29/05/2024 16:48 GMT+7 | Văn hoá
Chiều 29/5, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, báo Thể thao và Văn hoá (TTXVN) đã tổ chức Lễ trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 – 2024. Giải thưởng cao nhất: Giải Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Lý Lan với "Tự truyện một con heo" (NXB Trẻ) cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà.
Tham dự Lễ trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 5 – 2024 về phía Hội đồng Giám khảo có: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng giám khảo, Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, thành viên Hội đồng giám khảo; về phía cơ quan chủ quản của báo Thể thao và Văn hoá có nhà báo Nguyễn Thị Sự - Phó Tổng giám đốc TTXVN; và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng ban tổ chức, thành viên Hội đồng giám khảo.
Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Trưởng ban tổ chức, thành viên Hội đồng giám khảo cho biết: "Còn nhớ là trong cuộc thảo luận của Hội đồng giám khảo khi chấm giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã nhận định rằng, nếu chỉ chuyển thể dựa theo nguyên bản tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký thì cùng lắm Cuộc phiêu lưu của Dế Út cũng chỉ là cái bóng mờ của tác phẩm mà thôi, nhưng LinhRab chỉ dựa vào mà mở rộng thêm, đưa đời sống mới vào... Vì thế, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, cuốn sách là gợi ý cho ta về cách giữ gìn văn hóa, giữ gìn tác phẩm bằng cách phát triển nó, bổ sung nó, đặt nó trong sự phát triển của đời sống, của tư duy sáng tạo...".
Nhà báo Lê Xuân Thành cũng cho rằng: "Sự tươi mới, với cái chất đương đại của đời sống hôm nay vẫn luôn là điều cần thiết để hấp dẫn công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ em, đến với văn hóa nghệ thuật, cho dù chúng ta vẫn rất yêu quý kinh điển và không ngừng quảng bá những giá trị bất biến đó đến với các thế hệ người đọc, người xem. Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn ra đời cách đây 5 năm chính là nhằm tìm kiếm những luồng gió mới trong sáng tác, trình diễn nghệ thuật của thiếu nhi, vì thiếu nhi".
Ông cho biết: "Trong 11 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo năm nay, bên cạnh Cuộc phiêu lưu của Dế Út mà tôi vừa nói đến, còn có Trăng ơi... từ đâu đến, một bài thơ ra đời từ nửa thế kỷ trước, từng được nhạc sĩ gạo cội Phạm Tuyên phổ nhạc rất thành công nhưng sau hơn 50 năm, một nhà văn cũng không còn trẻ nữa là Thái Chí Thanh đã phổ nhạc lại bài thơ này, và khiến chính tác giả gốc của nó – nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng hết sức ngỡ ngàng. Còn nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, thành viên Hội đồng giám khảo thì cho rằng "Điệp khúc nhanh, tươi tắn đã khiến cho bản phổ của Thái Chí Thanh tương thích được với thị hiếu bây giờ. Nghe là thích ngay…".
Dù các đề cử Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024 chưa phải là bức tranh toàn cảnh về nền nghệ thuật thiếu nhi trong năm qua, nhưng nhà báo Lê Xuân Thành khẳng định đó là tất cả những nỗ lực của BTC để truyền cảm hứng xem – nghe – đọc cho trẻ em và cho cả những ai từng là trẻ em, trước thềm ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 này.
Từ 135 tác phẩm chọn ra 11, tỉ lệ 1 chọi 12, thực tế là một sự chọn rất khó khăn, vì thế, BTC đã quyết định vinh danh những tác phẩm lọt vào và rồi dừng lại ở Top 10 này.
Cụ thể, BTC đã trao Bằng Chứng nhận vào Vòng chung khảo Dế Mèn 2024 cho 3 tác phẩm gồm:
- Kho báu trong thành phố (truyện dài của Nguyễn Khắc Cường, NXB Trẻ)
- Mật hiệu OGO (truyện dài, 6 tập của Kiều Bích Hương, NXB Kim Đồng)
- Trạng Quỳnh thời nhí nhố (series phim hoạt hình 3D do Alpha Animation Studio kết hợp cùng SConnect Việt Nam sản xuất)
Hai tác phẩm giành được Tặng thưởng của Hội đồng giám khảo:
- Chùm sách thiếu nhi trong bộ "Vun đắp tâm hồn" (NXB Kim Đồng) của nhà văn May gồm Bánh mì gối xinh (Thư Cao vẽ) và Ông già Noel và cuộc phiêu lưu của đôi giày mới (Thảo Võ vẽ)
- Con khỉ vàng Bắp ở Rú Mò (bản thảo truyện dài của Đặng Chương Ngạn)
Phát biểu khi lên nhận tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo, nhà văn May xúc động nói: "Việc trở thành một người mẹ đã trở thành nguồn cảm hứng lớn trong việc viết lách của tôi. Trước khi viết cho thiếu nhi tôi là người rất yêu trẻ con, nhưng khi trở thành một người mẹ tình yêu trẻ con ấy dường như càng trở nên mạnh mẽ, đến nỗi tôi cảm thấy luôn nhìn thấy tình yêu và bao dung với bất kỳ em bé nào chứ không riêng gì cho con mình nữa. Và tôi thấy mình cần phải viết ra những điều ấy để mỗi người lớn có thể thấy và hiểu được nó. Chúng ta hãy bước vào thế giới của trẻ em, tôn trọng sự trong sáng của trẻ em chứ đừng chỉ chăm chăm dạy dỗ, bóp méo tâm hồn của trẻ em theo ý của mình!"
Công bố giải Khát vọng Dế Mèn:
Giải thưởng năm nay đã trao 5 Giải đồng hạng mang tên Khát vọng Dế Mèn cho thơ, văn, truyện tranh, tranh truyện và âm nhạc.
Hai giải Khát vọng Dế Mèn đầu tiên cho hai nữ sĩ xinh đẹp, đó là nhà văn Lữ Mai với bản thảo truyện dài Dưới khung trời ngát xanh và nhà thơ Lã Thanh Hà, với tập thơ Vương quốc nhỏ bí mật (minh họa Như Quỳnh, NXB Hà Nội, Crabit Kidbooks).
"Năm ngoái cũng trên sân khấu trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, con gái tôi là Đoàn Lữ Thụy Phương đã giành Tặng thưởng của Hội đồng Giám khảo Dế Mèn với tác phẩm “Bố con Cà Khịa và những bức thư” đã cảm ơn BTC giải thưởng đã cho cháu có được sự ghi nhận đầu tiên khi cháu đặt những bước chân đầu tiên vào sự nghiệp viết lách. Hôm nay, trên sân khấu trao giải thưởng Dế Mèn tôi lại có dịp được gửi lời cảm ơn đến BTC, đến con gái của tôi vì từ khi cháu có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã cho tôi cơ hội được làm bạn với con, đối thoại với con và làm một điều gì đó dù là nhỏ bé để chia sẻ cùng con. Đấy là khi con viết mẹ cũng viết. Khi con diễn đạt lại thế giới xung quanh mình thì mẹ có thể ôn lại tuổi thơ của mình. Xin cảm ơn BTC Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn!" - nhà thơ Lữ Mai phát biểu.
Còn nhà thơ Lã Thanh Hà cho biết: "Em chưa làm thống kê nhưng cứ nghĩ thơ là một thể loại rất ít người đọc. Nhưng khi làm thơ, em quan sát thấy có rất nhiều cha mẹ dù không thích đọc thơ nhưng lại tin việc đọc thơ lại rất tốt cho con, nuôi dưỡng tâm hồn con, tạo nên khoảng thời gian và không gian gắn kết cho mình và con. Từ đó cũng có rất nhiều cha mẹ đọc thơ và đó là điều rất đẹp đẽ. Cá nhân em có những độc giả bắt đầu thích thơ, đọc thơ, đến với thơ kiểu như thế và em rất trân trọng những độc giả ấy của mình!"
Giải Khát vọng dế mèn thứ 3 được trao cho: Cuộc phiêu lưu của Dế Út (bộ truyện tranh 4 tập của LinhRab, NXB Kim Đồng). Họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng giám khảo, chính là người đã minh họa cho Dế Mèn phiêu lưu ký bản in ở Nhật Bản, và hình tượng đặc sắc nhất về Dế Mèn của ông đã được dùng làm logo cho Giải thưởng.
"Trước tiên tôi xin cảm ơn BTC đã tổ chức ra Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn. Như mọi người đã biết, "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài đã quen thuộc với hàng triệu độc giả Việt Nam" - LinhRab mở đầu lời phát biểu khi lên nhận giải từ tay họa sĩ Thành Chương, thành viên Hội đồng Giám khảo. "Tác phẩm của tôi Cuộc phiêu lưu của Dế Út dựa trên tác phẩm ấy nên cái khó là tôi phải làm thế nào cho mới, lạ hơn. Chính vì vậy tôi xây dựng nhân vật khá chi tiết và cẩn thận, đặc biết là về tính cách của nhân vật. Mỗi tập độc giả chỉ cần 10 phút là đọc xong nhưng để làm ra một tập tôi đã phải mất thời gian hơn 2 năm, 4 tập tổng cộng mất gần 8 năm. Được giải thưởng này tôi cảm thấy rất vinh dự vì từ nhỏ tôi đã rất mê tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký, để rồi khi lớn lên tôi lại có dịp được kể về nó theo phong cách của mình bằng cách đưa hơi thở của cuộc sống bây giờ vào trong tác phẩm. Ngoài giải thưởng Dế Mèn, một giải thưởng khác khiến tôi rất vui đó là tác phẩm đã được đông đảo bạn nhỏ đón nhận!"
Mùa giải năm nay là lần thứ 2 có một giải Khát vọng Dế Mèn Trăng ơi… từ đâu đến? (ca khúc của Thái Chí Thanh, phổ thơ Trần Đăng Khoa) dành cho âm nhạc.
Cuối cùng là Giải Khát vọng Dế Mèn dành cho một tranh truyện cho thiếu nhi do chính thiếu nhi sáng tác. Đó là Thư viện kỳ bí (bản thảo tranh truyện của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi).
Hai mẹ con Thanh Tâm – Lê Sinh Hùng không xa lạ với Dế Mèn, bởi cách đây 2 năm Bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ (NXB Phụ nữ Việt Nam) của mẹ Thanh Tâm với sự tham gia của nhiều bạn nhỏ trong đó có Hùng đã vào chung khảo giải thưởng này. Và giờ là lúc Hùng đoạt giải, còn mẹ Thanh Tâm thì chỉ còn đóng vai trò người giám hộ.
"Ý tưởng viết tác phẩm này của con là từ năm ngoái nhưng khi đó con thấy ý tưởng chưa hay nên tạm gác lại. Truyện xoay quanh hai nhân vật gồm một con mèo và một con chó là hai thú cưng ở nhà của con. Đến cuối năm ngoái thì bạn mèo bạn ấy đi mất, thế là con lấy truyện ra viết tiếp. Đến lúc con viết gần xong thì bạn chó lại đi mất. Nó càng khiến con quyết tâm hoàn thành cuốn sách như là cách để tưởng nhớ đến hai bạn ấy" - tác giả nhí Lê Sinh Hùng kể về quá trình viết Thư viện kỳ bí khiến nhiều người xúc động dù sách chưa xuất bản.
Và giải thưởng quan trọng nhất, Giải Hiệp sĩ Dế Mèn được trao cho nhà văn Lý Lan với Tự truyện một con heo (NXB Trẻ) cùng những cống hiến cho văn học thiếu nhi trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của bà. Như vậy là cùng với Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Lý Lan là nhà văn thứ 3 được "tấn phong" tước Hiệp sĩ bởi một giải thưởng mang tên Dế Mèn.
Nhà văn Lý Lan đang ở Mỹ không đến dự được buổi lễ hôm nay, song bà cũng đã chia sẻ trực tiếp qua video.
Bà nói: "Cảm ơn BTC Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2024 đã trao giải cho tôi. "Tự truyện một con heo" được tôi viết theo phong cách giễu nhại - một phong cách mà theo tôi thấy ở Việt Nam người viết ít xử dụng phong cách này. Và khi viết tác phẩm này tôi không biết có thành công hay không vì đây chỉ là một thử nghiệm, thành ra khi tác phẩm được trao giải thì tôi rất lấy làm bất ngờ. Tôi còn nhớ ngày tôi ở với em gái tôi trong những ngày dịch Covid-19, rảnh rảnh tôi ngồi viết chơi vậy thôi vì lúc đó tôi đã có ý định gác bút rồi, viết chỉ là thói quen, thứ tiêu khiển thôi chứ không có ý định xuất bản nữa. Em tôi bảo: "Cái bà già sáng ăn gì chiều không nhớ nổi" mà cũng đoạt giải thưởng. Tuy nhiên, tôi rất vui và một lần nữa cảm ơn BTC Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất