07/11/2012 13:15 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Live show của nhạc sĩ Dương Thụ với sự tham gia của các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội lúc 20h ngày 9-10/11. Đây là live show mở đầu cho loạt chương trình Cửa sổ âm nhạc thực hiện theo dạng “concert”. TT&VH có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Dương Thụ về chương trình này.
>> Đọc các bài viết về nhạc sĩ Dương Thụ tại đây
Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ: “Cuộc đời thật rộng lượng để tôi vẫn có được một số nhạc sĩ và ca sĩ tìm đến. Họ dàn dựng và trình diễn những bài của tôi, điều mà trước đó tôi không bao giờ dám mơ. Và vì thế người nghe biết đến những bài hát của tôi, dù người nghe nhạc tôi không nhiều. Tự nhiên có thêm bạn bè, có người chia sẻ. Với tôi, đấy là một hạnh phúc không dễ gì”.
Viết ca khúc như nhật ký
* Live show của ông sẽ gồm bao nhiêu ca khúc, "Những câu chuyện kể của tôi" có gắn liền với thực tiễn đời sống hiện nay hay chỉ đơn thuần là “những câu chuyện kể”?
- Chương trình của tôi gồm 19 ca khúc, một nửa trong số đó chưa được trình diễn trên sân khấu bao giờ, có những bài rất quen thuộc nhưng cũng có những bài rất lạ lẫm.
Tôi có được cái “tầm” của các bậc nhạc sĩ đàn anh và những bạn bè đồng lứa. Các anh ấy viết về những chủ đề lớn và “viết để hiến dâng cho đời” như cách nói của nhiều nhà phê bình. Âm nhạc của họ phản ánh một đời sống rộng lớn, chứ không quanh quẩn những tình cảm cá nhân như tôi. Tôi biết, nhưng không làm được như họ. Tôi viết như một tình tự, như một giấc mơ nho nhỏ về tình người dịu dàng, đằm thắm.
Viết, giống như người ta viết nhật ký chứ không để gửi đi thông điệp về những vấn đề chính trị xã hội lớn lao. Đó chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể về nội tâm của một người bình thường, như bao người bình thường khác. Nhạc như thế, đương nhiên là ít được biết đến.
Ảnh: Việt Cường |
* Live show sẽ được làm theo dạng concert, theo ông những yếu tố nào để bảo đảm cho một concert thành công? Trong điều kiện của Việt Nam như hiện nay nó sẽ “thành công” ở mức độ nào?
- Vì là concert nên không có các chiêu trò để hấp dẫn khán giả. Yếu tố để đảm bảo thành công là chất lượng tác phẩm, chất lượng dàn nhạc, chất lượng ca sĩ và tất cả sẽ bằng không nếu âm thanh tồi tệ. Khán giả đến để nghe nhạc, chứ không phải để xem nhạc. Vì thế những gì liên quan đến việc nghe phải thật tốt. Trong điều kiện nghe ở Việt Nam hiện nay chúng ta phải chấp nhận việc dù có cố gắng đến chừng nào thì khó lòng có thể có được thành công mỹ mãn. Bao nhiêu năm nay chúng ta chưa xây dựng được một thính phòng nào đạt tiêu chuẩn về âm thanh, có mỗi Nhà hát Lớn Hà Nội xây từ đầu thể kỷ 20 cũng không còn phù hợp nữa.
Do những thói quen nghe nhạc mới là thích to, thích “hoành tráng”, quen nghe âm thanh điện tử được khuếch đại quá cỡ nên ngưỡng cảm giác đã thay đổi. Các sắc thái từ nhẹ (mp trở xuống), người nghe không cảm thụ được. Nhỏ nhất là phải từ mf (vừa phải) trở lên. Cả hai điều trên đã phá hỏng “lỗ tai âm nhạc” của công chúng và khiến các ca sĩ và nhạc công đánh mất sự tinh tế khi trình diễn. Trong live concert Những câu chuyện kể của tôi biên chế dàn nhạc khá phức tạp: Ban nhạc Anh Em + Dàn nhạc thính phòng + Dàn hợp xướng nên việc cân chỉnh âm thanh vô cùng khó khăn, chỉ mong đạt 50% yêu cầu là được rồi.
Để cân bằng đời sống âm nhạc
* Không gian âm nhạc, In The Spotlight cũng là những chương trình theo dạng concert, theo ông những điều mà các chương trình này đã và chưa làm được là gì?
- Tôi được xem ba chương trình của In The Spotlight. Còn Không gian âm nhạc thì chưa, nên chỉ nhận xét những cái đã xem rồi.
Live show của Mỹ Linh do họ làm trên phương diện để nghe so với mặt bằng hiện nay là ổn nhất, chúng ta đã nghe được cái cần nghe. Còn lại cũng có cái chưa ổn lắm. Ban nhạc đánh lớn quá, và cân chỉnh âm lượng giữa phần nhạc đệm với giọng ca, giữa các bè của dàn nhạc và giữa các nhạc cụ là chưa thật tốt. Tiếng trống và tiếng bass thay vì làm một âm thanh nền, đôi khi nó đè lên tất cả, ca sĩ bị cuốn theo, đôi chỗ nghe họ hát mà như là đang gào lên.
Tôi thường nói đùa: “Đi nghe nhạc ở ta, âm thanh ở phòng trà to như ở nhà hát, âm thanh ở nhà hát to như ở tụ điểm, còn âm thanh ở tụ điểm to như... ngoài sân vận động”. Có lẽ đấy chính là cái chưa được nhất.
* Chương trình Cửa sổ âm nhạc (mà số đầu tiên là live show của ông) sẽ được thực hiện với ý tưởng xuyên suốt như thế nào và ông kỳ vọng gì vào chương trình này?
- Tôi muốn cùng với ê kíp của mình tham gia vào đời sống âm nhạc bằng serie chương trình Cửa sổ âm nhạc, làm theo kiểu concert, ở đó âm nhạc đóng vai trò chủ đạo. Mỗi năm tôi mở một “cửa sổ”. Những gì tôi muốn công chúng “nhìn thấy” chính là những tác giả, tác phẩm mà tôi yêu mến. Tôi muốn chia sẻ tình yêu âm nhạc của mình với khán giả để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của họ, những người nghe có quan niệm và sở thích âm nhạc giống tôi.
Sở thích và quan niệm về âm nhạc cũng rất nhiều vẻ. Các anh Việt Tú (Không gian âm nhạc), Hồng Kiên (In The Spotlight), Huy Tuấn (Âm nhạc trên tầng cao) đã làm được những chương trình theo sở thích cũng kiểu concert rất thú vị. Tôi mong có nhiều người làm hơn nữa để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức ngày càng phong phú của công chúng. Được như vậy, đời sống âm nhạc sẽ trở nên cân bằng hơn.
* Ông có nghĩ rằng, âm nhạc càng nhiều “nghệ thuật”, thì càng ít “đại chúng”?
- Âm nhạc của Bach là nghệ thuật đỉnh cao nhưng có mấy người thích. Tranh Picasso, hay tiểu thuyết của Dostoievsky cũng vậy, liệu có mấy người hiểu. Nhưng âm nhạc, hội họa và văn chương của họ đã đóng góp cho nhân loại những giá trị thật to lớn. Chắc chắn nghệ thuật ở tầm mức như thế là ít tính đại chúng. Sự sáng tạo nghệ thuật không thể dễ dãi, nên một tác phẩm giàu tính nghệ thuật, muốn hiểu nó ta phải có trình độ. Tính đại chúng ở đây phản ánh mặt bằng văn hóa phổ thông, nó không liên quan gì đến văn hóa “đỉnh cao”. Không nên coi nó là một vấn đề để đánh giá nghệ thuật nói chung. Mỗi khu vực đều có những giá trị khác nhau. Cái ít của khu vực này không phải là cái ít của khu vực kia và ngược lại. Âm nhạc đại chúng và âm nhạc nghiêm túc là ở những khu vực khác nhau nên cũng vậy thôi.
* Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Dương Thụ-Những câu chuyện kể của tôi mở đầu cho serie chương trình tác giả-tác phẩm Cửa sổ âm nhạc do Công ty Mây + Mây tổ chức. Đây không chỉ là một chương trình biểu diễn âm nhạc mà còn tạo không gian giao lưu giữa khán giả với tác giả và các nghệ sĩ. Preshow Cà phê với nghệ sĩ sẽ được diễn ra 50 phút trước giờ mở màn chính thức chương trình biểu diễn (từ 19h-19h50) dành cho toàn bộ khán giả tham dự, tại sảnh trước khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình hội tụ những nghệ sĩ từng gắn bó với nhạc sĩ Dương Thụ trong suốt quá trình hoạt động âm nhạc của ông: các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo cùng Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh và ban nhạc Anh Em, Dàn nhạc thính phòng, Dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia. Chương trình được thực hiện bởi đội ngũ làm nghệ thuật chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm. Giám đốc nghệ thuật, Biên tập và kịch bản âm nhạc: nhạc sĩ Dương Thụ; Đạo diễn sân khấu: Việt Tú; Dàn dựng âm nhạc: Anh Quân, cùng các nhạc sĩ: Bảo Chấn, Quốc Trung, Huy Tuấn; nghệ sĩ violin Xuân Huy, nghệ sĩ cello Trần Thị Mơ…; Âm thanh: Nhất Lý; Ánh sáng: Siryl Lebrozec… |
Hữu Trịnh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất