Kỳ 3: Mua bán tranh khỏa thân

25/02/2010 14:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Có một nghịch lý dễ nhận ra là điều kiện để sáng tác tranh khỏa thân thường không mấy thuận lợi, lượng tranh cũng thuộc diện ít, nhưng thị trường của tranh khỏa thân thì gần như không hiện diện vì các nhà sưu tập chẳng mấy mặn mà. Có ý kiến cực đoan còn cho rằng tranh khỏa thân là “con ghẻ” của nền hội họa Việt Nam, dù kỹ thuật vẽ khỏa thân và những phái sinh của nó đã đóng góp rất thiết thực vào lịch sử hội họa.

Những e dè nhất định


 Tác phẩm Thiếu nữ chải tóc, 57x42cm,
lụa, 1940-41(?) của Nguyễn Văn Long (1907-1992)

Thực tế cho thấy, trong cuộc đời của các họa sĩ Việt Nam, tranh khỏa thân thường chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số tác phẩm mà họ đã tạo tác. Trong các bảo tàng, các bộ sưu tập, các vựng tập, các sách nghiên cứu, sách lịch sử... đang hiện diện ở Việt Nam, cũng hiếm thấy nơi nào dành một sự trân trọng đúng mức với tác phẩm khỏa thân. Theo tin từ giới sưu tập, số tác phẩm khỏa thân của danh họa Trần Văn Cẩn và Lưu Công Nhân do gia đình giữ lại hiện nay là những trường hợp khá đặc biệt. Còn phần lớn những tác phẩm khỏa thân tiêu biểu thì đã nằm rải rác ở nước ngoài; hoặc không xác định được “tung tích”.


“Thông thường mọi người rất dễ dàng “chấp nhận” những tác phẩm khỏa thân đã trở thành kinh điển như Thần vệ nữ ở Milo (Hy Lạp cổ đại), David (Michelangelo, Ý, thời Phục hưng), Nụ hôn (Auguste Rodin, Pháp, thế kỷ 19)... Ở những tác phẩm này, tính chắt lọc và sự hài hòa về hình thể đã làm thăng hoa các cảm nhận. Thân xác trở thành hiện thân của vẻ đẹp tinh thần cường tráng, lành mạnh.

Tuy nhiên, nếu xem các cảm nhận trên là tiêu chuẩn duy nhất và tột cùng để thẩm định tranh, tượng khỏa thân thì e rằng đã vô tình đơn giản hóa quan niệm về đặc trưng và chức năng nghệ thuật, xem nhẹ tính nghệ thuật chỉ là cái đẹp với cảm thức lãng mạn. Thực tế, từ khi chủ nghĩa hiện thực ra đời, các nghệ sĩ đặt tầm nhìn trực diện hơn với cuộc sống. Tranh tượng khỏa thân đã không còn thoát tục, ca ngợi vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên nữa. Thân xác con người chỉ còn là chất liệu cho biểu hiện nghệ thuật”, nhà phê bình Nguyên Hưng nhận xét. Chính cái cảm thức lãng mạn này đã chi phối cái nhìn và thiết lập cả định kiến nơi người xem, người mua với tranh khỏa thân. Với đa phần, khi nhìn về tranh khỏa thân là chỉ nhìn vào khía cạnh “thanh” hoặc “tục”, mà quên đi “các nguyên cớ hiện thực hình thành tác phẩm và ý nghĩa biểu hiện” - Nguyên Hưng khẳng định.

Những e dè còn xuất phát từ thực tế tranh khỏa thân rất khó tìm chỗ treo trong các gia đình hoặc nơi công sở, nên việc mua bán thường ít khi diễn ra rầm rộ. Ngay trên thế giới cũng hiếm khi có phiên mua bán hay đấu giá chuyên về tranh khỏa thân.

Một tác phẩm đặc biệt

Kể từ khi tranh Việt thường xuyên lên các sàn đấu giá quốc tế (khoảng 15 năm gần đây), cũng có rất ít các tác phẩm khỏa thân được mua bán. Một nhà nghiên cứu mỹ thuật nói rằng tranh khỏa thân đẹp thường có tính vĩnh cửu chứ không bị lệ thuộc vào tính lịch sử. Trong khi các nhà đấu giá thường thích những tác phẩm tiêu biểu cho từng cột mốc lịch sử; thích những họa sĩ quan trọng trong lịch sử mỹ thuật.


Tác phẩm Khỏa thân của Lê Phổ bán được gần 100 ngàn USD năm 2004
Tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Singapore hồi tháng 10/2004, tác phẩm Khỏa thân (90x180cm, sơn dầu, 1931) của Lê Phổ đã đạt mức giá bán 98.823 USD (tức 168.000 đô la Singapore). Tác phẩm này rất hoàn hảo và rất lạ về bố cục, được vẽ tại Hà Nội năm 1931 với người mẫu là một thiếu nữ Tây phương. Với lịch sử mỹ thuật nói chung, việc tác phẩm này lên sàn đấu giá chuyên nghiệp và đạt giá bán như vậy là một sự kiện rất có ý nghĩa, nó đã chứng minh cho người Tây phương thấy được sự tự chủ, độc lập trong sáng tạo của những người học trò Việt Nam ngay ở thời kỳ đầu. Riêng với lịch sử mỹ thuật Việt Nam, vốn hiếm khi xiển dương tranh khỏa thân và thường có cái nhìn khá đóng khung về Lê Phổ (với đề tài phổ biến là thiếu nữ và hoa) thì tác phẩm này là một đóng góp bất ngờ.

Trong những năm ở Hà Nội đầu thập niên 1930, Lê Phổ đã vẽ một số tác phẩm khỏa thân quan trọng với người mẫu Tây phương, trong đó Nữ khỏa thân (60x90cm, phấn trên giấy, 1932) đã được vài sách nghiên cứu mỹ thuật của Pháp đánh giá cao. Tuy nhiên, Khỏa thân vẫn là tác phẩm đặc biệt, vì đây được xem là một trong những tác phẩm khỏa thân đầu tiên của Việt Nam. Bên cạnh sự táo bạo trong cách thể hiện, cách dùng màu thì sự thanh khiết, thánh thiện vẫn được đề cao. Một tác phẩm khỏa thân kết hợp hài hòa giữa thanh và tục, giữa sự bứt phá táo bạo trong bố cục với màu sắc thanh đạm kiểu truyền thống... cũng là một đóng góp đáng kể. Có điều đáng buồn, cũng như nhiều tác phẩm quan trọng khác của Việt Nam, việc mua bán, phân tích, đánh giá vẫn thuộc về... người phương Tây.

Kỳ cuối: Tranh khỏa thân - gian nan đường đến với công chúng

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm