20/07/2013 14:05 GMT+7 | Đọc - Xem
(Thethaovanhoa.vn) - Tưởng chừng như sau thành công của tiểu thuyết nổi tiếng Hãy chăm sóc mẹ (2011), văn học Hàn Quốc sẽ trở thành mũi nhọn mới của Làn sóng Hàn Quốc - ngành “xuất khẩu” có lợi nhuận khổng lồ của nước này, nhưng điều đó chưa xảy ra.
Với sức hút ở nước ngoài của Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) hiện nay - thỉnh thoảng người dân và truyền thông Hàn Quốc “nhầm tưởng” rằng thế giới đang “cuồng” mọi thứ liên quan đến đất nước này, kể cả văn học. Đó là nhận định của giáo sư Kim Seong Kon thuộc Đại học Quốc gia Seoul đưa ra trên trang Asia News Network.
Không thể phủ nhận là có nhiều minh chứng cho lòng yêu thích của khán giả nước ngoài với văn hóa đại chúng Hàn Quốc, cụ thể là các lĩnh vực: Phim truyền hình và nhạc pop thần tượng. Nhưng theo GS Kim Seong Kon, điều không may mắn là văn học Hàn Quốc lại không được hưởng lợi từ sức hút đó.
Văn hóa phải có giá trị thương mại
Trong khi Kpop và phim truyền hình (K-Drama) vẫn là những “mũi nhọn” của Làn sóng Hàn, xứ sở kim chi tiếp tục trông đợi vào văn học (K-Literature). Nhưng xu hướng chung của công chúng toàn cầu hiện nay là ít quan tâm đến văn học so với các lĩnh vực văn hóa khác.
Viết trên tờ Korea Times, GS Jo Yoong Hee, chuyên về văn học cổ điển Hàn Quốc của Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, nhận định: “Văn học không phải là chất liệu quảng bá văn hóa mà cũng như Kpop và K-Drama, văn học là hàng hóa thương mại nhắm đến các thị trường nước ngoài. Vì thế, giá trị thương mại là tiêu chí lựa chọn quan trọng nhất”.
|
Theo GS Jo, văn học là lĩnh vực văn hóa mang bản sắc Hàn Quốc đậm đà nhất, nhưng với yêu cầu của thị trường quốc tế thì tính toàn cầu rất cần thiết. Bản sắc hấp dẫn công chúng Hàn Quốc nhưng lại gây khó khăn cho công chúng nước ngoài vì họ khó thông cảm cho nhân vật và bối cảnh văn học.
Năm 2011, tác phẩm văn học Hàn Quốc nổi tiếng nhất ở nước ngoài hiện nay là Hãy chăm sóc mẹ(Please Look After Mom) của nhà văn Shin Kyung Sook, khi xuất bản tại Mỹ đã lọt vào danh sách best-seller của tờ New York Times. Tiểu thuyết này được xem là tác phẩm tiên phong cho văn học Hàn Quốc tại Mỹ.
Ở Hãy chăm sóc mẹ, yếu tố quảng bá văn học - văn hóa bị lu mờ trước giá trị thương mại. Đây là một tiểu thuyết vừa bán chạy - ra mắt năm 2009, trong 10 tháng bán được 1 triệu bản, về sau con số còn tăng nữa. Chính vì thế, cuốn sách được đưa ra nước ngoài không chỉ vì mục đích giới thiệu văn học mà còn để thu về lợi nhuận lớn.
Cũng như ở Việt Nam, tại Hàn Quốc, hoạt động quảng bá văn học qua con đường nhà nước lại không hiệu quả. Đến khi Hãy chăm sóc mẹ đại diện cho văn học Hàn nổi lên như một hiện tượng, người ta mới đặt câu hỏi là sao lại muộn màng đến vậy.
Sự thực là cơ quan nhà nước chuyên trách về việc này - Viện Dịch thuật văn học - đã quảng bá trong nhiều năm trời nhưng không tạo ra một “món hàng văn chương” nổi bật. Còn Hãy chăm sóc mẹ lại được bộ máy chuyên nghiệp của một hãng tư nhân quảng bá nên có số phận khác.
Chưa đắt khách ở thị trường quan trọng nhất: Mỹ
Trở lại với ý kiến của GS Kim Seong Kon về sức hút của văn học. Ông lý giải, nếu như trước đây, sách là nguồn cung cấp kiến thức và giải trí chủ yếu, người ta đọc sách dịch để tò mò về một nền văn hóa, ngôn ngữ. Ngày nay, người nước ngoài tìm cảm hứng học tiếng Hàn chủ yếu qua phim ảnh và Kpop. Văn học Hàn không có sức hút đó.
Sau khi Hãy chăm sóc mẹ có doanh số gây kinh ngạc, Hàn Quốc, cụ thể là Viện Dịch thuật văn học, bắt đầu góp công quảng bá cuốn sách này như một đỉnh cao và tác giả như một ngôi sao mới của làng văn. Sách được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhà văn Shin Kyung Sook được mời ra nước ngoài giao lưu, ra mắt sách. Cũng chính Viện Dịch thuật đã giới thiệu cuốn sách tới giải Man Booker danh giá và cuốn sách đã giành được giải này vào năm 2012.
Mặc dù vậy, Hàn Quốc phải đối mặt với một thực tế không vừa ý: Tại Mỹ, thị trường mơ ước và cũng là thị trường quan trọng nhất của họ, văn học Hàn Quốc không có nhiều giá trị thương mại.
Bản dịch Hãy chăm sóc mẹ được xuất bản tại Mỹ bởi NXB danh tiếng Alfred A. Knopf ở New York. Ngay từ đầu, Hãy chăm sóc mẹ được dự đoán bán chạy bởi đã có tiếng là best-seller ở châu Á, nội dung có vẻ như cũng khiến người phương Tây quan tâm: Nói về vị trí xã hội của người phụ nữ ở Đông Á, tình mẫu tử ở Hàn Quốc và cách những người mẹ Hàn giáo dục con cái.
Thêm vào đó, NXB này lại được cổ vũ bởi thành công của cuốn Khúc chiến ca của mẹ hổ (Battle Hymn Of Tiger Mother) của Amy Chua, một tác giả người Mỹ gốc Hoa, cũng kể về việc dạy con của một bà mẹ Trung Quốc.
Người Hàn hy vọng Hãy chăm sóc mẹ sẽ làm nên kỳ tích mở đường cho văn học Hàn Quốc tiến vào đất Mỹ nhưng tóm lại là chưa. Chưa có những cuốn sách tiếp theo được quảng bá và chào đón tương tự. Giới xuất bản ở Mỹ cũng đề cao giá trị thương mại như ở Hàn Quốc vậy, nhưng với họ văn học Hàn hiện không đủ hút khách.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất