nhạc đúng nghĩa, một đêm để nghe chứ không phải để nhìn.
Sân khấu không trang hoàng hoành tráng, chỉ có một màn hình chiếu đơn giản với sự xuất hiện của những tấm ảnh về Hà Nội cũ, nhưng sự kết hợp của ban nhạc Anh em, dàn nhạc thính phòng và dàn hợp xướng đã cho khán giả thấy, nhạc sĩ Dương Thụ đã cầu kỳ như thế nào trong đêm nhạc của mình. Sự cầu kỳ, cực đoan của ông chỉ đơn thuần muốn mang đến cho khán giả một đêm nhạc tử tế đúng nghĩa.
“Chuyện kể đời tôi” của Dương Thụ
Không chỉ đem đến cho chương trình một món quà là 50 phút preshow với phần tiệc trà, ký tặng sách (tập tản văn Cà phê... mưa) và chụp hình kỉ niệm cùng khán giả, ông còn đem đến một bất ngờ ở phần cuối chương trình là cuộc nói chuyện tâm tình cùng khán giả và những người bạn trên sân khấu.
Diễn ra trong 40 phút, cuộc nói chuyện không hề được “diễn tập” trước của nhạc sĩ Dương Thụ đem đến nhiều điều thú vị về một chặng đường đời làm nghề của ông.
Vị nhạc sĩ tài hoa rất khiêm tốn khi nói rằng ông rất hạnh phúc khi mọi người đã đến với ông, với một đêm nhạc không hay lắm nhưng tử tế. Ông kể về niềm đam mê âm nhạc rất lớn chảy rần rật trong máu của người nghệ sĩ và kể về niềm hạnh phúc khi ước mơ ngày trẻ đã biến thành sự thật.
Sáng tác cả cuộc đời nhưng Dương Thụ vẫn biết, có nhiều người chỉ nghĩ ông là người thầy thích âm nhạc bởi ông không đi theo con đường âm nhạc ngay từ đầu mà lại gắn bó với nghề giáo. Nhưng sự thật là ông yêu âm nhạc từ bé, yêu và thể hiện tình yêu âm nhạc một cách thầm kín là sáng tác mà không để cho ai biết.
Cuộc sống mưu sinh thời đó cũng đã khiến ông không dám nghĩ mình sẽ trở thành nhạc sĩ vì nhạc sĩ phải là một người thật xuất sắc và thật "ghê gớm". Tự ti là thế nhưng ông cho phép niềm đam mê của mình được ngủ quên. Dương Thụ vẫn âm thầm tìm hiểu về âm nhạc, vẫn sáng tác rồi lén lút giấu đi vì sợ người ta cười.
Mãi cho đến khi gặp được nhạc sĩ Nguyễn Xinh, cuộc đời của ông mới được sang trang khác. Khi nghe Dương Thụ vừa đàn vừa hát ca khúc Bài hát ru đầu tiên, cố nhạc sĩ đã khẳng định Dương Thụ sinh ra để làm nhạc sĩ. Như được tiếp thêm sức mạnh, ông đã quyết định thi vào Khoa Sáng tác âm nhạc của trường nhạc và đã đỗ thủ khoa.
Thế nhưng, con đường của Dương Thụ không xuôi chèo mát mái đến như thế. Thời ấy việc một sinh viên đang học sư phạm lại học trường nhạc là điều không được phép. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp sư phạm cũng là lúc Dương Thụ biết, ông phải tạm dừng đam mê để đi dạy 5 năm nếu không muốn phải hoàn trả đủ số tiền học phí ngay lúc ấy.
Trong thời gian dạy học ở trường, tâm hồn của một người nghệ sĩ như đang bị kìm kẹp, đó hẳn cũng là lý do khiến ông bị đẩy từ đại học xuống dạy phổ thông vì "vô tổ chức". Sau đó, Dương Thụ theo phân công công tác về Tuyên Quang để dạy học sinh cấp ba. 5 năm là quãng thời gian chờ đợi rất dài nhưng chưa đủ để vị nhạc sĩ tài hoa gác lại đam mê của mình. Sau 5 năm dạy học, ông lại quay về và một lần nữa đỗ đầu vào khoa sáng tác.
Giang Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất