Biến trọng tài thành kẻ thù

27/03/2011 06:57 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Chủ tịch Hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi bảo trọng tài Việt Nam sai sót ít hơn thế giới, trong đó có trọng tài Anh, vả lại chúng ta cũng ghiền bóng đá Ngoại hạng hơn tất thảy, nên chúng ta lại lấy người Anh làm tấm gương phản chiếu.

1. Ba năm trước, với lý lẽ các cầu thủ và cả khán giả ngày càng tỏ thái độ và ứng xử không đúng mực, nên Liên đoàn Bóng đá Anh đưa ra khẩu trương “Respect - Tôn trọng”. Quả đúng là cứ ở đâu nhiều khẩu hiệu là người ta nghi ngờ rằng ở đó có vấn đề trên chính lĩnh vực ấy.

Liên đoàn Bóng đá Anh thống kê không thể chính xác, chỉ khẳng định, hàng năm có cả ngàn trọng tài bỏ nghề nếu tính cả ở các giải cấp thấp, nghiệp dư - phong trào vì xúc phạm trực tiếp trên sân cỏ và sức ép sau trận đấu. Xu hướng ấy phá hủy nền móng cho công tác phát triển trọng tài sử dụng cho các giải chuyên nghiệp của bóng đá Anh.

Ba năm với dự án “Tôn trọng”, các trọng tài bị công kích không giảm và Liên đoàn Bóng đá Anh vẫn đang mạnh tay trừng phạt các HLV (cầu thủ) “tấn công” trọng tài bằng ngôn từ, chỉ trích… Alex Ferguson, HLV của Manchester Utd vừa bị cấm chỉ đạo 5 trận vì đã chỉ trích trọng tài Martin Atkinson thiên vị Chelsea trong một trận đấu ở giải ngoại hạng.

Trọng tài Martin Atkinson, kẻ thù của nhiều đội bóng ở Premier League, trong đó có M.U - Ảnh: Getty

Có thể tin rằng các trọng tài Anh đã và sẽ vẫn còn bị nhìn nhận như kẻ thù của nhiều đội bóng, dù cho ở thời điểm khác, chính các đội bóng đó lại được hưởng lợi từ quyết định của các trọng tài. Chưa chắc trọng tài Anh sẽ khá lên được so với mặt bằng trọng tài châu Âu, và cũng chẳng có gì đảm bảo là sẽ không có một Graham Poll thứ hai bôi mặt bóng đá đất nước này bằng một quyết định ngớ ngẩn kiểu phạt một cầu thủ tới 3 thẻ vàng trong một trận đấu ở EURO hay World Cup. Sự bảo vệ của Liên đoàn Bóng đá Anh đã dung dưỡng cho những sai lầm và các yếu kém của đội ngũ trọng tài.

Một đánh giá không chính thức: trọng tài ở Anh yếu kém nhất, trọng tài Italy mang màu sắc mafia, còn trọng tài Tây Ban Nha đôi khi chỉ bảo vệ các đội bóng lớn, và trọng tài ở Bundesliga chất lượng hơn cả.

2. Liệu có nên tin đánh giá của Chủ tịch Hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi rằng trọng tài Việt Nam giỏi hơn cả trọng tài thế giới hay không (vì không mắc sai sót như thế giới tức là giỏi hơn chứ còn gì nữa), nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta đang rất hạn chế trong việc đánh giá, xác minh công tác trọng tài trong các trận đấu ở V-League một cách trung thực. Nó gần như là sự áp đặt chủ quan của Hội đồng trọng tài và Ban tổ chức giải.

Sự hạn chế này bắt nguồn từ sự lạc hậu của công nghệ truyền hình chưa thể có nhiều máy quay, nhiều góc máy và cả những đạo diễn tài ba để khán giả được chứng kiến chuyện mổ băng gần như tức thì, rằng trọng tài bắt (bỏ) lỗi việt vị đã chuẩn chưa, thổi (bỏ) penalty có chính xác hay không, và việc chọn vị trí không thuận lợi ấy là cố tình hay sơ suất.

Song, sự hạn chế vẫn bắt nguồn từ nguyên nhân lớn nhất là thiếu sự minh bạch từ khâu tiếp nhận vấn đề, phân tích các lỗi của trọng tài, và xử lý các trọng tài mắc sai phạm.

Đòi hỏi nhiều giới, trong đó có các đội bóng và cả báo chí cùng được tham dự khâu mổ băng thực ra khó đáp ứng, dù đấy là cách tốt nhất để “đội bóng biết, đội bóng bàn, đội bóng kiểm tra”. Về cơ bản là phải tạo ra một cơ chế xây dựng niềm tin, mà bắt đầu từ việc các đội bóng được bầu chọn các vị trí trưởng giải, chủ tịch hội đồng trọng tài… cho những người mà họ tin tưởng nhất.

Còn không thì công tác trọng tài vẫn cứ là một vấn nạn, và họ sẽ vẫn cứ vô tình (nếu không hữu ý) trở thành kẻ thù của các đội bóng.

Vũ Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm