27/06/2018 22:17 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều hôm nay (27/6), Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức buổi họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi năm nay, các địa phương đã chủ động chỉ đạo, xây dựng và triển khai kế hoạch khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Suôn sẻ để “vượt vũ môn”
Sau 3 ngày thi (từ 25 - 27/6), hơn 900.000 thí sinh trên cả nước đã bước qua một Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 an toàn, nghiêm túc đúng quy chế.
Kỳ thi THPT Quốc gia hay còn được gọi là kỳ thi “hai trong một” vừa dùng để xét tốt nghiệp, vừa dùng kết quả để xét tuyển vào đại học tiếp tục thể hiện tốt vai trò của mình. Trong suốt kỳ thi, không có những sự cố lớn nào về công tác chuẩn bị, cơ sở vật chất hay con người.
Từ các báo cáo nhanh trong suốt kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Bộ GD-ĐT có thể thấy, số thí sinh dự thi là trên 99%. Cụ thể, tỷ lệ thí sinh tới dự thi, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,55%; Toán 99,52%; Vật lí: 99.34%; Hóa học: 99.22%; Sinh học: 99.35%; Ngoại Ngữ: 99.63%; Lịch sử: 99.35%; Địa lí: 99.44%; GDCD: 99.56%.
Ban Chỉ đạo thi và tuyển sinh THPT Quốc gia 2018 đánh giá chung tình hình thời tiết thuận lợi trong suốt kỳ thi, tình hình giao thông ở các điểm thi đều thông suốt, không xảy ra ùn tắc. Các buổi thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế.
Do có sự chuẩn bị chu đáo, tất cả các phòng thi của các hội đồng thi đều bố trí đủ quạt mát, nước uống ngay tại hành lang để phục vụ các thí sinh. Ngành Công an đã chỉ đạo công an các địa phương tổ chức tốt công tác bảo vệ vòng ngoài, nên tình trạng lộn xộn tại cổng trường, nhất là thời điểm chuyển tiếp giữa các môn thi đã không xảy ra. Công tác coi thi được tổ chức khoa học, chặt chẽ, đúng quy chế, công tác bảo mật đề thi được chú trọng.
Có thể thấy, kinh nghiệm tổ chức một kỳ thi 2 trong 1 đã thể hiện rõ nhất ở việc kỳ thi diễn ra một cách nghiêm túc. Nếu như năm 2017, nhiều ý kiến còn quan ngại về việc liệu số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi giảm có phải là do buông lỏng công tác coi thi thì nay, bằng nhiều biện pháp như ra đề theo hướng mở; thắt chặt việc bảo quản đề thi, bài thi; tăng cường công tác thanh tra nhiều lớp đã phát huy tác dụng.
Về công tác bảo mật đề thi, bài thi, đơn cử với mỗi môn thi trắc nghiệm, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Khâu thu bài cũng được siết chặt hơn bằng cách niêm phong túi đựng bài thi bằng tem chuyên dụng, mỏng dễ rách.
Ngoài chữ ký của các cán bộ coi thi như trước đây, năm nay còn có chữ ký, họ tên đầy đủ của trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi đến từ trường đại học cao đẳng. Các chữ ký này đã được đăng ký để gửi cho Chủ tịch Hội đồng thi, để sau này đến khâu chấm thi, khi tiến hành bóc túi đựng bài thi sẽ kiểm tra tình trạng niêm phong với đầy đủ các chữ ký. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả, để bảo đảm rằng, túi bài thi vẫn được niêm phong cẩn thận và bảo mật.
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), tại một số tỉnh miền núi phía Bắc có mưa lớn, lũ quét, gây sạt lở ách tắc giao thông tại một số tuyến đường. Ở 2 tỉnh Lai Châu và Hà Giang mặc dù địa phương đã cố gắng khắc phục tối đa nhưng vẫn còn một số thí sinh không đến được Điểm thi để dự thi. Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia đã chỉ đạo Hội đồng thi các địa phương thống kê, báo cáo cụ thể, đồng thời đề xuất phương án để kịp thời quyết định phương án xử lí phù hợp vừa đúng Quy chế vừa đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Tổng cộng có 13 em không thể thi THPT quốc gia vì mưa lũ. Với các trường hợp này, Bộ cùng với lãnh đạo các địa phương đang xem xét khả năng xét đặc cách cho các em đỗ tốt nghiệp.
Đề thi làm tốt nhiệm vụ phân hóa
Đề thi Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 phù hợp với hình thức thi đã công bố, tiếp tục theo định hướng đánh giá năng lực người học, tăng mức yêu cầu vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn; đồng thời tăng cường phân hoá kết quả thi đảm bảo đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tin cậy để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, TC.
Theo Bộ GD-ĐT, kỳ thi đã diễn ra an toàn. Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 cảnh cáo, 1 khiển trách).
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia ngành giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa cao, đáp ứng được 2 mục đích của Kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, TC.
Nhiều thí sinh và giáo viên nhận xét đề thi năm nay vừa sức và có sự phân hóa rõ rệt giữa thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Cùng với việc bám sát chương trình sách giáo khoa, đề thi có nhiều câu hỏi mở theo hướng gắn với đời sống thực tế và thời sự trong nước.
Theo đánh giá chung, đây là những đề thi hay, không quá sức đối với học sinh và hoàn toàn nằm trong chương trình phổ thông.
Tại buổi họp báo, trước những câu hỏi về các đề thi năm nay được giá có độ phân hóa tốt, nhưng về độ khó thì dường như khó hơn nhiều năm ngoái. Đặc biệt là đề thi môn Toán và Hóa học, thậm chí đến GS. Toán, GS. Hóa học cũng không thể giải hết trong 90 phút, dường như đề thi đang nghiêng vào phục vụ mục đích thi ĐH hơn là tốt nghiệp THPT.
Trả lời vấn đề này, ông Sái Công Hồng - Cục phó Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, năm nay Bộ tiếp tục triển khai phương án tất cả các môn thi theo hình trắc nghiệm, trong mỗi phòng thi có 24 mã đề thi, ngoại trừ môn Ngữ văn theo hình thức tự luận.
Theo ông Hồng, về độ khó của đề thi phải căn cứ vào nội dung. Hội đồng ra đề thi đã tuân thủ đúng nội dung tất cả các môn thi, bài thi đều nằm trong chương trình lớp 12 và 11. Tỷ lệ kiến thức lớp 12 chiếm 80-85%. Như vậy, đề thi không vượt quá nội dung kiến thức các em học. Thứ hai, cấu trúc đề thi năm nay không thay đổi so với năm 2017, vẫn là 60% kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Các câu hỏi nâng cao vẫn nằm trong kiến thức lớp 12 và lớp 11. Đại diện của Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi khó mới là một đề thi thành công.
Riêng đối với các đề thi trắc nghiệm vẫn như năm trước, nhóm câu hỏi dễ được tạo thành từng nhóm sắp xếp ở phía trên rồi lần lượt khó hơn ở những câu phía sau để giúp các em làm lần lượt từ dễ đến khó.
“Đối với đề thi môn Văn, cũng có các câu hỏi được chia ra 4 cấp độ từ nhận biết đến vận dụng cao. Do đó câu hỏi ở cấp độ vận dụng cao thì độ khó cao. Với câu hỏi mở, thì đáp án cũng phải mở, như thế sẽ đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Trong ngày hôm nay, Bộ sẽ công bố đáp án môn Văn thì các nhà báo sẽ thấy đề ra mở như thế thì đáp án, phổ điểm sẽ như thế nào” - ông Hồng nhấn mạnh.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất