Kỳ 4: Ốc đảo dưới chân cầu

04/08/2010 10:01 GMT+7 | Lich sử - Tài liệu

Lần theo nhịp thang phụ giữa cầu Long Biên, tôi tìm xuống ốc đảo bình yên ngay dưới chân cầu. Các cụ già kể rằng bãi giữa này đã nổi lên từ xa xưa trước khi xây dựng cầu, nó như “con đập” tự nhiên giúp giảm bớt dòng nước chảy xiết mùa mưa lũ để bảo vệ cầu và khu dân cư.

>> Kỳ 1: Công trình lịch sử
>> Kỳ 2: Trong bão lửa
>> Kỳ 3: Giữ vững huyết mạch

Long Biên không chỉ soi bóng nước sông Hồng như những cây cầu khác, mà còn vắt mình trên một cồn bãi xanh tươi rộng lớn. Hơn thế kỷ qua, cầu Long Biên luôn gắn liền với ốc đảo đầy sức sống này và có những câu chuyện linh địa kỳ lạ.


Diện tích bãi hiện còn rộng hơn 61ha với trên 100 hộ dân làm nông - Ảnh: QUỐC VIỆT

Địa thế linh thiêng


Ông Nguyễn Văn Thụy đã ngoài 70 tuổi vẫn nhớ gia đình mình đã ít nhất có ba đời sống trên dải đất như ốc đảo giữa sông Hồng: “Ông nội tôi sinh ra ở đây, bố tôi cất tiếng khóc chào đời ở đây và tôi cũng lẫm chẫm những bước chân đầu đời trên bãi sông này”. Trong ký ức được tổ tiên truyền nối từ bao đời, ông Thụy kể rằng đoạn sông này có địa thế phong thủy rất tốt.

Ngày xưa, những đoàn quân xâm lược từ phương bắc đã nhìn thấy điều đó để bày trận giao tranh. Rồi khi triều đình nước Nam lập làng Cơ Xá ở bờ bãi đoạn sông này cũng có sự tích linh thiêng. Người ta cho thả một quả bưởi từ đoạn sông trên. Nó trôi dạt vào đâu, địa giới làng được mở đến đó. Làng Cơ Xá bao gồm cả bãi giữa sông này ra đời từ đó.

Người Pháp có thể tuy không bị ảnh hưởng nhiều thuật phong thủy phương Đông, nhưng cũng chọn đoạn sông chảy qua cồn bãi này để xây dựng cầu Long Biên. Đó cũng là đoạn sông Hồng mà ngày xưa chiến hạm Pháp đã khai hỏa pháo tấn công thành Hà Nội. Ngay lúc việc xây cầu mới chuẩn bị, các thầy địa lý giỏi của Hà thành đã chấm “long mạch” ở đây. Họ cho rằng việc xây một cầu lớn như vậy là quá hệ trọng, đặc biệt là bắc qua sông Hồng (còn gọi là Nhị Hà) như long mạch của Hà Nội.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia xây dựng thời nay, kỹ sư cầu đường Pháp đã chọn chính xác nơi thuận lợi nhất lúc đó để xây dựng cầu Long Biên. Vị trí sông Hồng này không chỉ rất gần khu trung tâm thành phố, mà còn có địa tầng cát sỏi cứng bên dưới để làm móng cầu kiên cố. Đặc biệt, bãi giữa dưới chân cầu cũng là điều kiện thuận lợi hiếm hoi cho công trình xây dựng qua sông Hồng quá rộng lớn, khó khăn.

Mùa khô, nó vừa là cồn bãi tập kết phương tiện xây dựng, vừa là nơi dễ dàng nhất để đào một số trụ cầu thay chỗ đáy sông sâu. Nhờ một phần điều kiện tự nhiên thuận lợi đó mà cầu Long Biên sớm hoàn thành chỉ trong bốn năm và không gặp mấy trục trặc về kỹ thuật.

Rồi khi cây cầu hoàn thành và soi bóng nước sông Hồng, cồn bãi này lại tiếp tục gắn bó như hình bóng với nó. Trong suốt cuộc chiến tranh chống máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, bãi giữa này là một trong những trận địa quan trọng bảo vệ cầu. Quân đội đã đem cả tên lửa, trọng pháo phòng không bố trí trên bãi để đối đầu với máy bay Mỹ đánh cầu. Nếu không có cồn bãi dưới sông, chắc chắn việc phòng thủ cầu Long Biên sẽ còn khó khăn, đổ xương máu nhiều hơn.

Người bạn tri kỷ

Ông Thụy nhớ hồi sau năm 1975, một thời kỳ người ta tính xóa sổ cái bãi này để dòng lũ thoát nhanh. Tất cả dân xóm bãi chuyển lên bờ. Nhà cửa dọn sạch. Một số cừ kè quanh bãi phải nhổ đi để nước lũ cuốn lở dần bãi. Tuy nhiên, thiên nhiên không như tính toán con người. Nước lũ chỉ làm lở được một phần bãi, rồi chuyển dòng chảy xói thẳng vào bờ đe dọa khu dân cư lẫn cả cầu Long Biên. Thế rồi cồn bãi dưới chân cầu lại được bảo vệ như hàng trăm năm trước nó đã dần hình thành và tồn tại tự nhiên trên sông Hồng.

Ông Nguyễn Văn Thạch, một nông dân 70 năm gắn bó với cồn bãi này, tâm sự: “Từ xa xưa, trên bãi đã có một xóm làng trù phú khuất dưới bóng cầu và một con đường rộng mấy mét để người dân đi lại. Rồi sau khi cầu được xây dựng thêm phần đường cho khách bộ hành và ôtô, người ta đã làm cầu thang ở giữa cầu để dẫn xuống bãi. Từ đó, dân dưới bãi và dân trên bờ có thể qua lại dễ dàng bằng chính cây cầu Long Biên này. Họ không còn phải đi thuyền vất vả, nguy hiểm như xưa nữa”.


Dẫn tôi dạo bước ngắm cầu Long Biên đang hắt bóng dài dưới ánh hoàng hôn trên bãi, ông Thạch kể rằng từ lâu trong tâm khảm mình cùng nhiều người dân bãi này đã coi cầu Long Biên là bạn tri kỷ tri âm. Cũng như ông bạn già Thụy, mấy đời tổ tiên ông Thạch đã ở bãi. Mùa nắng khô bãi nổi hoàn toàn trên mặt nước. Nhưng những tháng mùa mưa đôi khi nó cũng bị nhấn chìm do lũ lớn từ thượng nguồn đổ về. Cư dân trên bãi thường phải đắp đất đóng cừ tre làm một gian nhà gò cao hơn 2-3m so với mặt bãi để sẵn sàng chạy lũ.

Bao quanh xóm bãi, người ta còn trồng rất nhiều tre cản bớt sức nước, bảo vệ nhà cửa. Tuy nhiên, lũ lớn vẫn thường nhấn chìm bãi. “Những lúc đó chính cầu Long Biên đã che chở chúng tôi”, ông Thạch tâm sự thêm những đêm mưa bão, lũ sông Hồng lên nhanh đến bất ngờ và cầu Long Biên là nơi chạy tránh lũ nhanh nhất, an toàn nhất với cư dân xóm bãi.

Đến giờ, lớp người lớn tuổi như ông Thạch, ông Thụy còn lưu giữ biết bao kỷ niệm khó quên về cây cầu và cồn bãi này. Cư dân bãi rất thạo nghề nông để sinh sống. Xa xưa, tổ tiên họ trồng dâu nuôi tằm. Đất và nước sông Hồng rất hợp với cây dâu. Về sau, bãi dâu hẹp dần để thay bằng các cây lương thực như ngô, đậu, khoai trong thời đói kém. Và cây gì cũng xanh tốt trên bãi. Mỗi lần lũ tràn qua bãi, dân lao đao một chút nhưng phù sa lại bồi đắp cho bãi màu mỡ thêm. Lúc ấy cá tôm sông Hồng nhiều vô kể. Nước cũng chưa ô nhiễm để người dân có thể sử dụng trực tiếp.


Các bạn trẻ vui chơi dưới chân cầu Long Biên - Ảnh: QUỐC VIỆT

Men theo những luống khoai, bãi ngô xanh ngắt, tôi lang thang trên bãi dưới chân cầu. Một ốc đảo bình yên hiếm hoi nằm giữa thủ đô đông đúc. Những đôi trai gái dạo chơi dưới bãi. Mấy cậu nhóc chạy loăng quăng thả diều. Các cụ già đi câu cá sông. Và cả những thanh niên lánh góc bãi vắng vẻ để “tắm tiên”. Cái thú bơi sông hoang dã không mặc quần áo chỉ duy nhất có ở nơi này...

Bây giờ, những cựu dân sinh ra trên bãi như ông Thạch, ông Thụy vẫn còn. Nhưng nhiều dân tỉnh cũng mới xuống thuê đất làm nông. Trải cùng thời gian và con nước lở bồi, diện tích bãi hiện còn rộng hơn 61 ha với trên 100 hộ dân đang làm nông. Một số người dựng nhà sống luôn ở bãi. Những người khác thì sống trên bờ, ban ngày xuống bãi cày cuốc, tối lại về nhà.

Trong những sản vật mà dân bãi thu hoạch được có sự giúp sức lặng lẽ của cầu Long Biên. Qua bao mùa nước sông Hồng, cây cầu đã làm con đường thuận tiện nhất xuống bãi lên bờ. Nó lặng lẽ giúp những hạt giống được đem gieo trồng xanh tốt trên cồn bãi. Rồi đến một ngày người ta lại men theo chiếc cầu sắt đó đem rổ khoai, thúng ngô, mớ rau về nhà.

QUỐC VIỆT

Theo Tuổi trẻ

_________________________

Nhiều năm qua cầu Long Biên đã mang trên mình những chợ quê, chợ đêm dân dã với sức sống và nét đẹp đặc trưng của thủ đô Hà Nội. Nhiều ý tưởng muốn phục hồi cầu Long Biên để biến nó thành một bảo tàng độc đáo...

Kỳ cuối: Sức sống qua ba thế kỷ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm