Làm thế nào để học sinh thấy viết văn thoải mái như viết blog?

03/07/2009 16:44 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Như kỳ trước chúng tôi đã nêu, môn văn trong nhà trường cần phải được hiểu là một môn khoa học về văn chương, và phải lấy tính khoa học làm trọng. Tuy vậy, khi đọc những bài văn “ngô nghê cười ra nước mắt” mà báo chí đưa lên sau mỗi kỳ thi, tôi có cảm giác rằng không hẳn là các sĩ tử ấy “dốt văn” nữa (rất có thể tác giả của những bài văn ngô nghê ấy lại là những người viết blog hết sức hấp dẫn), mà hình như các em đang mất phương hướng hoàn toàn trong môn văn, giống như viên tướng bị vỡ trận, nhiều khi có “lực” trong người, nhưng vì mất tinh thần mà buông xuôi hoàn toàn.

Vậy lỗi tại ai? Tại cách ra đề, cách dạy văn? Hay là hệ thống lý luận của môn làm văn quá phức tạp, rối rắm khiến học trò bị chết chìm trong lý luận, mà không thể viết một cách hồn nhiên được nữa? Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để “giải phóng được khả năng sáng tạo thiên bẩm” của mỗi sĩ tử? Làm sao để họ có thể thoải mái khi bắt đầu một bài làm văn cũng tương tự như khi họ bắt đầu một entry trên blog vậy?

Về vấn đề này, TT&VH tiếp tục trò chuyện với PGS-TS Đỗ Ngọc Thống, tác giả sách Ngữ văn THCS và đồng chủ biên sách Ngữ văn THPT nâng cao.

* Như tôi đã nói về những bài văn ngô nghê cười ra nước mắt. Có một thực tế là giới trẻ rất hào hứng viết blog, và nhiều em đã viết blog rất hay. Vậy môn văn cần làm sao có thể khiến họ có thể thoải mái khi bắt đầu một bài làm văn cũng tương tự như khi họ bắt đầu một entry trên blog vậy?

 PGS-TS Đỗ Ngọc Thống
- Để viết được một bài văn hay theo yêu cầu của nhà trường cần có cả kiến thức (tác phẩm, tác giả, lịch sử văn học, lý luận văn học, kiến thức đời sống xã hội...) lẫn kỹ năng (tìm hiểu đề, lập ý, diễn đạt...). Những bài văn ngô nghê cũng có năm bảy đường. Và vì vậy không phải em nào viết bài văn ngô nghê cũng viết blog hay cả. Đây là đoạn văn của một học sinh lớp 11 viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều: “Nguyễn Du là lão tiền bối của chúng ta. Mặc dù, tiền bối đã sớm ra đi vào một chiều gió lạnh, nhưng vẫn làm chấn động cả giới hậu bối của chúng ta, qua bí kíp võ công “Vương Thúy Liều” hay còn gọi là “Đoạn trường thất thanh”. Bằng chứng là qua các kỳ thi, pho bí kíp này lại xuất hiện và làm thất điên bát đảo cả giới hậu bối chúng ta...”(!!).

Tôi tin em HS này viết blog sẽ rất hay, nhưng đoạn văn trên thì không thể cho điểm cao được.

Tôi nghĩ khi viết blog, người ta được tự do viết theo ý của mình, viết những gì mình thích, mình nghĩ bằng giọng văn của chính mình... không chịu bất kì một sự chi phối nào. Còn bài văn ở trường, HS phải tuân thủ yêu cầu của đề, có thể vấn đề nêu lên họ không thích. Nhưng kiến thức văn hóa không thể chiều theo tất cả ý thích của mọi HS, nó phải theo chuẩn chung. Hiện nay thế giới đánh giá HS quốc tế cũng theo chuẩn chung, kể cả đọc - hiểu... Nghĩa là HS phải có những hiểu biết về kiến thức và một số kỹ năng đến mức nào đó (giống trong toán phải giải được phương trình bậc 2 chẳng hạn)... thì nhà trường mới công nhận để cấp bằng tốt nghiệp THCS hay THPT...

* Dĩ nhiên là như vậy, nhưng cũng phải làm gì để học trò có tâm trạng tương đối thoải mái khi nghĩ đến... làm bài thi môn văn chứ?

- Để HS thoải mái khi làm bài văn thì cần có sự kết hợp cả hai phía: Đề văn cần đặt ra những vấn đề gần gũi, hấp dẫn với tuổi trẻ; mặt khác HS cũng phải ý thức được bài thi văn là kiểm tra văn hóa, chứ không phải đáp ứng sở thích cá nhân.

* Mặc dù tôi vẫn nghĩ rằng với tư cách một môn khoa học, môn văn là cần thiết cho tất cả mọi người... Tuy vậy, cuộc sống hiện đại đang chất lên thế hệ trẻ quá nhiều gánh nặng. Ông có nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, chúng ta cũng sẽ thay đổi cách đánh giá môn văn: không chấm điểm, không thi cử; chỉ là một môn năng khiếu giống như nhạc, họa trong trường phổ thông vậy? Nếu tôi không nhầm thì ở các nước phương Tây, họ học văn kiểu đó?


- Đúng là cần thay đổi cách đánh giá, chứ không phải là không đánh giá. Môn Ngữ văn vừa là một môn học công cụ, vừa là môn học nghệ thuật. Theo tôi biết thì các nước coi trọng tính công cụ (biết đọc, viết, nghe, nói là chủ yếu). Không phải ngẫu nhiên mà Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA) quan tâm đến năng lực đọc-hiểu văn bản (VB), mà VB thông thường là chủ yếu, rất ít hỏi về VB nghệ thuật. Một số nước lên cấp THPT, tách phần văn học ra như là một môn nghệ thuật và coi đó là nội dung tự chọn. Có thể nói: Môn học này với tư cách là môn công cụ thì không có nước nào không kiểm tra - đánh giá; còn với tư cách là môn học nghệ thuật thì như anh nói, nó cũng giống môn nhạc, họa...

* Cứ như ý ông nói, thì tôi hiểu rằng với một đất nước yêu quý môn văn và thích lý luận như ta, thì có lẽ học trò không thể mơ tới lúc môn văn chỉ được coi là môn nghệ thuật tự chọn; hoặc ít ra là chỉ coi trọng tính công cụ của nó (quan tâm đến năng lực đọc hiểu văn bản thông thường)?

- Tôi cũng nghĩ như thế. Đất nước mình có truyền thống coi trọng văn chương. Từ trước tới nay cứ nói đến môn văn là nghĩ ngay đến môn dạy và học về thơ, truyện, tiểu thuyết... mà ít nghĩ đến tính ứng dụng, thiết thực của môn học này. Kết quả là một HS có thể thuộc rất nhiều thơ/ văn nhưng ra đời vẫn không viết được một biên bản hay đơn, thư giao dịch cho đúng quy cách; rất lúng túng khi xem bản đồ một thành phố lớn để xác định các bến xe buýt và những điểm cần đến. Trong khi một giáo viên dạy văn của Hoa Kỳ quan niệm: dạy tác phẩm Odyssey của Homer chỉ cần tập trung vào việc trang bị cho HS kiến thức và kỹ năng đi du lịch là chính, còn việc nắm nội dung của tác phẩm ấy thì để HS tự đọc ở nhà... Tôi hy vọng tình trạng trên sẽ thay đổi nếu chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Chẳng hạn nếu chúng ta tham gia Chương trình đánh giá HS quốc tế (PISA) thì dứt khoát cách dạy học Ngữ văn phải khác đi, phải thay đổi theo xu hướng chung của quốc tế.

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm