Từ Chelsea đến Bayern: Chiến thắng mang về tiền bạc hay tiền bạc tạo ra chiến thắng?

17/05/2012 16:19 GMT+7 | Champions League

(TT&VH Online) - Trước trận chung kết Champions League, Bayern Munich đánh bóng tên tuổi so với đối thủ Chelsea thông qua cách “làm ra tiền”. Đó chính là vấn đề đang gây nhiều tranh cãi tại bóng đá châu Âu trong những năm gần đây.

“Hùm xám” luôn tự hào khi làm ăn có lãi suốt 19 năm qua. Đây cũng là giai đoạn họ thống trị nước Đức và 4 lần bước lên đỉnh Lục địa già. Ngược lại, thời gian huy hoàng của Chelsea khá ngắn ngủi chỉ khi tỷ phú Roman Abramovich xuất hiện năm 2003. Vấn đề là đội bóng thành London đang đứng trước cơ hội vô địch Champions League lần đầu tiên trong lịch sử sau 7 năm chỉ biết “đốt tiền" vào TTCN.



Bayẻn không hề thua kém Chelsea về khoản kiếm tiền, thậm chí bền vững hơn - Ảnh AP

“Bundesliga đã tạo ra mô hình phát triển bền vững, thứ đảm bảo cho CLB tồn tại bằng chính thực lực bản thân”, ông Emmanuel Hembert – Trưởng  Ban tư vấn quản lý toàn cầu của A.T. Kearney – nói, “Những CLB của Premier League thì có kế hoạch thương mại sắc sảo hơn. Họ rất giỏi trong việc tìm kiếm cơ hội và tăng doanh thu nhưng lại không thể kiểm soát được chi phí”.

Các đội bóng của xứ sương mù sẽ phải xiết chặt cán cân thu-chi khi Luật công bằng tài chính của UEFA đang tới gần. Họ có giải đấu hấp dẫn nhất thế giới nhưng các CLB cũng dễ vỡ nợ hay phá sản nhất. Chelsea thua lỗ 108,6 triệu USD trong năm tài khóa 2011. Trong khi tân vương Man City mất gần 318 triệu USD để thay đổi lịch sử.

Ngược lại, Bayern hay Bundesliga luôn sẵn sàng với quy định mới của UEFA. Từ lâu giải đấu này đã có quy định buộc các CLB phải cân bằng ngân sách và cán cân thu-chi. Hơn nữa, tất cả các đội bóng của Đức không thể bị phá sản bởi một tỷ phú nước ngoài bởi họ không cho phép cá nhân sở hữu CLB.

Bayern: Tiết kiệm nhưng không nghèo

Sẽ là sai lầm nếu nói ngân sách của đội bóng xứ Bavaria là eo hẹp thông qua việc họ luôn “dè chừng” trên TTCN. Bên cạnh 80% quyền sở hữu của các thành viên nội bộ, “Hùm xám” còn có hãng thể thao khổng lồ Adidas và hãng ô tô nổi tiếng Audi chống lưng. Cho dù kết quả trận chung kết tại Allianz Arena là như thế nào, Adidas vẫn là người chiến thắng bởi hãng tài trợ áo đấu cho cả Bayern lẫn Chelsea.

Theo hãng kiểm toán Deloitte, năm ngoái Bayern đứng thứ 4 còn Chelsea đứng thứ 6 trong những CLB kiếm được nhiều tiền nhất. Bayern là đội được hưởng lợi từ các hoạt động thương mại cũng như tài trợ nhiều nhất tại châu Âu. Ngược lại, tiền từ bản quyền truyền hình chiếm một nửa doanh thu của Chelsea.

Tại Bundesliga, Bayern cũng là đội có hợp đồng bản quyền truyền hình cao nhất. Nhưng nó vẫn không thể sánh với những CLB hàng đầu của Premier League. Nếu xét về thu nhập từ việc bán vé, Bayern có lợi thế sân nhà bởi sức chứa khổng lồ 69.000 chỗ ngồi tại Allianz Arena - SVĐ được coi là hiện đại nhất nước Đức được xây dựng cho World Cup 2006.

Sân Stamford Bridge của Chelsea thì đã tồn tại 107 năm và chỉ có thể chứa tối đa 42.000 người - điều luôn khiến ông chủ Abramovich phiền lòng. Chelsea “sửa chữa” sai lầm của lịch sử bằng cách đều đặn tăng vé vào sân qua từng năm.

Tóm lại, Bundesliga nói chung và Bayern nói riêng không hề thua kém Premier League và Chelsea về khoản kiếm tiền. Họ thậm chí còn vượt trội và đáng khen hơn bởi chẳng cần một tỷ phú giàu có duy trì sự tồn tại.

“Bundesliga ngày càng trở nên thương mại hóa. Giá vé tăng nhưng chẳng là gì so với số tiền mà các CĐV phải trả để vào sân tại Anh”, Antonia Hagemann – Giám đốc phát triển bóng đá tại châu Âu – nói, “Độ tuổi trung bình tới sân ở Đức thấp hơn ở Anh. Nhưng điều đặc biệt là CĐV Đức không chỉ là các khách hàng. Họ cũng là chủ sở hữu và đó là khác biệt rất lớn về mặt bản sắc”.

H.D

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm