25/02/2013 07:37 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Cẩn thận đến mấy, cuối cùng việc phát ấn tại đền Trần (Nam Định) vẫn diễn ra theo cách mà người ta lo lắng từ đầu Xuân. Nghĩa là vẫn… loạn, khi một biển người bằng mọi giá phải có được bản ấn với niềm tin mang lại quan lộc cho mình. Vẫn có cảnh dẫm đạp chen lấn. Vẫn có nạn bán ấn, có người ngất xỉu, có chuyện kẻ xấu trà trộn để rạch túi, trộm đồ...
Trở thành điểm nóng nhất trong mỗi mùa lễ hội, cảnh tượng ấy cứ đều đặn diễn ra dăm năm nay, dù ở cường độ khác nhau mỗi mùa. Và, các cơ quan nghiên cứu đã mất hẳn hai năm bàn bạc để tìm cách “tháo ngòi nổ” trong tục phát ấn – vốn là nguyên nhân của thảm trạng này. Ấn không được phát ngay “giờ thiêng” mà lùi sang ngày hôm sau, phát rộng rãi tại nhiều điểm, phát liên tục trong nhiều ngày để hi vọng giãn được biển người đổ về đền Trần trong đêm 14 tháng Giêng. Kết quả: có lùi lại vài tiếng, cơn cuồng nhiệt của khách hành hương trước các bàn phát ấn cũng không giảm bớt nhiều. Chưa kể, ở thời điểm ấn chưa phát, một “sáng tạo” khác được du khách đưa ra: chen vào đền, cướp giật các cành lộc trên bàn thờ thay cho bản ấn.
Lại tái diễn cảnh hàng vạn người xô đổ hàng rào vào các đền để cướp lộc. Ảnh Quốc Khánh - TTXVN |
Từ sự bột phát ấy, công sức tính toán của những người dựng kịch bản lễ hội đền Trần năm nay bỗng trở thành công cốc. Bởi, các chuyên gia chỉ có thể tính đến việc “giảm nhiệt” cho lễ phát ấn bằng cách tăng số lượng, mở rộng không gian, thời gian... Họ quên một điều: trước tâm lý muốn sở hữu một bản ấn được đẩy lên cao độ, du khách không thể chấp nhận thói quen xếp hàng, dù chỉ một giờ. Như chuyện “lộc trời” không thể nhường ai, người xin ấn cần hòa ngay vào “cơn lên đồng tập thể” đang diễn ra để chen, mua, cướp giật bằng được một bản ấn cho thỏa khao khát ấy.
Cũng giống như vài năm qua, nhiều nhà nghiên cứu đã... mỏi miệng chứng minh rằng trong dân gian, lá ấn đền Trần không hề liên quan gì tới việc phát tài, phát lộc như người ta muốn tin. Cũng giống như thay vì dùng vải, bản ấn năm nay được in “đại trà” trên giấy, cộng cùng với những thông tin lấp lửng về chuyện thật - giả của chiếc ấn trong đền Trần. Bởi, có lẽ, với khách hành hương, cái họ cần là niềm tin về tài lộc được... cụ thể hóa qua một bản ấn trên tay, chứ không cần quan tâm tới những tranh cãi đúng - sai - thật - giả.
Nghĩa là, xa hơn việc quản lý bằng biện pháp hành chính, vấn đề đã trở thành câu hỏi lớn hơn: Vì sao, giữa xã hội hiện đại, chuyện thăng quan tiến chức lại khiến người ta có thể phát sốt và sẵn sàng đặt lòng tin vào một thứ rất... vu vơ như lá ấn đền Trần?
Giải đáp được câu hỏi ấy, rồi giải cả bài toán về nhận thức và sự cân bằng tâm lý của mỗi người trong thời điểm xã hội đang phát triển siêu nhanh, chuyện lộn xộn trong phát ấn đền Trần mới thoát khỏi tình trạng chỉ dẹp yên phần “ngọn”. Bằng không, dù cấm hẳn việc phát ấn như một số nhà quản lý yêu cầu, khao khát về quan lộc vẫn sẽ là một dòng chảy ngầm cuồn cuộn trong xã hội hiện đại, để chờ cơ hội bùng lên tại những “đền Trần” khác...
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất