09/02/2019 07:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Ngoại trừ HAGL và SHB Đà Nẵng, 12/14 đội bóng ở V-League 2018 đã và đang sử dụng các SVĐ cũ từ thời bao cấp, với nhiều sân bóng có tuổi đời lên đến vài chục niên. Sự cũ kỹ, lạc hậu về cơ sở hạ tầng phục vụ thi đấu bóng đá là một trong những rào cản cho sự phát triển của môn thể thao vua tại Việt Nam.
Điều này phải thay đổi, nhưng chắc chắn khó thể đến trong ngày một ngày hai. Sân Hàng Đẫy (đã hơn 60 tuổi) đi tiên phong, sau khi quyết định bàn giao – xây mới được lãnh đạo thành phố Hà Nội thông qua.
Từ cuộc cách mạng mặt cỏ…
Mùa đầu tiên chơi trên mặt sân mới của Hàng Đẫy (sau khi được đại tu), CLB Hà Nội đã vô địch V-League 2018 trước 5 lượt trận, bằng một thứ bóng đá đầy quyến rũ. Trước đó, SHB Đà Nẵng cũng 2 lần đăng quang ở Chi Lăng (2009 và 2012), khi sân bóng này được cải tạo kể từ sau bão Xangsane 2006. SLNA cũng lần đầu tiên lên ngôi sau 10 năm ở chảo lửa thành Vinh, khi các khán đài được lắp ghế và mặt sân được làm mới… Trong khi đó, sân Bình Dương vẫn được xem là thảm đấu chất lượng bậc nhất Việt Nam từ 10 năm qua, bằng với 4 chức vô địch mà đội bóng đất Thủ sở hữu.
Một đội bóng tỉnh lẻ như Nam Định vẫn có thể thăng hoa (giai đoạn 2003 – 2006), khi sân bóng kiểu mẫu như Thiên Trường được đưa vào sử dụng và hệ thống Trung tâm đào tạo trẻ 5 - 6 sân tập đạt chuẩn. “Mặt cỏ tốt giúp ích rất nhiều cho cầu thủ, từ việc thực hiện các động tác bóng theo ý muốn, đến việc triển khai ý đồ chiến thuật. Tôi đã từng thăng hoa ở Nam Định hay Bình Dương, đấy là từ tốc độ và kỹ thuật ra chân. Nó không thể đến, nếu bóng trượt trên mặt cỏ như đám ruộng. Đấy là điều chắc chắn”, cựu tiền đạo Amaobi nói.
Sau Hòa Xuân ở Đà Nẵng, kế đến là Hàng Đẫy của Hà Nội, thì mới đây sân Thống Nhất đã được đưa vào sửa chữa – làm mới hoàn toàn mặt sân, cũng như các phòng chức năng. Nhà đầu tư (Thái Lan) tài trợ hoàn toàn miễn phí cỏ và việc thi công cho sân bóng. Cốt nền sân Thống Nhất đã trải qua hàng thập kỷ bị lèn, khiến cho mặt sân mất khả năng tự thoát nước (ngấm vào đất). Sân Thống Nhất hiện đang là sân nhà của 2 trong số 14 CLB dự V-League là TP.HCM và Sài Gòn FC. Cuộc cách mạng mặt cỏ đang âm thầm diễn ra.
Chất lượng mặt cỏ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chuyên môn của bóng đá, ở đây là các trận đấu đỉnh cao. Nên, muốn có một sản phẩm bóng đá tử tế, thì yếu tố đầu tiên quan trọng chính là cái mặt sân, không phải đám ruộng. Từ sân tập đến sân thi đấu. Ngay từ các tuyến trẻ, cũng cần phải được tập trên mặt cỏ đạt chuẩn, bởi những động tác kỹ thuật uốn nắn từ những ngày đầu tiên là rất quan trọng. HAGL không thể có một thế hệ tài năng, kỹ thuật hoàn hảo, nếu họ không xây dựng Học viện bóng đá chuẩn 5 sao ở Hàm Rồng 2007.
Từ La Liga, đến Bundesliga, Premier League, J-League, K-League và gần chúng ta nhất là Thai Premier League…, chúng ta thấy được hiệu ứng tuyệt vời trên các sân bóng, với hình ảnh CĐV cuồng nhiệt, hiệu ứng truyền hình và các trận đấu chất lượng. Ngoài yếu tố con người (chất lượng cầu thủ, công nghệ sản xuất giải đấu…), thì cuộc cách mạng đều bắt đầu từ việc cải tạo mặt sân, cơ sở hạ tầng, từ phòng thay đồ đến đường hầm dẫn ra thảm đấu… Ở đó, người ta yêu và nâng niu cái mặt sân, nói không ngoa, còn hơn cả… mạng sống của họ.
Đến nâng tầm V-League
Theo tính toán của nhà tổ chức Wake-up 247 V-League 2019, sẽ xuất hiện một nhà tại trợ chính thức khác thay cho Nuti Café (NutiFood). Đó sẽ là một doanh nghiệp trong nước. Nhưng suy cho cùng, đấy cũng giống như việc “ăn đong”. Một giải đấu như V-League mà không thuyết phục được các tập đoàn kinh tế lớn tầm cỡ thế giới tham gia, thì đấy chính là chúng ta còn kém, chưa phát huy hết năng lực. Toyota tài trợ cho Thai Premier League số tiền gấp 3 – 4 lần tài trợ cho V-League, chúng ta phải đặt câu hỏi tại sao và giải quyết bài toán ấy.
Nguồn lực xã hội đầu tư cho bóng đá, cũng như hệ thống các giải đấu, chỉ là điều kiện cần – thuận lợi, không phải yếu tố quyết định. Khâu đào tạo trẻ, nguồn nội lực và ngoại lực, công nghệ sản xuất vẫn là những nhân tố cốt lõi. Khi đào tạo trẻ ở Việt Nam mới thực sự được ý thức từ khoảng 5 – 7 năm đổ lại, và cũng chưa phát huy hết tiềm lực, tức là nội lực chưa thể tự cường, thì chúng ta lại chủ động từ bỏ nguồn ngoại lực, từ chất xám đến nhân lực, bằng việc hạn chế suất đăng ký ngoại binh/CLB ở V-League và giải hạng Nhất quốc gia.
Tính cạnh tranh ở V-League giảm thiểu, chất lượng chuyên môn của các trận đấu đi xuống và năng lực chinh phục của các đại diện Việt Nam khi bơi ra đấu trường quốc tế (AFC Champions League và AFC Cup) cũng bị hạn chế, bởi nguồn ngoại lực (ngoại binh trong đội hình).
V-League và giải hạng Nhất quốc gia, cũng như Cúp quốc gia, chỉ là bề nổi, là phần ngọn của nền bóng đá, trong khi để có sự phát triển đồng bộ, thì chân đế từ bóng đá phong trào, học đường và đào tạo trẻ (tức hệ thống ngoài chuyên nghiệp)…, cũng phải được mở rộng. Hiện tại, bóng đá phong trào Việt Nam đang rất nở rộ, nhưng tại hệ thống các giải bóng đá quy chuẩn như hạng Nhì, hạng Ba, hạng Tư quốc gia lại thiếu đội chơi. Nó khiến cho đầu ra là giải chuyên nghiệp hay các đội tuyển quốc gia thiếu đi những lựa chọn, từ đó dẫn đến tính cạnh tranh càng thấp.
V-League 18 năm tuổi đã từng trải qua giai đoạn cực thịnh (nguồn tiền đổ vào và chất lượng chuyên môn của các trận đấu – giải đấu), nhưng nó lại rơi vào khoảng thời gian trước khi VPF ra đời. Đấy là giai đoạn 2006 – 2009. Ngay lúc này, với hiệu ứng tốt mà các đội tuyển quốc gia mang lại, nếu không tranh thủ thu hút nguồn lực phát triển – nâng tầm giải đấu cao nhất xứ sở, thì còn đợi đến bao giờ?!
Theo thống kê của BTC V-League, trong khoảng 7 năm đổ lại, lượng khán giả đến các sân bóng vào mỗi cuối tuần trung bình là 7 – 8 ngàn người/trận. Thai Premier League khá hơn (chừng 10 ngàn người/trận), nhưng tại sao và như thế nào, hiệu ứng hình ảnh của họ lại tốt hơn chúng ta? Ngoài văn hóa cổ động (sự cuồng nhiệt, bài bản của các Hội nhóm CĐV trên khán đài), thì đấy là bởi họ có những SVĐ rất vừa “size”, giúp cho các khoảng trống trên khán đài được bao phủ. Theo giới quan sát, ở cấp CLB tại Việt Nam, thì sức chứa của SVĐ rơi vào tầm 7 – 12 ngàn người là vừa phải, hoành tráng quá lại phản tác dụng. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất