16/03/2019 20:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Là một trong 16 lễ hội lớn nhất cả nước, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung đang thu hút hàng vạn khách thập phương từ khắp nơi trong cả nước về dự. Trong tiết thanh minh của những ngày tháng Ba, lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, tái hiện bức tranh về đời sống tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa của người Việt.
*Nơi lưu giữ dấu tích huyền thoại
Xuôi theo bờ đê tả sông Hồng cách Hà Nội chừng 20 km, du khách sẽ tới vùng đất Khoái Châu có 2 ngôi đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và đền Hóa (xã Dạ Trạch). Đây là nơi còn lưu giữ những dấu tích mang đậm huyền thoại về thiên tình sử lãng mạn của một trong "tứ bất tử" của thần linh đất Việt: Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
Tương truyền, đền Đa Hòa là nơi mở đầu của tình yêu giữa công chúa Tiên Dung đài các và chàng đánh cá nghèo Chử Đồng Tử. Chuyện tình duyên giữa hai con người ở hai hoàn cảnh đối lập đã mãi trở thành tình yêu đích thực, vượt lên tất cả không phân biệt ranh giới giàu nghèo, đẳng cấp. Mối tình Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã dệt nên câu chuyện tình yêu đặc sắc, mãi là huyền thoại đẹp vang vọng mãi đến muôn đời sau.
Đền Đa Hòa sau này được tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, người làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu (nay thuộc xã Mễ Sở, huyện Văn Giang) vận động nhân dân công đức, xây dựng trên nền một ngôi đền cổ. Không những lưu giữ một huyền tích mang đậm giá trị nhân văn, đền Đa Hòa còn là một công trình kiến trúc đặc sắc thời Nguyễn. Ngôi đền gồm 18 nóc nhà lớn, nhỏ với tổng diện tích hơn 18 nghìn m2.
Đứng từ trên đê cao nhìn xuống, 18 nóc nhà mang kiểu dáng con thuyền mũi cong, được đỡ bởi 2 con vật mặt rồng, mình sư tử giống18 con thuyền đang quần tụ dập dềnh trên sóng nước. Hình ảnh này tái hiện cảnh đoàn thuyền của Tiên Dung công chúa đang du ngoạn trên bến sông thuở nào. Đền Đa Hòa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1962.
Còn ngôi đền Hóa thờ ba nhân vật trong truyền thuyết, gồm Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân là công chúa Tiên Dung và công chúa Tây Sa. Tương truyền đền được xây trên nền thành quách sau khi khi ba vị hóa về trời. Đền nằm cạnh đầm Dạ Trạch xưa, có kết cấu chính từ ngoài vào trong gồm có lầu chuông, hồ bán nguyệt, điện thờ gồm ba tòa nhà.
Toàn bộ nội ngoại thất, kiến trúc toát lên nét cổ kính, linh thiêng. Du khách đến tham quan sẽ thấy trong đền có hình ảnh chiếc nón và cây gậy, là hai vật Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế. Trong đền còn có tượng cá chép, gọi là ông "Bế" (Bế ngư thần quan) hình cá chép hóa rồng. Đền Hóa đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1988.
* Tái hiện nét đẹp văn hóa xưa
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung được tổ chức 3 năm một lần theo quy mô hàng tổng xưa. Diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/3, lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô hàng tổng với sự tham dự của 9 làng (thuộc tổng Mễ xưa) của 2 xã Bình Minh (Khoái Châu) và Mễ Sở (Văn Giang).
Các hoạt động của lễ hội không chỉ lưu truyền, lan tỏa câu chuyện huyền thoại về một tình yêu đẹp của chàng trai nghèo Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, con gái Vua Hùng thứ 18, mà còn giáo dục truyền thống hiếu thảo, tình cảm nhân văn và lòng nhân ái cho các thế hệ sau. Lễ hội cũng thể hiện khát vọng của nhân dân cầu cho mưa thuận, gió hòa để cấy cày thuận lợi, xóm làng yên vui, ấm no và hạnh phúc.
Điểm nhấn của lễ hội là lễ rước nước từ sông Hồng mang về đền theo hình thức du thuyền. Mỗi chiếc thuyền rước nước có khoảng 50 người bao gồm các đội tế, múa rồng, khiêng kiệu. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ cao niên mẫu mực trong làng.
Đám rước uy nghi, rồng vàng dẫn đầu; hội rước cờ, trống, phường bát âm, múa sinh tiền, kiệu long đình, kiệu choé nước, kiệu đặt nón gậy, kiệu "Bế ngư thần quan", ba kiệu rước Chử Đồng Tử và 2 vị phu nhân là Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa đi sau. Đoàn thuyền được trang trí cờ hoa, sắc màu rực rỡ, tiếng trống, tiếng nhạc âm vang cả khúc sông tái hiện lại cảnh nàng Tiên Dung đi du ngoạn trên sông thuở nào.
Sau khi lấy nước sông Hồng về, các kiệu trở về đền Hóa lễ thánh. Đi đầu là hai bô lão cùng hai nam, hai nữ dâng nước vào đền. Lễ rước nước là một sinh hoạt văn hoá dân gian, biểu hiện tín ngưỡng cầu may của nhà nông. Hoạt động này thể hiện lòng mong mỏi của người nông dân về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Vào lễ hội, mở màn là chương trình rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hòa do các làng thuộc tổng Mễ thực hiện. Đi đầu đoàn rước là con rồng dài trên 20m được ba mươi thanh niên khỏe mạnh thay nhau múa theo điệu trống thúc liên hồi, tạo không khí tưng bừng. Tiếp sau là hai hàng các bà, các cô trang phục đủ sắc màu rực rỡ tay cầm cờ hội, chống chiêng, cùng ngựa hồng, ngựa bạch, gươm trường bát bửu, phường đồng văn, đội múa sinh tiền, múa nón, nhạc lễ…
Sau lễ khai hội, nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian được tổ chức tại khu vực đền như: thi bơi chải, cờ tướng, bình thơ, hát ca trù, múa quạt, bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, kéo co, chọi gà…
Trong các đêm diễn ra lễ hội có đốt đèn trời. Bến sông Hồng ở khu vực đền chật kín người, minh chứng sống động cho huyền thoại về thiên tình ca bất hủ Chử Đồng Tử - Tiên Dung, với hàng trăm nam thanh, nữ tú háo hức và hồi hộp thả những lời cầu nguyện về tình yêu và hạnh phúc theo những ngọn đèn trời.
Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước.
Ẩn sau câu chuyện, còn là lời răn về lòng hiếu thảo, là minh chứng của nền văn minh lâu đời của dân tộc, gắn liền với sự di cư của cư dân từ vùng núi cao xuống khẩn hoang đất đai vùng châu thổ đồng bằng, là khai minh cho nghề buôn bán của người dân sau này.
Theo các nhà nghiên cứu, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, thể hiện đậm nét về mảnh đất con người Hưng Yên, hội tụ những nét đẹp của nền văn minh châu thổ sông Hồng.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất