22/09/2023 19:02 GMT+7 | Giải trí
Liên hoan Phim (LHP) Tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 13 sẽ diễn ra từ hôm nay (22/9) và kéo dài đến 28/9 tại Hà Nội và TP.HCM với sự tham gia của 8 quốc gia, gồm: Anh, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Phần Lan, Bỉ (Phái đoàn Wallonie-Bruxelles) và nước chủ nhà Việt Nam. Tiếp nối thành công của các kỳ trước, LHP Tài liệu lần này là hoạt động giao lưu văn hóa đặc sắc với điểm nhấn cơ bản là hành trình hợp tác của Việt Nam với các quốc gia trong lĩnh vực phim điện ảnh tài liệu.
19 tác phẩm điện ảnh tài liệu đặc sắc được chiếu tại LHP, trong đó có 7 phim nước ngoài, 12 phim Việt Nam (9 phim của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và 3 phim tác giả độc lập). Mỗi buổi chiếu, khán giả được xem 2 phim tài liệu (1 phim nước ngoài và 1 phim Việt Nam).
Từ những chủ đề mang tính toàn cầu
7 phim nước ngoài tham dự LHP đã mang đến nền văn hóa giàu bản sắc của các quốc gia: Anh, Áo, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Phần Lan, Bỉ với chủ đề nổi bật mang tính toàn cầu là bảo vệ môi trường, chung sống hòa bình với thiên nhiên...
Phim Vesuvio hoặc cách họ học cách sống giữa các núi lửa (2022) của đạo diễn Giovanni Troilo (Italy) có thời lượng 31'. Trong phim, Vesuvio hiện ra lờ mờ trên Napoli và ở trên một bệnh viện có một bà mẹ trẻ đang chuẩn bị sinh con. Giuseppe Mastroserio - một chuyên gia nghiên cứu về núi lửa đã cảnh báo thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống của con người trên sườn núi lửa.
Một cuộc diễn tập sơ tán trong phim đã phô bày nhiều lỗ hổng. Những hình ảnh ấn tượng về các vụ phun trào núi lửa gần đây nhất xen kẽ với các báo cáo của Antonio Salamandra, đã minh họa cho hậu quả bi thảm từ vụ phun trào xảy ra. Bất chấp điều này, họ đều tiếp tục sống cuộc sống thường nhật và học cách chung sống với nó.
Phim Cô gái mang tên Tania (2019) của Bỉ do Mary Jimenez, Bénédicte Liénard đạo diễn. Với thời lượng 85', đây là thể loại phim tài liệu kết hợp với phim truyện kể về số phận của Tania, một thiếu nữ bị buộc phải hành nghề mại dâm tại khu vực các mỏ vàng của Peru, như một hồi chuông cảnh tỉnh việc thân phận con người bị chà đạp.
Bộ phim đã đoạt nhiều giải thưởng: Phim Tài liệu xuất sắc nhất tại LH Điện ảnh Trujillo 2020 (Peru); Phim xuất sắc nhất tại LHP Mỹ La tinh 2020 (Mexico); Phim xuất sắc nhất tại Tuần lễ Điện ảnh Peru 2019; Hình ảnh xuất sắc nhất và Giải đặc biệt của Ban Giám khảo tại LHP Quốc tế Phim Fribourg 2019 (Thụy Sỹ).
Phim Những người kiên định (2021) của đạo diễn Đức Jtorsten Korner là câu chuyện về những người phụ nữ tiên phong đấu tranh để được tham gia vào quá trình ban hành quyết định dân chủ. Với sự kiên nhẫn, không nản lòng, họ đã đi theo con đường của mình, bất chấp định kiến và phân biệt giới tính. Phim đoạt Giải thưởng phim Tài liệu xuất sắc nhất năm 2021 tại Giải thưởng Điện ảnh Gilde và nằm trong danh sách ứng cử viên của Đức cho giải Oscar 2022 ở hạng mục Phim Quốc tế xuất sắc nhất.
Phim Rác ơi về đâu (Áo) do Tnikolaus Geyrhalter đạo diễn, sản xuất năm 2022. Với thời lượng 106, phim nói về rác thải ở bãi biển, trên núi, dưới đáy đại dương, sâu trong lòng đất. Bằng ngôn ngữ hình ảnh độc đáo, cảnh quay đẹp, bố cục tỉ mỉ, đạo diễn Geyrhalter đã truy lùng dấu vết của lượng rác thải khổng lồ trên khắp hành tinh. Trong hành trình của mình, Geyrhalter đã minh họa cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của con người nhằm kiểm soát lượng rác thải khổng lồ do chúng ta thải ra mỗi ngày.
Nhân chứng sống: Một câu chuyện về khí hậu (2021) là phim của Anh, do Emily Munro đạo diễn. Bộ phim tài liệu lưu trữ thời lượng 98' này đã đi tìm kiếm nguyên nhân của khủng hoảng khí hậu sau chiến tranh. Nhân loại đang bước vào một giai đoạn mới hay mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn? Biến đổi khí hậu là hậu quả của quá trình phát triển và tìm kiếm năng lượng?...
Đến những câu chuyện đáng nhớ về con người
12 phim tài liệu Việt Nam được trình chiếu trong LHP đều có phụ đề tiếng Anh. Có thể kể đến Phim Muntadas ở Hà Nội: Diễn giải về đô thị từ góc nhìn Tây Ban Nha - Việt Nam (2023) của đạo diễn Nông Nhật Quang thời lượng 7'. Nghệ sĩ ý niệm nổi tiếng người Tây Ban Nha Antoni Muntadas đã bước vào một hành trình kỳ lạ khi lần đầu tiên khám phá Hà Nội. Để tìm hiểu cốt cách văn hoá Hà Nội, ông hoà mình vào khu chợ nhộn nhịp, trầm ngâm lang thang qua nghĩa trang yên tĩnh và dòng xe cộ tấp nập. Thông qua những quan sát mang tính nội tâm và khác lạ của Muntadas, bộ phim là một phép khám phá cảnh quan đô thị và bức thảm dệt cuộc sống giữa lòng Hà Nội.
Phim Bí ẩn từ lòng đất (2022) là một bộ phim khoa học của đạo diễn Phùng Ngọc Tú thời lượng 31' ghi lại và khắc họa những con người đã một thời cống hiến, nghiên cứu, dành những tri thức của mình chinh phục sông Đà. Từ tài năng, tâm huyết của mình, GS-TSKH Phan Trường Thị cùng các nhà khoa học đã vẽ bản đồ địa chất làm cơ sở tìm nền móng cho đập thủy điện Hòa Bình và Sơn La.
Phim Kẻ thù của tôi, bạn của tôi của hai đạo diễn: Phạm Hồng Thăng - Dương Văn Huy sản xuất năm 2021. Phim có thời lượng 36' xoay quanh câu chuyện hai phi công Nguyễn Hồng Mỹ (Việt Nam) và Dan Cherry (Hoa Kỳ) đã từng gặp nhau trên bầu trời Việt Nam trong trận không chiến năm 1972. Sau chiến tranh, Dan Cherry đã nhờ chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" tìm người phi công lái chiếc máy bay mà ông đã bắn và muốn biết người phi công Việt Nam. Nhờ có chương trình kết nối, hai cựu phi công đã gặp nhau và vượt qua mọi rào cản để trở thành bạn.
Phim Phía trên những đám mây (2022) của hai đạo diễn Đào Duy Từ và Lê Anh Tuấn có thời lượng 32', kể về cô giáo Trà Thị Thu - giáo viên trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Cô giáo gắn bó với nơi này đã 8 năm. Năm nay, Thu quay trở lại Tắk Pổ lần thứ 4, cũng là điểm trường đầu tiên trong sự nghiệp dạy học của mình. Nơi đây đã có nhiều thay đổi so với những ngày đầu cô đến. Những ánh mắt ngây thơ và nụ cười trong sáng của lũ trẻ đã khiến cô thêm yêu cuộc sống và chính là động lực để dành cả tuổi thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Phim đoạt giải Cánh diều bạc 2023.
Phim Những đôi chân không mỏi của đạo diễn Đào Đức Thành sản xuất năm 2021. Với thời lượng 29', bộ phim khắc họa chân dung và khai thác những câu chuyện cảm động của các nhân viên bưu tá luôn tận tâm, trách nhiệm với nghề để mang lại niềm vui, thông điệp kịp thời tới những người dân nơi vùng sâu, vùng xa, dù phải vượt qua nhiều gian khó, thậm chí đối mặt với nguy hiểm.
Bên cạnh đó là các phim Tội ác phía sau lòng tin (2022) của hai đạo diễn Hoàng Dũng và Trần Xuân Chung; Ô nhiễm trắng (2020) của đạo diễn Dương Văn Huy; Đường về hoang dã (2021) của đạo diễn Đặng Thị Lanh; Mắt bão (2023) của hai đạo diễn Nguyễn Quang Tuấn – Nguyễn Ánh Ngọc; Khi họ có niềm tin (2021) của đạo diễn Nguyễn Tiến Dũng.
Dấu ấn phim tài liệu độc lập
Trong 12 phim Việt Nam tham gia LHP có ba phim tài liệu của tác giả độc lập: Người chuyển giới và quyền tự quyết với cơ thể, Những đứa trẻ trong sương và Tôi muốn thở.
Phim Người chuyển giới và quyền tự quyết với cơ thể của đạo diễn Kim Thanh Trần (2022, thời lượng 12') xoay quanh lời kể của Nguyên (chuyển giới nam). Trước đó, Nguyên gặp nhiều vấn đề về tâm lý, từng phải điều trị trầm cảm, sức khỏe giảm sút. 3 năm trước, Nguyên đã sử dụng liệu pháp hormone khi tiến hành phẫu thuật phần trên. Việt Nam chưa cho phép phẫu thuật chuyển giới nên hầu hết các phẫu thuật đó thực hiện dưới danh nghĩa điều trị bệnh "phì đại tuyến vú". Tiếp tục phải thêm một lần phẫu thuật phần dưới, nhưng Nguyên quyết định không phẫu thuật vì tính rủi ro quá cao và khó có hiệu quả mong muốn. Nguyên làm bánh, bán online và thường tự đi giao hàng. Gặp khách là chủ phòng gym, Nguyên được hướng dẫn cách tập để không làm ảnh hưởng tới vết mổ ở ngực...
Còn Tôi muốn thở (2020) của đạo diễn Hương Na Nguyễn có thời lượng 8' lại là câu chuyện về ung thư. Các nhà khoa học trên thế giới đã chỉ ra có 75-80% ung thư phát sinh liên quan đến môi trường sống và chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể.
Và cuối cùng không thể không nhắc đến Những đứa trẻ trong sương (2021) của đạo diễn Hà Lệ Diễm có thời lượng 92', đoạt được nhiều giải thưởng trong và ngoài nước: Giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Giải đặc biệt tại LHP Tài liệu Quốc tế Amsterdam (Hà Lan) 2021; Danh sách rút gọn 15 phim Tài liệu xuất sắc tại Oscar 2023; Top 20 phim Tài liệu hay nhất của năm 2022 do Tạp chí Paste Magazine (Mỹ) bình chọn...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất