10/11/2012 06:15 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Bước sang tuổi 70, tác giả của những ca khúc dịu dàng, sâu lắng: Tiếng sóng, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày, Họa mi hót trong mưa, Tháng Tư về…, trở về Hà Nội trong hai đêm nhạc Dương Thụ - Những câu chuyện kể của tôi, vào ngày 9 và 10/11/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
* Hai, ba năm nay, người ta thấy dường như Dương Thụ “lơ là” với âm nhạc. Nhạc sĩ ra mắt… tập tản văn Cà phê… mưa, rồi làm Giám đốc điều hành “Cà phê Thứ Bảy”, “cà phê” đủ chuyện về văn hóa… Điều gì khiến ông quyết định “trở lại” với công chúng âm nhạc của mình bằng chương trình riêng đầu tiên Những câu chuyện kể của tôi?
- Nói như các bạn trẻ, tôi không thuộc loại “hàng hot” và lại không biết kinh doanh nên không dám tự đứng ra tổ chức đêm nhạc cho riêng mình. Những đêm nhạc của tôi ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong nhiều năm trước đây là do bầu sô hoặc do truyền hình tổ chức. Giờ thì họ… quên tôi rồi. Muốn được “nhớ” thì phải “ăn khách”. Ăn khách với giới trẻ là “nhạc thị trường”, với giới bình dân là “nhạc bolero” với tầng lớp trung lưu sành điệu là “nhạc xưa”. Rất không may là tôi chẳng thuộc vào loại nào cả. Trong vòng hai ba năm nay chỉ có 1 đêm nhạc của tôi do Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ và VTC tổ chức (chương trình Họa mi hót trong mưa tại Nhà hát Lớn Hà Nội) và có 2 album nhạc của tôi do người khác sản xuất: Sundance (lời tiếng Anh, ca sĩ Philipine Arlene Estrella), Bây giờ… biển mùa Đông (ca sĩ Đức Tuấn). Như thế là quá ít so những gì mình có thể làm được. Nhưng nói lơ là với âm nhạc thì chưa đúng. Tôi đã làm với VietnamNet và Nhà hát Giao hưởng chương trình Điều còn mãi (chương trình định kỳ, năm nay là năm thứ tư), với báo Thể Thao & Văn hóa giải âm nhạc Cống hiến (định kỳ vào tháng Tư hàng năm) và từ 2011 trở về trước là với VTV3, chương trình Bài hát Việt, làm một cách tử tế.
Tôi đã bước sang tuổi 70, không còn là Dương Thụ dồi dào sinh lực của 20 năm trước nữa nhưng sự say mê thì vẫn còn. Những câu chuyện kể của tôi là chương trình tự mình làm, không làm để kiếm tiền, không làm để tổng kết sự nghiệp mà làm vì muốn gặp lại công chúng của mình, trò chuyện với họ “cái câu chuyện âm nhạc riêng tư” mà lâu nay chưa có dịp. Nếu ổn thì mỗi năm tôi sẽ “kể chuyện” một lần. Vì tôi có nhiều điều muốn kể. Tôi đã thử làm theo kiểu lập dự án, thấy trên cơ sở những gì đã sáng tác, tôi có thể “kể chuyện” 5 năm nữa (5 chương trình hoàn toàn khác nhau) mới hết cái kho “chuyện kể” ấy đấy.
Nhạc sĩ Dương Thụ trong chương trình Điều còn mãi |
* Ông sẽ kể những câu chuyện gì trong đêm nhạc của mình?
- Trong văn học có thể loại tự truyện, nhạc của tôi cũng đại loại như thế. Tôi không có khả năng kể những “câu chuyện” ngoài mình. Cái riêng tư này khiến tôi không có nhiều người nghe.
Câu chuyện của tôi được kể bằng âm nhạc và tôi không tự kể. Người “kể chuyện” là những nghệ sĩ, những người đã gắn bó với âm nhạc của mình như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, ban nhạc Anh Em với Anh Quân, Huy Tuấn. Cả các anh Bảo Chấn, Quốc Trung cùng những nghệ sĩ mà tôi quý mến như Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh, Trần Thị Mơ (cello), Xuân Huy (violon).
Mỗi bài hát là một câu chuyện. Nó kể điều gì về tôi thì xin được “bí mật”. Lộ trước chắc là mất hay (giống như trước khi xem phim mà ta biết trước câu chuyện và cách kết thúc của nó thì chán lắm).
* Có mạo hiểm không với một chương trình tác giả - tác phẩm như vậy, khi mà hiện nay, dường như số đông khán giả đang thích các cuộc thi hát truyền hình thực tế, nhiều thứ tranh đua vui hơn?
- Tôi không nghĩ đến chuyện mạo hiểm hay không và tôi cũng không dám mơ tới số đông khán giả. Giấc mơ này dành cho các bạn trẻ và các nhạc sĩ nổi tiếng hiện nay. Tôi không thuộc trong số họ.
Tôi có ít người nghe, nhưng không ít tới mức để không thể thực hiện mỗi năm một đêm diễn cho mình tại một nhà hát chỉ có hơn 500 chỗ ngồi. Điều tôi lo lắng là liệu mình có làm được điều mà công chúng của mình kỳ vọng. Chúng ta có lỗi với người nghe nhạc rất nhiều vì những chương trình làm không đến nơi đến chốn. Tôi muốn làm một đêm nhạc tử tế cho những người còn yêu nhạc thực sự, những người không coi âm nhạc là một trò giải trí rẻ tiền.
* Có một thực tế là trong các sân chơi thi hát đang “hot” hiện nay, từ sân chơi thiếu nhi đến sân chơi người lớn, người ta thấy sự lép vế của bài hát Việt Nam. Có người cho rằng thí sinh sính ngoại, hoặc thiếu tìm tòi, lại có người cho rằng lỗi tại bài hát Việt Nam vừa ít vừa kém hay. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
- Lép vế là phải. Vì âm nhạc bây giờ chủ yếu là công cụ để các doanh nhân quảng cáo cho việc bán hàng của mình. Phần còn lại phục vụ cho các nhiệm vụ tuyên truyền. Chỉ tội nghiệp cho những người như bọn tôi, ham làm nghệ thuật, vẫn coi việc làm nghệ thuật là một việc cá nhân, nghiêm túc, thiêng liêng. Hủ lậu như thế, làm sao có thể theo kịp sự đổi mới của thời cuộc, có làm thì cũng bị đẩy lùi vào “bóng tối” bởi các hãng sản xuất không mặn mà. Hoạt động âm nhạc được quyết định bởi những cái khác nên nó bị phụ thuộc. Không độc lập thì lấy đâu ra tự do để tìm tòi sáng tạo, lấy đâu ra bài hát hay để cạnh tranh với nhạc nước ngoài.
* Bài hát Việt Nam từng tạo nên làn sóng xanh nhạc Việt mươi, mười lăm năm trước, trong đó có cả những sáng tác của ông: Cho em một ngày, Vẫn hát lời tình yêu, Đánh thức tầm xuân, Mặt trời êm dịu, Họa mi hót trong mưa,… Theo ông thì điều gì khiến giờ đây bài hát Việt Nam trở nên mờ nhạt, yếu ớt như vậy? Người nhạc sĩ có trách nhiệm thế nào đối với thực tế này?
- Ở nước ta, nhạc sĩ chuyên nghiệp có hàng nghìn (chỉ kể những người được cấp thẻ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam), một lực lượng làm nghệ thuật hùng hậu, nhưng… như tôi đã nói, cũng là thời cuộc cả thôi. Thời cuộc nó cuốn ta đi. Nhạc sĩ cũng là con người, cũng cần miếng cơm manh áo, cũng khát danh vọng địa vị như ai. Từ lâu cái danh hiệu nhạc sĩ là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” chắc chẳng còn mấy ý nghĩa. Đổ lên đầu họ tất cả trách nhiệm về tình trạng hư đốn của âm nhạc Việt Nam e rằng có phần chưa thỏa đáng.
Một khi văn hóa xuống cấp như dư luận đã thừa nhận thì âm nhạc cũng không phải là ngoại lệ. Dù vậy sáng tác âm nhạc cũng không đến nỗi hư hỏng hết như người ta tưởng. Có những dấu hiệu tốt đẹp phía các nhạc sĩ viết nhạc không lời, nhất là những người soạn nhạc trẻ tuổi. Tôi được nghe họ, và làm việc với họ, tôi tin. Âm nhạc phải bắt đầu từ nền móng, từ gốc gác. Không thể chỉ căn cứ vào bài hát nhất là ca từ để mà đánh giá âm nhạc, từ đấy mà thất vọng, mà bi quan được.
* Ông từng tâm sự: Có nhiều thứ ở im trong tôi, ngủ trong tôi, chúng có thể có từ lâu lắm và có thể mới từ ngày hôm qua. Chúng cũng có thể không ở ngày nào cả mà nó được tích tụ, nhào nặn trong suốt thời gian sống để rồi nảy nở thành một cái gì đó và cái gì đó vẫn cứ nằm im, vẫn ngủ. Và một ngày nào đó, một giây phút nào đó do một nguyên cớ nào đó nó được đánh thức, nó cất lên tiếng nói và với tôi nó được hát lên. Có sự “thức dậy” nào từ chương trình Những câu chuyện kể của tôi không?
- Hiển nhiên rồi. Tôi đánh thức tôi. Còn chuyện có “đánh thức” được cái đang “ngủ” trong tâm hồn mỗi người tham gia chương trình và đánh thức được người nghe hay không thì không thể biết.
* Những câu chuyện kể của tôi nằm trong series chương trình tác giả tác phẩm Cửa sổ âm nhạc. Có nghĩa là ông sẽ còn tiếp tục những câu chuyện âm nhạc của mình?
- Như đã trả lời ở trên, đây là chương trình tôi sẽ thực hiện mỗi năm. Có thể mỗi năm một và cũng có thể hơn, cũng có thể là câu chuyện của riêng tôi, cũng có thể là những câu chuyện kể khác của tôi về âm nhạc xoay quanh các tác giả mà tôi yêu mến, ngưỡng mộ, hoặc những chủ đề mà tôi thấy thích thú muốn chia sẻ cùng người nghe. Nhưng trước tiên hãy là chương trình đầu tiên này đã.
* Xin cảm ơn nhạc sĩ. Chúc cho những câu chuyện âm nhạc của ông đến được với đông đảo người nghe.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất