24/01/2023 14:00 GMT+7 | Văn hoá
Thời mỹ thuật Đông Dương, nhiều họa sĩ vẽ mèo, nhưng hiếm có ai vẽ mèo độc đáo như Nguyễn Sáng (1923 - 1988). Về chủ đề 12 con giáp, từ miệt mài vẽ tất cả các con vật trên những đĩa sơn mài, Nguyễn Sáng dần "thu về" chỉ vẽ mèo, sau hàng trăm phác thảo, ký họa mèo, ông đã có những tác phẩm rất đặc biệt.
1. Trong bài Tranh mèo của các họa sĩ bậc thầy, Trịnh Chu viết: "… Nguyễn Sáng từng vẽ hổ, vẽ trâu, vẽ ngựa, vẽ gà… nhưng chưa ở đâu dấu ấn cá nhân Nguyễn Sáng lại phát tiết một cách tự do nhất, đam si và hào hứng nhất như ở tranh vẽ mèo. Với Nguyễn Sáng, mèo là một cuộc khám phá các đối tượng thẩm mỹ về hình sắc, bố cục, cấu trúc và là sự tìm kiếm kỳ công cho phương thức biểu hiện mới. Ông vẽ hàng trăm bức về mèo, trở thành "vua vẽ mèo" của Việt Nam: khi phiêu du trên mặt lụa mỏng manh, thanh thoát; lúc rực rỡ, lung linh trong ánh sơn mài tưng bừng, khỏe khoắn; có khi lại thiết tha, rạo rực nơi những vết chải sơn dầu, bột màu ngon mắt".
Nhà sưu tập Nguyễn Trường Sơn (tên thân mật là Bê) kể: "Con mèo khi bình thường hiền lành, nhẹ nhàng, khi dữ thì như con hổ, tôi thích cái mềm mại mà dữ dội của mèo, nó là bạn tôi mỗi ngày". Đó là lời trò chuyện của bác Nguyễn Sáng với ba tôi, mà tôi hóng hớt được, khi bác ngồi nhậu với ba tôi ở Hà Nội".
Anh Bê kể tiếp: "Có lần tôi theo ba đến nhà bác ở 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội, thấy trên tường căn phòng nhỏ của bác có treo bức sơn dầu vẽ Thánh Gióng, trên mặt bàn nhỏ và dưới sàn nhà có một số ký họa bằng bút chì vẽ mèo với nhiều tư thế, tỉa kỹ từng sợi lông và râu mèo, có lẽ chính từ những ký họa này mà bác thể hiện các tác phẩm mèo sau này".
Có nhiều dịp gần gũi với Nguyễn Sáng, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt kể: "Tranh mèo của Nguyễn Sáng là một loại tranh bán trừu tượng. Có lần họa sĩ nói với tôi: "Các đốm màu trên thân những con mèo rất trừu tượng", và ông cũng nói tiếp: "Một bức tranh càng trừu tượng càng đẹp".
Họa sĩ Dương Viên (1931 - 2019) kể có lần ông nghe Nguyễn Sáng tâm sự rằng vẽ mèo cũng chính là vẽ sự cô đơn, vẽ sự quan hệ ít ràng buộc của chính mình.
Tại ngôi nhà chung ở 65 phố Nguyễn Thái Học, Nguyễn Sáng có căn phòng gần 13m2 trên tầng 3, nơi ông vẽ miệt mài trong hơn 3 thập niên, từ đầu những năm 1940 đến sau 1975. Vì đời sống eo hẹp, nên ông thường phác thảo bằng phấn trên nền nhà, rồi xóa; ông không dám nuôi riêng một con mèo, nhưng ở nhà chung và hàng xóm thì có nhiều mèo, chúng thường đến phòng ông chơi, ở lại. Đơn giản vì ông thường ở một mình, tĩnh mịch, lại rất thích mèo, nên cả hai có quan hệ lưu luyến, nhưng không cần ràng buộc.
Trong nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960), có đoạn: "Nghĩ thương cho Sáng không có thuốc (màu nước, thuốc nước - PV), không có màu để vẽ, trong khi đó có nhiều họa sĩ có thuốc mà không vẽ, chỉ để thỉnh thoảng mở ra ngắm. Và thảm hơn, để đem bán…".
Ở một đoạn khác, Nguyễn Huy Tưởng viết: "Sáng là họa sĩ có tài, có lẽ thuộc vào số những tài hoa bậc nhất của hội họa Việt Nam. Vậy mà không có dịp thi thố tài năng. Tài năng ấy không lẽ cứ để cho mai một đi?".
Một chi tiết thú vị, cũng trong chủ đề con giáp, bức đầu tiên mà Nguyễn Tư Nghiêm (1922 - 2016) vẽ là con mèo, vẽ từ những năm 1955-1956, lấy cảm hứng từ bức chạm gỗ cổ Mèo ngoạm cá ở đình Bình Lục, tỉnh Quảng Ninh. Theo Dương Viên thì con giáp đầu tiên và cuối cùng mà Nguyễn Sáng vẽ, cũng là con mèo. Ông vẽ mèo từ thời sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng do tranh giấy, phải di chuyển nhiều trong chiến tranh, nên thất lạc hết.
2. Xem tranh mèo của Nguyễn Sáng, ví dụ bức Hai con mèo (sơn mài, 55cm x 82cm, 1983), hiện thuộc sưu tập của Nguyễn Trường Sơn (TP.HCM), thấy mèo không chỉ là mèo.
Có thể nói, trong tạo hình và quan niệm, tính biểu tượng, mèo của Nguyễn Sáng bao hàm hình tượng của cả 11 con giáp còn lại, tùy điểm nhìn mà ta có thể nhận ra. Vẽ mèo mà nhìn thấy được hình dáng của cọp, thậm chí của chó, hoặc các con bốn chân khác như ngựa, trâu, chuột, heo, dê thì đã là quá tài tình.
Trong cốt cách mèo của Nguyễn Sáng còn thấy cả bóng dáng của rồng, rắn, gà… thì chứng tỏ ông đã dồn nén, tinh lọc triết lý 12 con giáp vào hình tượng mèo. Dù chuyên chở nhiều như vậy, nhưng mèo của ông vừa mạnh mẽ vừa thanh thoát, vừa bay bổng vừa trần thế, vừa hình tượng vừa trừu tượng.
Việc "hôn phối" hình tượng mèo còn nhìn thấy qua các năm mà Nguyễn Sáng vẽ. Ví dụ bức ông vẽ năm 1971 (Tân Hợi), mèo có chút mập mạp và vô tư của con heo; bức vẽ năm 1986 (Bính Dần), ngoài bóng dáng của cọp, còn có báo, beo nữa; bức vẽ năm 1978 (Mậu Ngọ) thì có lối phi nước kiệu trong tư thế.
Một bức vẽ mèo năm 1974 (Giáp Dần), hiện thuộc sưu tập của GS Ngô Bảo Châu, thì có cốt cách cọp trong tư thế săn mồi.
Ngô Bảo Châu viết: "GS Henri Van Regemorter tham gia phong trào phản đối chiến tranh Đông dương từ khi còn là sinh viên. Trong thời kỳ 1955-1975, ông là một trong những lãnh đạo của Liên đoàn khoa học kỹ thuật chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Sau năm 1975, ông sáng lập ra Ủy ban hợp tác khoa học kỹ thuật Pháp-Việt để kết nối các nhà khoa học Việt Nam với các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học Pháp. Tôi không biết chính xác Henri có bức tranh này trong hoàn cảnh nào, nhưng hiển nhiên nó là kỷ vật của một cuộc đời gắn bó với đất nước Việt Nam. Tôi kết bạn với Henri từ năm 1990 khi mới sang Pháp. Henri tặng tôi bức tranh Mèo của Nguyễn Sáng một vài tháng trước khi ông mất vào năm 2002".
Không chỉ trong các tranh con giáp mới nhận ra cốt cách mèo. Qua tạo hình của một số bức tranh vẽ thiếu nữ của Nguyễn Sáng, hình bóng mèo cũng hiển hiện. Những tác phẩm tiêu biểu như Chọi trâu, Đấu vật, Vật… thì càng quá rõ ràng. Hai con trâu vào sừng, hai đô vật vào thế… chẳng khác gì hai con mèo đang vờn nhau. Dù vẽ sự ganh đua, tranh đấu, vốn cần mạnh mẽ, nhưng tranh của Nguyễn Sáng vẫn rất uyển chuyển, nhẹ nhàng.
Tất nhiên, Nguyễn Sáng không vẽ với mục đích thông thường là mô tả con vật, hiện tượng, mà là chắt lọc thẩm mỹ trong các động tác, các thần thái để tôn tạo thêm sức hấp dẫn cho bố cục độc đáo, chất liệu tân kỳ mà ông đã sở đắc được.
Nguyễn Sáng có hai cuộc đời, đời thực thì nhiều bất hạnh, khắt khe và cô độc, còn cuộc đời trong tác phẩm thì thanh tao, quyến rũ, sang trọng. Trong bài điếu văn đưa tiễn Nguyễn Sáng, điêu khắc gia Diệp Minh Châu (1919 - 2002) kể: "Khi liệm tôi, các ông trổ hai lỗ tròn ở hai vách áo quan để hai bàn tay tôi thò qua đó cho thiên hạ biết rằng khi vào đời Nguyễn Sáng chỉ có hai bàn tay không và khi ra đi cũng vậy".
Còn trong sổ tang, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) viết: "Tôi chưa bao giờ đến viếng một đám tang nào lặng lẽ, cô đơn đến thế. Đêm tối càng làm cho cái thân xác nằm yên trong những tấm gỗ hòm trơ trọi hơn thêm. Tội cho anh Sáng quá. Tranh của anh thì hào hoa, mà đời rượu của anh thì tồi tàn, tội nghiệp quá thể".
Bức Nguyễn Sáng vẽ năm 1971 (Tân Hợi), mèo có chút mập mạp và vô tư của con heo; bức vẽ năm 1986 (Bính Dần), ngoài bóng dáng của cọp, còn có báo, beo nữa; bức vẽ năm 1978 (Mậu Ngọ) thì có lối phi nước kiệu trong tư thế.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất