Lấy nghệ danh tiếng nước ngoài - Nên hay không?

29/09/2016 06:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sau khi nhạc sĩ Mew Amazing và nhà thơ - dịch giả Lynh Bacardi nói về việc lấy nghệ danh bằng tiếng nước ngoài, Diễn đàn văn hóa "Tôi yêu tiếng nước tôi" nhận được bài viết của nhạc sĩ Trần Minh Phi. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết này.

1. Việc sử dụng tiếng nước ngoài trong tiếng Việt từ lâu đã khiến dư luận lên tiếng, nhất là khi các bài hát Việt cũng có bài đặt tựa hay chêm thêm từ một hai câu đến cả đoạn tiếng Anh. Rồi, các bảng hiệu trên phố đến các logo hay tên các chương trình, các giải thưởng của truyền thông cũng thường hay chuộng sử dụng tiếng Anh.

Tuy nhiên, sự nhập nhằng ở đây là người ta ít phân biệt được giữa 2 sự vay mượn ngoại ngữ trong tiếng Việt: Vay mượn để Việt hóa, để làm giàu thêm cho tiếng Việt - và vay mượn mang tính vọng ngoại, lai căng.

Vay mượn để làm giàu thêm tiếng Việt là trường hợp những danh từ ngoại ngữ đó mang tính quốc tế, hay do tính toàn cầu hóa, hoặc do bản thân tiếng Việt diễn tả danh từ đó không chính xác về chuyên môn, thiếu rõ ràng, quá dài dòng. Ví dụ như những từ: đèn led, đèn pin, e-mail, chat, trang web, đường link, futsal, showbiz...


Nhạc sĩ Trần Minh Phi

Riêng những từ như "Ok", "Bye" thật ra chỉ nên sử dụng trong giao tiếp thân mật hoặc trên những văn bản không chính thức như nhắn tin cho nhanh gọn, cho dù nó cũng thuộc dạng "quốc tế ngữ" hiểu theo tính phổ cập của nó trong các ngôn ngữ bản địa.

Riêng việc một số ca sĩ ra album lấy tên tiếng Anh cùng các ca khúc tiếng Anh kiểu "nửa nạc nửa mỡ" cũng không hiếm. Thường họ thanh minh rằng để phát hành nước ngoài nếu có điều kiện. Nhưng đó chỉ là thanh minh vì bản thân họ cũng hiểu thị trường quốc tế không quan tâm đến nhạc Việt. Vì bản thân nó chưa đủ nội lực ngay cả ở mảng giải trí đơn thuần như K-Pop nên việc bắt chước nhạc Hàn hát tiếng Anh là vô nghĩa và mang tính "làm dáng, làm sang như Tây" là chính, chứ không thể đủ sức hội nhập để khẳng định mình trên thương trường quốc tế.

Còn vay mượn mang tính lai căng, chúng ta hiểu là nó nằm ngoài phạm trù nêu trên. Nghĩa là không nhất thiết phải dùng ngoại ngữ khi bản thân tiếng Việt đã diễn tả đầy đủ và rõ ràng hơn. Chẳng hạn, các chương trình âm nhạc Việt, cho người Việt mà lấy tên tiếng Anh là rất không nên. Các giải thưởng Việt cho người Việt cũng vậy.

2. Còn một vấn đề gây tranh cãi nữa: việc lấy bút danh tiếng nước ngoài là nên hay không nên, có phải là vọng ngoại, xem thường tiếng mẹ đẻ hay không?

Sự giải thích của các tác giả lấy bút danh nước ngoài thường nằm trong 2 luận lý: một là để gia nhập quốc tế; thứ hai là, lấy tên nước ngoài không đồng nghĩa với không yêu tiếng mẹ đẻ.

Nếu nói lấy tên nước ngoài để dễ dàng hòa nhập và được quốc tế biết đến nhiều hơn thì đó là hơi nông cạn. Con người làm nên tên, chứ tên không làm nên con người. Nghĩa là chính chất xám sáng tạo trong tác phẩm của nghệ sĩ sẽ làm cho thế giới biết đến tên họ, không nhất thiết họ phải mang tên quốc tế. Đặng Thái Sơn là cái tên Việt mà cả thế giới đều tán dương là một ví dụ. Hay như các văn hào, nhạc sĩ châu Á khác được quốc tế tôn vinh đều mang tên tiếng mẹ đẻ, như: văn hào J.Kawabata, Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), nhạc sĩ T. Takemitsu (Vũ Mãn Triệt)...

Trong trường hợp này, tiếng Việt đủ sức để chúng ta tìm một nghệ danh thuần Việt thì không nên đi vay mượn tiếng nước ngoài, để khỏi mang tiếng vọng ngoại, lai căng. Không đủ sức bơi ra biển lớn là do năng lực của nghệ sĩ chứ không vì cái tên Việt hay Tây!

Còn nói đặt tên bằng tiếng nước ngoài không đồng nghĩa với không yêu tiếng mẹ đẻ, có hợp lý không?

Mew Amazing: 'Nghệ danh không chứng tỏ tôi thờ ơ với tiếng Việt'

Mew Amazing: 'Nghệ danh không chứng tỏ tôi thờ ơ với tiếng Việt'

Để hiểu rõ thêm về những điều như 'sính ngoại', 'thờ ơ với tiếng Việt'… chúng tôi ghi ý kiến của Mew Amazing nói về những điều này và về cái tên của mình.


Nếu lấy lại quan điểm: "Con người làm nên tên chứ tên không làm nên con người" nêu trên thì lý do này rất hợp lý. Cái tên có quan trọng đâu, hãy nhìn vào tác phẩm: Có yêu tiếng mẹ đẻ không? Có bản sắc Việt không?

Nhưng không phải như thế. Nếu đảo ngược lại vấn đề: Ai đã thực sự yêu tiếng mẹ đẻ thì họ không bao giờ muốn mang tên tiếng nước ngoài. (Ngoại trừ trường hợp nghệ sĩ đó mang quốc tịch nước ngoài hoặc hai quốc tịch thì không bàn đến ở đây).

Cái tên tuy chỉ mang tính hình thức nhưng nó là "dấu hiệu đại diện" cho người đó và nguồn gốc người đó là Tây hay Tàu hay Việt. Ngoài ra, sự hài hòa và đồng bộ giữa nội dung và hình thức bao giờ cũng là một yêu cầu cần có.

Và thực tế, chúng ta chưa thấy một nghệ sĩ nào đang sống trong nước mang bút danh nước ngoài mà tác phẩm họ mang hồn Việt với một tầm vóc xuất sắc cả. Thường chỉ là bậc trung hoặc xoàng hơn. Và mỉa mai thay, là tuy mang tên nước ngoài nhưng nước ngoài không biết đến họ và cái tên nước ngoài chỉ quanh quẩn trong “ao làng” mà thôi.

Ngược lại, có những nghệ sĩ như Trần Anh Hùng, bản thân là người có quốc tịch nước ngoài thì việc anh lấy tên nước ngoài là đương nhiên. Nhưng anh vẫn lấy tên thuần Việt vì anh yêu tiếng mẹ đẻ và có những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng về con người và đất nước Việt Nam, được nhiều liên hoan phim quốc tế có uy tín mời tham gia và đánh giá cao.

Tóm lại, 2 luận lý: "Bút danh nước ngoài để dễ hòa nhập quốc tế" và "Bút danh nước ngoài không đồng nghĩa với việc không yêu tiếng mẹ đẻ" thực chất là một kiểu ngụy biện hình thức trên cơ sở đánh tráo bản chất khái niệm.

Qua các ý kiến trái chiều của nhạc sĩ Mew Amazing, nhà thơ - dịch giả Lynh Bacardi và nhạc sĩ Trần Minh Phi, suy nghĩ của bạn thế nào về vấn đề này?

Bạn có thể thể hiện ý kiến của mình vào hộp thư phía bên dưới bài này hoặc gửi thư về diendanvanhoa@thethaovanhoa.vn.

Trần Minh Phi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm