Ngày hội âm thanh Hà Nội 2011: Sẽ không quá khó nghe

14/04/2011 14:17 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Liên hoan âm nhạc điện tử quốc tế Hà Nội hay tên gọi chính thức của chương trình Ngày hội âm thanh Hà Nội 2011 (Hanoi Sound Stuff Festival 2011) sẽ diễn ra từ 18h đến 23h các ngày 15 & 16/4/2011 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, số 2 phố Hoa Lư, Hà Nội.

Tổ chức thường niên từ 2008, năm nay là lần thứ 4 sự kiện diễn ra với sự tham gia của hơn 20 nghệ sĩ đến từ các nước Đức, Pháp, Áo, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Không như mọi năm chỉ tập trung về âm nhạc mang thông điệp xã hội, môi trường, năm nay liên hoan sẽ thiên về âm nhạc thị trường nhiều hơn nhằm tạo sự gần gũi với công chúng còn đang cảm thấy mới mẻ với thể loại âm nhạc này.

Trước thềm liên hoan, TT&VH đã có buổi trò chuyện với Trí Minh, một trong những người đã tạo dựng nên chương trình này.

Âm nhạc điện tử - mô hình âm nhạc phi truyền thống

Nhạc sĩ Trí Minh

* Âm nhạc điện tử là một thể loại mới nên cũng khó “vào tai”?

- Âm nhạc điện tử là thể loại đặc biệt, kén khán giả. Chúng tôi xây dựng nên Hanoi Sound Stuff để tạo môi trường hoạt động cho các nghệ sĩ độc lập tại Việt Nam cũng như các nghệ sĩ nói chung được kết hợp với nhau. 3 năm qua, mỗi lần tổ chức, chương trình đều có sự kết hợp đa ngành đa nghề, không chỉ là âm nhạc.

Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay âm nhạc sẽ có cách trình diễn gần gũi với công chúng hơn, một phần nào đó sẽ không quá khó nghe và các thể loại âm nhạc có sự thỏa hiệp, các phần trình diễn sẽ đặc biệt bởi sự hòa tấu về các loại âm thanh. Chúng tôi mong muốn những chương trình như vậy sẽ giúp công chúng Việt Nam có thể tiếp cận với một mô hình âm nhạc phi truyền thống bởi Việt Nam còn quá nặng về nhạc pop trong khi họ có thể biết đến và thưởng thức nhiều thể loại âm nhạc khác.

* Âm nhạc điện tử đến Việt Nam từ bao giờ và sự phát triển của nó cho đến nay đã có những gì đáng chú ý?

Chương trình sẽ diễn ra từ 18h đến 23h các ngày 15 và 16/4 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ, số 2 Phố Hoa Lư, Hà Nội. Ngày 15/4 có các tiết mục biểu diễn của nhóm Coma (Đức), DJ Kruise, Hà Okio, Lương Hệ Trinh, Trí Minh, Trịnh Minh Hiền (Việt Nam), Nhóm Space360 & Horn (Thailand), Charlotte Bendiksen (Na Uy). Ngày 16/4 có Giang Noise, Vũ Nhật Tân (Việt Nam), Timeart Ensemble (Đức), Silvouplay (Pháp), Hans Kulisch (Áo), Raysoo (Malaysia).

- Đầu thế kỷ 20, trên thế giới đã có âm nhạc điện tử nhưng phải đến những năm 1960-1970 mới nở rộ khi công nghệ máy tính phát triển. Ở Việt Nam, giữa những năm 1990 các nghệ sĩ tên tuổi xuất hiện trong thể loại này có thể kể đến như Quốc Trung, Nguyễn Trung Sơn (Sơn X), Nguyễn Văn Cường, Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân. Những năm đó tôi còn đang chơi jazz, sau đó mới chuyển sang âm nhạc điện tử. Được sự hỗ trợ của Hội đồng Anh, Viện Goethe tôi bắt đầu có những thể nghiệm kết hợp với các nghệ sĩ Việt Nam để ra đời những tác phẩm ở thể loại này. Cho đến 2004 - 2005 tôi đã được mời trình diễn ở các sự kiện.

Cho đến thời điểm này, tôi có thể nói sự phát triển của âm nhạc điện tử Việt Nam còn khiêm tốn. Nguyên nhân là vì thiếu sự định hướng của Nhà nước. Những nghệ sĩ đi tiên phong chỉ là hạt mầm, còn Nhà nước là sự đầu tư, chăm bón nên vai trò định hướng của Nhà nước rất quan trọng. Thiếu sự hỗ trợ này, âm nhạc điện tử vẫn phát triển được nhưng rất hạn chế.

Đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc điện tử

* Để tổ chức liên hoan định kỳ hàng năm, anh đã mời các nghệ sĩ nước ngoài đến tham gia chương trình như thế nào?

- Trước khi bắt đầu tổ chức được festival từ 2008, có hai khó khăn mà chúng tôi gặp phải. Thứ nhất là về kinh phí. Nhưng điều này có thể vượt qua. Cái khó thứ hai là về vị thế. Bởi thực tế, trên mặt bằng chung thế giới, âm nhạc điện tử Việt Nam chẳng có gì để làm tin. Chính vì thế, 3 - 4 năm qua là một khoảng thời gian khó khăn để chúng tôi xây dựng quan hệ khi mời các nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam.

Nhóm Silvouplay ( Pháp) sẽ trình diễn tại Hà Nội.

Từ 2006 - 2007, tôi may mắn có cơ hội được cử đi tham dự các festival lớn trên thế giới để giao lưu, học hỏi cũng như quảng bá âm nhạc, hình ảnh Việt Nam dưới sự bảo trợ của Hội đồng Anh, Viện Goethe. Đây là những tổ chức có khả năng đảm bảo về mặt tên tuổi nên mọi việc cũng diễn ra suôn sẻ hơn. Qua trao đổi trực tiếp và gián tiếp với các nghệ sĩ trên thế giới thì họ đã ủng hộ cho hoạt động âm nhạc điện tử nói riêng cũng như với âm nhạc nói chung ở Việt Nam.

Năm nay, nghệ sĩ nước ngoài tham gia festival không nhiều, và tuy chỉ diễn ra trong hai ngày nhưng họ đều là những nghệ sĩ giỏi và chơi những tác phẩm nổi tiếng.

* Và có phải để tạo dựng một hình ảnh mang tính biểu tượng trong âm nhạc Việt Nam khi tham dự các festival quốc tế nên anh đã đưa các chất liệu âm thanh cũng như âm nhạc dân gian Việt Nam vào trong các phần trình diễn của mình?

- Đúng vậy. Với 100 nghệ sĩ chơi nhạc điện tử thì cả 100 người đều giống nhau. Vậy sự khác biệt ở đây là gì? Vì thế, tôi mới đưa chất liệu âm nhạc hay “không gian âm thanh Việt Nam” vào tác phẩm. Năm 2009, tôi có một kỷ niệm rất sâu sắc khi diễn ở bên Pháp. Bởi khi nghe tác phẩm Âm thanh Hà Nội của tôi, nhiều người Việt Nam xa quê hương từ rất lâu đã xúc động khi nghe thấy những âm thanh quen thuộc trong cuộc sống đời thực ở Việt Nam. Điều đó khiến cho tôi thấy bản sắc mình đang làm là phù hợp với thời đại vì gợi cho người ta cảm nhận được không gian âm thanh, âm nhạc Việt Nam.

Ở một festival khác tại Đức thì tôi sử dụng chất liệu ca trù của cô Phạm Thị Huệ và tiếng đàn cổ. Tôi nghĩ, âm nhạc điện tử sử dụng không gian âm thanh, những yếu tố đặc sắc của âm nhạc Việt Nam sẽ phát triển theo mặt bằng chung của thế giới nhưng nó cần có thời gian, phải là một quá trình lâu dài, từ chính những thể nghiệm hiện tại.

* Vậy làm thế nào để âm nhạc điện tử trở nên quen thuộc và gần gũi hơn trong cộng đồng?

- Mỗi sản phẩm văn hóa ra đời, công chúng sẽ đón nhận một cách dịch chuyển theo khối thời gian và định hướng. Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy này. Ví dụ, trước đây người ta thích nghe nhạc Hàn nên nhạc Hàn phát triển, sau đó họ lại thích nhạc Việt Nam chế biến theo kiểu Hàn nên nhạc Việt Nam kiểu Hàn sẽ phát triển. Như vậy, thời điểm này, âm nhạc của tôi có thể thịnh hành nhưng rồi sẽ có những thay đổi. Việt Nam đang chạy chậm hơn dòng chảy của âm nhạc thế giới. Sự phát triển âm nhạc thế giới theo hình xoắn ốc và càng ngày nó càng nở rộng ra, từ pop/rock, hip-hop đến giờ rất đa dạng, và một xu hướng mới nữa sẽ đến, đó là không nghe nhạc theo một dòng nhạc nào, mà nghe theo playlist (danh sách những bài hát mà bạn yêu thích).

Còn để làm thế nào âm nhạc điện tử hay bất kỳ một thể loại âm nhạc nào có được sự đón nhận của đông đảo công chúng tôi nghĩ cần có 2 yếu tố. Người nghệ sĩ phải có trách nhiệm với tác phẩm của mình, phải có định hướng. Công chúng thì cần có sự tìm hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng hơn. Có được hai điều kiện đấy, người nghệ sĩ mới đến được với công chúng. Khi đó, người nghe đạt đến trình độ tiếp nhận được và người biểu diễn thì có đẳng cấp bởi có thể trình diễn được những cái mình muốn thể hiện mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của công chúng.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

“Âm nhạc có thể sử dụng bất cứ phương tiện kim cổ nào để phục vụ cho ý đồ tác phẩm, không có phong cách hay trường phái nào kém mà quan trọng là tác giả và tác phẩm đó có thành công trong việc mang lại cảm xúc cho khán giả hay không” (Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng).

Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm