Ký sự World Cup: Một lần đặt chân đến Saudi Arabia

14/12/2022 15:18 GMT+7 | World Cup 2022

Từ Qatar sang nước láng giềng Saudi Arabia để cảm nhận không khí World Cup có lẽ là một ý tưởng điên rồ nhất nảy sinh trong đầu tôi. Lái xe từ Doha đến biên giới ở phía Tây Nam bán đảo Qatar, vốn cách đó chừng 90km, rồi cứ thế phi thẳng sang đất của một người khổng lồ về dầu mỏ, nghe có vẻ thật đơn giản? Câu chuyện không dễ dàng đến thế.

Lên ý tưởng luôn dễ, thực hiện nó mới phức tạp. Lấy một cái visa điện tử của Saudi Arabia cũng chỉ mất vài phút khai trên mạng sau khi đã chứng minh mình có thẻ Hayya (tất cả những ai có vé xem World Cup hoặc cánh phóng viên có thẻ tác nghiệp ở giải đấu này đều có thẻ Hayya) và trả 24 USD bảo hiểm y tế, nhưng sau đó, mọi chuyện rắc rối hơn.

Từ Qatar sang Saudi Arabia

Bạn không thể lái cái xe mà bạn đã thuê cả tháng để chạy thẳng sang Saudi Arabia. Ở đây, mọi chuyện không dễ như ở các nước trong hiệp ước Schengen ở châu Âu bạn đã quen, khi lái từ nước này sang nước kia một cách rất dễ dàng, nhiều khi đơn giản đến mức là đã sang lãnh thổ nước khác lúc nào không biết. Ở đây, bạn phải gửi xe lại ở lãnh thổ Qatar, bắt một xe bus đặc biệt chỉ chạy trong mùa World Cup để chở các cổ động viên Saudi Arabia đi lại giữa hai nước xem bóng đá đến cửa khẩu của Qatar để xuất cảnh, sau đó lên một cái xe bus khác của Saudi Arabia để nhập cảnh vào nước họ sau khi đi qua một vùng đệm rộng mênh mông, rộng tôi chưa từng thấy trong bất cứ chuyến đi nào trước đây giữa cửa khẩu các quốc gia. May thay, không có anh an ninh cửa khẩu nào của hai nước ít đẹp trai hoặc tỏ ra kém dễ thương. Ai cũng cười vui vẻ, có anh còn bảo rằng sẽ ủng hộ Argentina và Lionel Messi cho đến hết cuộc đời.

Ký sự World Cup: Một lần đặt chân đến Saudi Arabia - Ảnh 1.

Một góc của Al-Hofuf, thành phố nhỏ miền Bắc Saudi Arabia, nơi đóng góp 1 cầu thủ đá chính cho đội tuyển Saudi Arabia ở World Cup

Saudi Arabia tiếp tôi và một đồng nghiệp thân thiết bằng cái nóng, cái gió ở Salwa, thành phố sát vùng biên với Qatar, bằng nụ cười dễ thương của những người lái xe bus tôi đã đi từ biên giới đến đây, sự dễ mến của những người đồng hành Saudi Arabia tôi mới làm quen, có cả hai chú cháu người Pakistan bắt xe qua Al-Hofuf, nơi chúng tôi định đến cách đó hơn 100km để từ đó đi tiếp đến thánh địa Hồi giáo Mecca. Còn một cảm giác nữa, là ở đây nhiều dây thép gai quá, nhiều xe cảnh sát nháy đèn đỗ khắp nơi. Cảm giác ít thân thiện ấy có lẽ một phần là vì việc Saudi Arabia và một số quốc gia vùng Vịnh đã từng cấm vận Qatar vào năm 2017 khi họ tố cáo Qatar đứng sau các phần tử Hồi giáo chống đối. Biên giới lúc ấy bị đóng lại và chỉ được mở 4 năm sau đó. Nó đã nhộn nhịp trở lại vào dịp World Cup khi hai nước hợp tác để các cổ động viên Saudi Arabia sang Qatar xem các trận đấu và sau đó trở về. Và cũng nhờ thế mà tôi có thể lần đầu tiên trong đời đến Saudi Arabia theo cách này, có điều là không được lái cái xe tôi đã thuê.

Bởi nếu có cái xe thuê ấy, tôi đã có thể lái thẳng đến thủ đô Riyadh chứ không chọn một giải pháp gần hơn là Al-Hofuf, thành phố lớn nhất cách Salwa hơn 100km, để sáng hôm sau có thể sớm quay trở về Qatar cho trận bán kết Argentina-Croatia.  

Ký sự World Cup: Một lần đặt chân đến Saudi Arabia - Ảnh 2.

Người lao động nhập cư lang thang trên phố Al-Hofuf

 Ốc đảo bình yên không bóng đá

Al-Hofuf hiện ra vào lúc hoàng hôn sau gần 3 tiếng chiếc xe bus chạy chậm rì rì với một tài xế không nói một câu tiếng Anh nào. Xe dừng ở bến ngoại ô thành phố và một nhóm các tài xế taxi ùa ra mời chào chúng tôi lên xe. Không xe nào có công tơ mét, tay lái xe taxi nào trông cũng có vẻ ma cô. Cuối cùng, chúng tôi lên một chiếc Lexus mà đèn hậu đã vỡ nát sau một cú đâm. Anh tài xế, người nói một thứ tiếng Anh chán be bét, cười ồ lên khi tôi hỏi tình yêu bóng đá ở thành phố có 150 nghìn dân này thế nào. "World Cup à? Sau khi đội tuyển Saudi Arabia bị loại, không còn ai quan tâm nữa đâu".  

Nằm trong ốc đảo lớn nhất thế giới với 1,5 triệu cây cọ, Al-Hofuf không hẳn là một ốc đảo của bóng đá. Không có những màn hình lớn, không có những dấu hiệu nào liên quan đến World Cup, nhưng sức sống của giải đấu ấy vẫn âm ỷ trong lòng cộng đồng những người nhập cư ở đây. Khu trung tâm của thành phố là một tập hợp của những con phố với các cửa hàng thịt, cắt tóc, sửa điện thoại, các quán ăn, cửa hàng quần áo tập hợp rất đông người nhập cư Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan. Đi trên những con phố ấy có cảm giác rằng đó không phải là một thành phố của Saudi Arabia, mà là Mumbai hay Karachi.

Ký sự World Cup: Một lần đặt chân đến Saudi Arabia - Ảnh 3.

Trên hành trình từ biên giới Qatar-Saudi Arabia đến Al-Hofuf

Nhưng họ không quên World Cup. Hai nhân viên của một cửa hàng điện thoại đã tranh cãi nảy lửa khi tôi hỏi họ về việc họ ủng hộ ai mùa World Cup. Một anh nói ủng hộ hết mực Lionel Messi bởi đó là hiện thân của bóng đá đẹp. Anh kia nói người hay nhất phải là Ronaldo, nhưng tiếc là anh ấy đã phải về nhà. Một cậu bán quần áo rẻ tiền trên con phố gần khách sạn tôi ở thì chỉ mơ có đủ tiền để sang Qatar xem World Cup và ủng hộ Messi. Được thấy số 10 Argentina bằng xương bằng thịt là ước mơ của bao người lao động nhập cư nghèo ở đây. Trông họ còn nghèo hơn rất nhiều những người nhập cư nghèo tôi đã thấy ở Qatar. Còn người lễ tân khách sạn tôi ở một đêm ở đây, một người phụ nữ che mạng chỉ thấy mỗi đôi mắt khá đẹp thì bảo, sở dĩ ở đây người ta còn quan tâm đến World Cup là vì đội tuyển Maroc và vì Messi. Cô nói cô ngạc nhiên khi thấy một người châu Á như tôi đến nơi này và hỏi về bóng đá.

Vùng ốc đảo Al-Ahsa này có 1 CLB đang chơi ở giải vô địch Saudi Arabia là Al-Fateh, đội bóng của Al-Hofuf. Họ đóng góp 1 cầu thủ cho đội hình Saudi Arabia dự World Cup vừa rồi là tiền đạo 22 tuổi Firas Al Buraikan, người đã chơi cả 3 trận của đội ở giải đấu. Chính anh là người đã chuyền bóng để Al-Shehri ghi bàn gỡ hòa cho Saudi Arabia trong trận gặp Argentina, tạo ra bước ngoặt giúp họ chiến thắng đội bóng của Messi 2-1. Cô lễ tân bảo, hôm ấy, Al-Hofuf như trong một ngày lễ hội. Sau khi Saudi Arabia bị loại, thành phố chìm đi trong những lo toan thường nhật và có cảm giác đã bị lãng quên. Chẳng ai biết đến Saudi Arabia có Al-Hofuf, mà chỉ nghĩ đến Riyadh, Jedda và thánh địa Mecca. … Tôi trở lại Qatar buổi sáng hôm sau. Xe bus chạy qua khu ngoại ô rất nghèo của Al-Hofuf. Bọn trẻ đang đá bóng trên những cái sân bụi mù đất cát. Đến bao giờ nơi đây mới lên bản đồ bóng đá Saudi Arabia, chưa nói đến thế giới nhỉ, khi tất cả những gì tinh túy nhất của trái bóng tròn nơi đây đều nằm ở Riyadh và Jedda. Ở Riyadh cách đây hơn 300km có Al Nassr, đội sẵn sàng biến Cristiano Ronaldo trở thành cầu thủ có mức lương cao nhất mọi thời đại với giá 200 triệu USD/năm!

Tôi háo hức chụp tấm biển chỉ hướng ở ngoại ô Salwa, phần lãnh thổ Saudi Arabia, sau khi xe bus đã đi qua biên giới. Tấm biển viết lời chào mừng mà tôi dịch là "hãy đến với Al-Ahsa, thành phố của những cuộc hẹn hò". Bởi có một câu chuyện kiểu Romeo và Juliet của thế giới Arab rằng, đây là nơi chôn cất của Laila và Majnoon, những người đã yêu nhau mà không đến được với nhau và rồi cùng chết. Đến đây rồi mới hiểu rằng, hóa ra, từ "dates" mà tôi nghĩ là "hẹn hò" lại là "mật chà là", bởi đây là một trong những nơi làm mật từ cây chà là lớn nhất thế giới.

Ban đầu tôi không định đến đó mà chạy thẳng tới thủ đô Riyadh, nhưng kế hoạch phải thay đổi. Tôi đành phải đi xe bus đến Al-Hofuf, nơi cũng thỉnh thoảng được gọi là Al-Ahsa như tên của ốc đảo lớn ấy, một thành phố nằm trên đường tới Riyadh tráng lệ. Con đường đến đó chạy gần trăm km giữa sa mạc dưới ánh mặt trời chói gắt, để rồi sau đó đường cứ xấu dần, ổ gà khắp nơi, cho đến khi vào Al-Hofuf. Có những chỗ hai bên nghèo xác xơ. Có những khu phố xấu xí, xập xệ và bẩn thỉu. Có những khu phố nhếch nhác và đông đúc không khác một thành phố ở Nam Á, với những cửa hàng bán đủ thứ, những ngõ phố sập xệ, những người nhập cư gốc Ấn Độ, Nepal, Pakistan đứng ngồi đủ kiểu trên các con phố cũ kỹ ở khu trung tâm. Nhưng đó vẫn chưa phải là nơi nghèo nhất Saudi Arabia. Ngay ở Riyadh và Jedda, hai thành phố giàu nhất đất nước này vẫn có những ổ chuột rách rưới vô cùng. Đó là một gương mặt hoàn toàn khác của Saudi Arabia mà tôi không thể hình dung. Bởi Saudi Arabia là quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Họ cũng chiếm gần 1/4 trữ lượng dầu của cả thế giới. Tiếng nói của người khổng lồ năng lượng này rất có trọng lượng. Nhưng ngoài việc là một xã hội Hồi giáo khá hà khắc, cứng rắn hơn nhiều những gì tôi đã thấy ở Qatar, thì sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn. Có tới 20% dân số nước này sống trong cảnh đói nghèo dù Hoàng gia của họ giàu nhất thế giới. Nếu không có World Cup, chắc tôi không có dịp nào để đặt chân đến Saudi Arabia. Một chuyến đi từ Qatar giàu sang bậc nhất đến một thành phố nhỏ bình dị của Saudi Arabia không chỉ là một sự thay đổi góc nhìn về cuộc sống ở vùng Vịnh, mà còn là một trải nghiệm tuyệt vời về thế giới Arab tưởng như luôn bí ẩn, nhưng thực ra cũng dễ nhìn ra những câu chuyện của họ.

Trương Anh Ngọc, phóng viên TTXVN, từ biên giới Saudi Arabia-Qatar

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm