Lần đầu tiên trao Giải thưởng Lớn vì tình yêu Hà Nội

24/08/2009 11:17 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Sau thành công của Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ nhất năm 2008, báo TT&VH và Quỹ Bùi Xuân Phái đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của những người yêu Hà Nội trên cả nước và ở nhiều nơi trên thế giới. UBND TP.Hà Nội đã quyết định hỗ trợ việc trao giải thưởng này trong khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.  

Trước bước phát triển mới này, BTC giải thưởng quyết định tổ chức giải thưởng lần 2, năm 2009 vào ngày 31/8 với quy mô lớn hơn, và đặc biệt, lần đầu tiên trong năm nay, sẽ xem xét các đề cử cho Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội - là giải thưởng chính thức dành cho các tác giả có nhiều đóng góp cho Hà Nội trong suốt sự nghiệp của mình.

Một giải thưởng dành cho “tình yêu Hà Nội”

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội được tổ chức thường niên và trao vào ngày 31/8 hàng năm cho những tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội, có tác động xã hội rộng rãi, được công chúng công nhận, ủng hộ. Giải thưởng nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái (1/9/1920- 24/6/ 1988) - cây đại thụ trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông.

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội không phải là một cuộc thi, mà là một cuộc bình chọn và đề cử của hội đồng giám khảo và của cả cộng đồng, để trên cơ sở đó, hội đồng giám khảo sẽ định giải theo các tiêu chí đề ra trong quy chế giải thưởng. Tất cả các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước có tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có giá trị tôn vinh Hà Nội, đáp ứng các tiêu chí trên đều có thể được giới thiệu hoặc đề cử. BTC cũng có hệ thống thu thập dư luận của công chúng về các tác phẩm tôn vinh Hà Nội. Việc định giải sẽ do một hội đồng giám khảo gồm 5 thành viên là các nhà chuyên môn có uy tín trên các lĩnh vực.

Lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2008

Ngay trong năm thành lập đầu tiên, đã có 5 tác phẩm vinh dự được trao Tặng thưởng của giải thưởng này, bao gồm: Bộ tiểu thuyết lịch sử 4 tập về triều Trần (nhà văn Hoàng Quốc Hải), Dự án “Thành phố Sông Hồng” và Dự án “Quy hoạch chỉnh trị sông Hồng, sông Đuống” (họa sĩ Văn Thơ), Dự án “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” (họa sĩ Nguyễn Thu Thủy), vở cải lương Cung phi Điểm Bích (KB Hoàng Công Khanh, ĐD: Quỳnh Mai, và tập thể cán bộ, diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam), Phác thảo bức tranh sơn dầu khổ lớn Hà Nội chiến lũy và hoa (họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn).

Giải thưởng Lớn và 3 giải đồng hạng

Được UBND TP.Hà Nội hỗ trợ việc trao giải thưởng này trong 2 năm, 2009 và 2010 thuộc khuôn khổ các hoạt động Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long; năm nay, BTC giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chính thức phát động giải thưởng với cơ cấu giải như sau:

* 01 Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho tác giả có nhiều cống hiến cho Hà Nội bằng các sáng tác hoặc bằng các hoạt động trong suốt sự nghiệp của mình (trị giá giải thưởng 15 triệu đồng).

* 03 Giải đồng hạng (trị giá giải thưởng 5 triệu đồng/giải) gồm:

- Giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội: được trao cho các dự án, ý tưởng thể hiện tình yêu Hà Nội.

- Giải Tác phẩm - Vì Tình yêu Hà Nội: được trao cho các tác phẩm thể hiện chủ đề về Hà Nội hoặc được thực hiện ở Hà Nội có giá trị tôn vinh vẻ đẹp của Thủ đô.

- Giải Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội: được trao cho các hoạt động, quyết định, việc làm... góp phần bảo vệ và phát huy vẻ đẹp của Hà Nội.

Hội đồng giám khảo giải thưởng năm nay gồm có: Nhà thơ Bằng Việt - Phó Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội (Chủ tịch Hội đồng giám khảo); Nhà báo Ngô Hà Thái- Phó Tổng giám đốc TTXVN (thành viên HĐGK, kiêm Trưởng BTC); Họa sĩ Trần Khánh Chương - Phó Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam (thành viên HĐGK); KTS Đoàn Đức Thành (thành viên HĐGK); Nhạc sĩ Phú Quang (thành viên HĐGK).

Danh sách các đề cử năm 2009

Trên rên cơ sở các đề cử do bạn đọc báo TT&VH và những người yêu Hà Nội đề xuất, BTC Giải thưởng và Hội đồng giám khảo đã đối chiếu với các tiêu chí trong Quy chế Giải thưởng để đưa ra danh sách đề cử chính thức. Sau đây là thông tin tóm tắt về các đề cử xếp theo thứ tự ngẫu nhiên (TT&VH sẽ giới thiệu chi tiết trong các số báo sau)

I. Đề cử Giải thưởng Lớn (cho tác giả)

1. Ông Nguyễn Vinh Phúc - nhà nghiên cứu về Hà Nội được nhiều người tôn vinh là nhà Hà Nội học.

2. Nhà văn Băng Sơn - người nổi tiếng với các tác phẩm về thú ăn chơi của người Hà Nội.

3. PGS-TS Hà Đình Đức - người nghiên cứu, bảo vệ rùa Hồ Gươm, khu vực Hồ Gươm, và hơn thế còn có nhiều đề xuất, góp ý góp phần vào việc bảo tồn và phát huy vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

II. Đề cử các việc làm - Vì tình yêu Hà Nội

1.Việc dừng xây dựng khách sạn SAS Royal Hotel ảnh hưởng đến Công viên Thống Nhất được dư luận đồng tình ủng hộ.

2. Việc dừng xây dựng trung tâm thương mại tại chợ 19/12 và khôi phục lại đường phố 19/12 được các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa và dư luận hoan nghênh.

3. Việc chuyển khu đất “kim cương” của Dự án Hanoi Opera Plaza thành Vườn hoa 19/8, làm thoáng đãng, rộng rãi thêm không gian khu vực Quảng trường Cách mạng tháng Tám trước Nhà hát Lớn Hà Nội.

III. Đề cử các tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội

1. Tác phẩm Tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long.

2. Tác phẩm 5.678 bước chân quanh Hồ Gươm (NXB Văn học, 2008) của tác giả Nguyễn Ngọc Tiến.

3. Hơn 300 tập phim Thăng Long nhân kiệt (được phát sóng vào 19h55 các tối thứ 2, 4, 6, CN hàng tuần trên VTV1).

4. Bộ tiểu thuyết Thăng Long ký của nhà văn Nguyễn Khắc Phục (tới nay đã xuất bản được một số cuốn đầu tiên)

5. 10 kịch bản về Thăng Long - Hà Nội của “ông giáo” Phạm Văn Quý (trong đó có vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long do Nhà hát Cải lương Việt Nam đang dàn dựng).

IV. Đề cử các Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội

1. Từ Dự án phục dựng phố cổ Hà Nội bằng 3D đến Dự án Tái hiện di sản kiến trúc Pháp tại Hà Nội bằng công nghệ 3D, tiến tới lập bảo tàng online về Hà Nội bằng 3D.

2. Ý tưởng Cầu Long Biên - Ngày và đêm của nhóm 3 sinh viên ĐH Kiến trúc Hà Nội với việc mô phỏng lại những nhịp cầu đã biến mất bằng ánh sáng.

3. Lễ hội văn hóa nghệ thuật mang tên Ký ức cầu Long Biên dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 10/2009.
BTC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm