Lilama nhận chuyển giao SLNA: Đầu tư bóng đá hay cú áp phe kinh tế?

27/03/2009 11:15 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Đã từng có lời tuyên bố Lilama sẽ tiến hành lễ kí hợp đồng với SLNA vào ngày 28/02/2009 khiến CBNV, cầu thủ và cả CĐV của đội bóng xứ Nghệ mừng hớn hở, nhưng rồi ngày đó đã trôi qua mà trên SVĐ Vinh vẫn chưa thấy một tấm biển nào mang tên Lilama.
 
 
Mấy ngày nay, thông tin cái tên SLNA sẽ gắn với hai thương hiệu Lilama, SHB lại rộ lên và có người mạnh miệng tuyên bố đầu tháng 4, Lilama và SLNA sẽ chính thức kết duyên? Thế nhưng thực tế là UBND tỉnh Nghệ An vẫn chưa dám quyết mà đẩy “quả bóng” lên cho Thường vụ Tỉnh uỷ. Lý do gì mà một “cô gái” đang rất cần một “người chồng” nhưng “bố mẹ” vẫn chưa chịu chấp nhận “chàng rể” đang theo đuổi? Tìm hiểu kỹ hoá ra “chàng rể” muốn cưới “cô gái” đâu phải chỉ vì “yêu”!?

Yêu sách gây sốc của “chàng rể”!

Khi ngỏ lời “kết duyên” với SLNA, Lilama đưa ra những hứa hẹn hết sức hấp dẫn, nào là đầu tư cho SLNA mỗi năm 25 tỷ đồng, xây dựng một trung tâm thể thao tầm cỡ quốc tế, liên kết với CLB bóng đá nổi tiếng của Italia là Inter Milan để đào tạo cầu thủ trẻ, bỏ tiền ra để đưa tất cả những tài năng bóng đá xứ Nghệ đã ra đi trở về khoác áo đội bóng quê hương, biến SLNA thành một “con rồng” thực sự v.v…

Tuy nhiên, bên cạnh đó Lilama cũng đưa ra một số đề nghị về chính sách ưu đãi khi đầu tư kinh doanh trên địa bàn Nghệ An. Trong đó có việc chuyển giao quyền sử dụng 40ha đất ở Nghi Phú - thành phố Vinh mà UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt qui hoạch xây dựng đại bản doanh mới cho CLB bóng đá SLNA trước đó, ngoài ra Lilama đề nghị thuê dài hạn khoảng 100 - 150 ha đất ở thị xã Cửa Lò để xây dựng một khu thương mại, du lịch và trung tâm thể thao tầm cở quốc tế, đặc biệt nhất quyết phải lấy bằng được “mảnh đất vàng” hơn 6000m2 ở ngã tư chợ Vinh và mảnh đất gần 4000m2 ở ngã tư Ga Vinh.

Với yêu cầu chuyển giao 40ha đất ở Nghi Phú để xây dựng đại bản doanh CLB SLNA thì UBND tỉnh Nghệ An dễ dàng chấp nhận, nhưng hai “mảnh đất vàng” thì trước đó đã có quyết định cho nhà đầu tư khác thuê dài hạn, bởi vậy cuộc thương lượng giữa hai bên bị bế tắc và kế hoạch làm lễ ký hợp đồng tài trợ vào đúng ngày kỷ niệm 30 năm thành lập đội bóng SLNA (28/02) không được thực hiện.
 
Lilama đứng tên chính thức trong cuộc chuyển giao SLNA nhưng chỉ góp số vốn quá khiêm tốn.

Cũng đã có những ý kiến đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi lại hai “mảnh đất vàng” để chuyển giao cho Lilama, nhưng làm như vậy là vi phạm quy định của Chính phủ, bởi vậy người ta đã thành lập một đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư đối với hai mảnh đất này để xem xét nếu có điều vi phạm, ví dụ như triển khai chậm so với thời hạn qui định sẽ lấy lý do thu hồi.

Tuy nhiên, hai nhà đầu tư nói trên cũng không phải “gà mờ”, họ đã từng phải “chiến đấu” trước hàng chục doanh nghiệp cỡ “đại gia” để giành quyền sử dụng hai “mảnh đất vàng” đó thì không dễ gì để rơi vào tay kẻ khác. Cuối cùng UBND tỉnh Nghệ An đưa ra gợi ý Lilama tự đàm phán thoả thuận với hai nhà đầu tư trên để chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc liên kết đầu tư.

Đối với yêu cầu thuê 100 – 150ha đất ở thị xã Cửa Lò thì trong bản đồ quy hoạch hiện nay chẳng có mảnh đất nào rộng được như vậy để cho Lilama thuê, bởi vậy UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Lilama phối hợp với UBND thị xã Cửa Lò khảo sát nếu có mảnh nào vừa ý thì tiến hành đấu giá thuê đất theo luật định. Chưa hài lòng với cách giải quyết đó, Lilama lại đề nghị một mảnh đất khoảng 40ha mặt tiền đại lộ Lê Nin, nhưng mặt tiền của trục đường chính ra sân bay này hầu hết đã có chủ và không còn mảnh nào rộng 40ha như yêu cầu.

Theo gợi ý, gần đây Lilama đã chuyển hướng sang một dự án rất lớn là đầu tư xây dựng Trung tâm thị chính của Nghệ An. Đây là một dự án có thể lên đến hàng nghìn tỉ đã được phê duyệt từ lâu nhưng Nghệ An chưa đủ kinh phí để thực hiện. Yêu sách lần này của Lilama là sau khi xây dựng xong Trung tâm thị chính, các mảnh đất và trụ sở Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An và một số mảnh đất hiện nay của các cơ quan nằm trong dự án di dời như Sở VH-TT-DL ở mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai… sẽ được chuyển quyền sử dụng cho Lilama.

Như vậy, nếu phương án này được thực hiện, Lilama sẽ ôm một loạt đất mặt tiền nằm trên hầu hết các trục đường chính của thành phố Vinh. Tất nhiên, các vấn đề trên nếu được thực hiện đều phải làm theo đúng qui định của Nhà nước. Chỉ có một số vấn đề khiến lãnh đạo Nghệ An đang băn khoăn là hiện nay tỉnh không có nhiều sự lựa chọn, ngoài Lilama không có một nhà đầu tư nào khác nhảy vào để tổ chức đấu thầu dự án.
 

 
SLNA sẽ thành sân sau của T&T HN, SHB.ĐN?

Một số vấn đề mà UBND tỉnh Nghệ An đang băn khoăn nên chưa dám quyết là: Liệu Lilama có thực sự tâm huyết với việc đầu tư vào bóng đá? Bởi vì sau khi nhận chuyển giao SLNA và tiến hành chuyển đổi thành công ty cổ phần trực thuộc, Lilama có quyền giải thể cái công ty con đó bất cứ lúc nào nếu nhận thấy nó hoạt động không hiệu quả.

Hơn nữa trong cái kế hoạch và đề án chuyển giao SLNA này, thực chất phía Lilama chỉ góp vốn 5 – 15%, còn lại chủ yếu là tiền đầu tư của SHB và T&T (do SHB và T&T đã gắn thương hiệu với CLB bóng đá SHB.Đà Nẵng và T&T Hà Nội nên phải đi vòng qua con đường Lilama). Bởi vậy chính các CĐV xứ Nghệ cũng lo rằng SLNA sẽ biến thành “sân sau” của hai đội bóng nói trên.
 
Nếu Lilama – SHB trở thành chủ sở hữu SLNA, có gì bảo đảm T&T HN (trái) và SHN.ĐN sẽ không hưởng lợi từ thương vụ này?

Tuy nhiên sau một thời gian khá dài đàm phán, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã thông qua và làm văn bản xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh uỷ. Trong văn bản này, bên phía UBND tỉnh cũng nói rõ vấn đề cần thiết chuyển giao CLB bóng đá SLNA cho doanh nghiệp, đồng thời cũng nêu lên những vấn đề còn băn khoăn nói trên.

Theo bản đề án chuyển giao SLNA cho Lilama đã được UBND tỉnh Nghệ An thông qua, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, CLB bóng đá SLNA sẽ được đổi tên thành Công ty cổ phần thể thao SHS, tên đội bóng sẽ là Lilama SHB SLNA. UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành định giá tài sản của CLB và chuyển giao toàn bộ đội bóng, con người cho Lilama.

Sân Vinh vẫn thuộc quyền sử dụng của Sở VHTT&DL Nghệ An, nhưng để cho Lilama SHB SLNA mượn miễn phí làm sân thi đấu và tập luyện; việc nâng cấp, sửa chữa SVĐ bên phía Lilama SHB SLNA có quyền thực hiện, nhưng phải bàn bạc trước với Sở VH-TT-DL và trong khuôn khổ cho phép. UBND tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ cho cho Lilama SHB SLNA trong vòng 3 năm, riêng năm 2009 hỗ trợ 9 tỷ đồng, năm 2010 và năm 2011 hỗ trợ mỗi năm 5 tỷ đồng.

Thế nhưng, ngay trong đội ngũ lãnh đạo UBND tỉnh và Tỉnh uỷ Nghệ An hiện nay cũng còn có nhiều ý kiến chưa thật sự thống nhất, có người đề nghị cần phải tổ chức một chuyến đi công tác vào Đà Nẵng và Bình Dương để tham khảo mô hình của hai địa phương này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Lilama là doanh nghiệp đứng ra nhận chuyển giao SLNA tại sao lại chỉ góp số vốn ít ỏi? Phải chăng đây chỉ là một áp phe kinh tế, nhận thấy cái máu bóng đá của người dân xứ Nghệ nên Lilama, SHB và T&T đã nhân dịp SLNA đang khốn khó để nhảy vào với mục đích kinh doanh bất động sản và thương mại? Liệu sau khi chuyển giao SLNA có thực sự trở thành “con rồng” đúng nghĩa hay chỉ là “rồng giấy”?

Hoàng Hảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm