Lái xe trong thời tiết băng giá

30/01/2016 20:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày qua, rất nhiều người đã đổ dồn về các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La... để chiêm băng giá và tuyết rơi. Tuy nhiên, cũng vì hiện tượng thời tiết hiếm có ở Việt Nam này mà nhiều sự cố liên quan đến giao thông đã xảy ra.

Xe khó khởi động, hoặc bị trơn trượt trong khi di chuyển hoặc dừng đỗ, hoặc xảy ra tai nạn do tầm nhìn hạn chế vì sương mù và tuyết bám trên kính... là những hiện tượng thường gặp trong điều kiện thời tiết rất lạnh, có xuất hiện băng giá và tuyết rơi.

Một số đoạn đường có lớp băng mỏng đóng trên mặt đường, khác với tuyết trắng, băng có màu trong và lẫn với mặt đường màu đen rất khó nhận ra. Đây thực sự là một mối nguy hiểm lớn bởi lớp băng này sẽ làm giảm ma sát, gây trơn trượt, thậm chí mất kiểm soát chiếc xe.

Dù là xe nhập khẩu nguyên chiếc hay sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam thì nhìn chung, các nhà sản xuất đều đã tính đến tình huống xe phải hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm nắng rất nóng hoặc băng giá, tuyết rơi. Tuy nhiên, trong những điều kiện như vậy, chiếc xe sẽ khó có thể vận hành một cách hoàn hảo. Để đảm bảo an toàn, lái xe cần lưu ý một số điểm sau:

* Lốp xe: Không được sử dụng loại lốp đã bị mòn quá mức cho phép, hoặc lốp đã bị nứt. Điều này có thể dễ dàng nhận biết thông qua đánh giá bằng mắt thường, quan sát dấu chỉ báo về mức độ mòn trên mặt lốp. Những chiếc lốp xe đã quá mòn sẽ khiến lực ma sát giảm, ảnh hưởng đến khả năng bám đường cũng như hiệu quả khi phanh. Nên để lốp xe hơi non một chút nhằm tăng diện tích tiếp xúc mới mặt đường, qua đó tăng lực ma sát.


Băng tuyết trên mặt đường Quốc lộ 4D, rất dễ gây trơn trượt cho các phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Nguyễn Duy - TTXVN

* Động cơ: Động cơ xe phải vận hành bình thường, êm ái. Quan sát các đèn cảnh báo trong khu vực điều khiển, cũng như lắng nghe các tiếng động bất thường phát ra từ buồng động cơ. Nếu phát hiện những dấu hiệu không bình thường, hãy mang xe vào các garage để kiểm tra kỹ hơn.

* Đèn chiếu: Trong điều kiện thời tiết băng giá, sương mù, tầm nhìn sẽ rất hạn chế. Khi đó, sử dụng đèn chiếu gần và đèn sương mù sẽ giúp tăng cường khả năng quan sát của người lái xe. Đèn sương mù với ánh sáng vàng được thiết kế để “chuyên trị” thời tiết sương mù, nơi đèn chiếu gần/xa với ánh sáng trắng không hiệu quả.

* Chọn số: Tùy theo điều kiện đường bằng phẳng, lên dốc hay xuống dốc, lái xe cần sử dụng số phù hợp, tránh ép số đối với các xe số sàn. Khi xe xuống dốc, cần kết hợp giữa phanh chân và phanh động cơ. Một số dòng xe được trang bị thêm tính năng hỗ trợ phanh khi đổ dốc, hệ thống này sẽ tự động nhận biết và kích hoạt khi xe xuống dốc, giúp việc lái xe trở nên dễ dàng hơn.

* Chống mù: Sử dụng nước rửa kính chuyên dụng kết hợp với cần gạt mưa để loại bỏ tuyết hoặc băng giá đóng trên kính, giúp tầm nhìn tốt hơn. Sử dụng chức năng sấy kính trong trường hợp kính bị mờ. Hạn chế sử dụng điều hóa nóng ở mức quá cao, sẽ tạo ra hiện tượng đọng hơi nước trên kính, gây hạn chế tầm nhìn phía trước và xung quanh. Bật điều hòa lạnh và lau kính, gương chiếu hậu trong trường hợp cần thiết.

* Khởi động: Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, động cơ thường khó khởi động hơn, có thể phải đề nhiều lần. Trong trường hợp như vậy, giữa mỗi lần đề cần có khoảng thời gian nghỉ đủ dài, từ 10 đến 15 giây, giúp ắc quy khôi phục điện áp, cũng như hệ thống đề trở lại trạng thái ban đầu.

Trước khi khởi hành hoặc trước thời điểm leo dốc cao hoặc đổ đèo, lái xe cần kiểm tra kỹ các yếu tố đảm bảo an toàn cơ bản của xe như các lốp, các bu-lông và đai ốc, hệ thống phanh, hệ thống điện, các loại dầu và nước làm mát...

Quan trọng hơn cả, lái xe phải luôn tuân thủ các quy định, quy tắc về an toàn giao thông, đi với tốc độ chậm, đúng làn đường, phần đường của mình, giữ khoảng cách đủ lớn, không vượt ẩu, bật đèn cảnh báo và dừng lại khi cần thiết.

Tuyệt đối không đốt lửa hâm nóng bình dầu

Trong những ngày qua, nhiều hình ảnh được chia sẻ trên Internet cho thấy một số lái xe đã đốt củi ngay dưới bình chứa dầu để hâm nóng dầu bên trong, mục đích là giúp dầu loãng ra, khiến máy dễ nổ hơn. Tuy nhiên, cách làm thủ công này là hết sức nguy hiểm, rất dễ xảy ra việc cháy nổ.

Các thùng chứa dầu, trong quá trình tiếp nhiên liệu hoặc sử dụng, thường có vết dầu loang bên ngoài, rất dễ bắt lửa. Nếu xảy ra cháy nổ mà không kiểm soát được, thiệt hại về người và tài sản sẽ vô cùng lớn.

Để hạn chế hiện tượng dầu bị đông, lái xe có thể sử dụng loại chất chống đông đổ thêm vào bình dầu. Lái xe cũng có thể sử dụng nước sôi, dội từ từ vào khu vực bơm cao áp và bầu lọc nhiên liệu để tăng dần nhiệt độ nhiên liệu, giúp cho việc lưu thông và bay hơi của nhiên liệu dễ dàng hơn.

Lúc động cơ đã nổ, không nên nhấn ga mạnh mà cần để máy nổ ở chế độ không tải một lúc, giúp các hệ thống vận hành trơn tru rồi mới khởi hành.

Với những chiếc xe hiện đại, chủ yếu loại chạy bằng dầu diezel, các nhà sản xuất đã lắp đặt thêm buji đốt nóng cho khí nén bên trong buồng đốt (còn gọi là buji xông), giúp xe có thể nổ máy ngay.


Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm